Độc đáo làn điệu dân ca cổ
Khắp Nôm (hát nôm) là một hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian, hình thành ngay trong đời sống thường ngày của người Tày từ xa xưa. Khắp Nôm chính là cách hát nôm na về một câu chuyện, một hoàn cảnh được nảy sinh ngay trong những khoảnh khắc cụ thể. Là lời tự sự, giao tiếp được thể hiện bằng câu hát, khúc trao gửi tâm tình những ý nguyện của con người với con người, con người đối với thiên nhiên trời đất, với các vị thánh thần...
Đồng bào Tày ở Văn Bàn biểu diễn Khắp Nôm. Ảnh: Báo Lào Cai
Xem thêm: Chuyên đề: 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Nghĩa tình đậm sâu Biên Hòa - Đồng Nai
Tại huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) hầu hết các địa phương mà người Tày sinh sống, đều biết Khắp Nôm. Theo tài liệu của, Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, Khắp Nôm còn gọi là Khắp Tay, có nghĩa là hát của người Tày, là làn điệu hát dân ca cổ của người Tày vùng Văn Bàn.
Nội dung và hình thức hát Khắp Nôm rất đa dạng và phong phú, lời ca mượt mà thắm đượm trữ tình, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, bản chất chăm chỉ của người Tày…
Người Tày vùng Văn Bàn chia thành hát dân ca sinh hoạt hằng ngày và hát dân ca nghi lễ. Hát dân ca có nhiều bài như bài Khắp chúc mừng năm mới, Khắp Chấm Chiêng, Khắp mời rượu, Khắp 12 mùa hoa kể đến từng tháng trong năm… Trong khi đó, hát nghi lễ Khắp so pạu ư- Hát xin đón dâu, hát mừng nhà mới…
Đối tượng tham gia vào cuộc hát gồm có các cụ cao niên, trung niên và thanh niên. Khi hát người Tày dùng cây đàn tính và chùm chuông nhạc, sáo hoặc trống làm nhạc đệm cho bài hát thêm mượt mà.
Các thành viên Câu lạc bộ Khắp Nôm Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn trong buổi luyện tập. Ảnh: M.Tú
Hình thức biểu hiện và không gian sinh hoạt văn hóa chủ yếu trong Khắp Nôm có ba dạng cơ bản, đó là: Khắp đơn, khắp đôi, khắp đông người. Mỗi cách thức hát đó đều gắn với những không gian sinh hoạt văn hóa cụ thể nhưng đặc biệt là kiểu hát nhiều người có khi hát kéo dài 3 ngày 3 đêm không hát hết lời, chưa phân thắng thua vì vốn văn hóa và đặc biệt là lời khắp ứng tác tài tình ngay tại cuộc hát…
Những nỗ lực mới
Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… nên dễ hiểu Khắp Nôm trong cộng đồng người Tày luôn mang sức sống bền bỉ. Trong những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Văn Bàn đã có những nỗ lực mới trong công tác bảo, tồn phát huy giá trị di sản này.
Xem thêm: NSƯT Đỗ Kỷ lần thứ 2 nhận thông báo trượt danh hiệu NSND
Văn Bàn hiện đã thành lập 12 Câu lạc bộ Khắp Nôm tại các xã, thị trấn. Để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nâng cao giá trị của Khắp Nôm, huyện thường xuyên tổ chức Liên hoan Hát Nôm Tày với sự tham gia của hàng trăm diễn viên không chuyên, nghệ nhân dân gian đến từ 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan hát Nôm Tày lần thứ 3 năm 2023. Ảnh: Cổng TTĐT Lào Cai
Tham gia Liên hoan, các diễn viên trổ tài hát đơn hoặc hát đôi các hoạt cảnh, trích đoạn các nghi lễ truyền thống của dân tộc Tày và dân vũ (bao gồm các điệu múa truyền thống của dân tộc Tày tại địa phương) với chủ đề chính là ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi quê hương Lào Cai, quê hương Văn Bàn đổi mới và phát triển, ca ngợi công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Khắp Nôm cùng với lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày, lễ Cầu làng của người Dao Họ đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2018.
Đồng thời, huyện Văn Bàn cũng phát huy vai trò nòng cốt của các nghệ nhân, những người am hiểu và giỏi các bài hát để bảo tồn Khắp Nôm. Các nghệ nhân còn có nhiệm vụ trao truyền cho thế hệ trẻ cách thức diễn xướng… Đồng thời Khắp Nôm được đưa vào trường học dạy cho học sinh, từ đó gìn giữ và phát huy giá trị di sản một cách bền vững trong đời sống cộng đồng.
Đưa Khắp Nôm vào khai thác du lịch
Huyện Văn Bàn là nơi tập trung sinh sống của 11 dân tộc anh em, gồm Tày, Mông, Dao, Giáy, Phù Lá, Sán Chay, Xa Phó... Đồng bào các dân tộc thiểu số tại Văn Bàn còn gìn giữ tương đối nguyên vẹn những phong tục tập quán cùng 14 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đặc sắc như Lễ hội Lồng tồng, làn điệu dân ca Khắp Nôm của người Tày; Lễ cầu làng Áy lay của người Dao Họ; Lễ cúng rừng của người Giáy; nghi lễ Khoi Kìm của người Dao đỏ...
Dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, gần đây, Văn Bàn được định hướng phát triển du lịch bên cạnh các “trụ cột” công nghiệp, nông nghiệp và phát triển đô thị.
Từ thực tế, Văn Bàn nhận thấy cần định hướng phát triển du lịch với các sản phẩm chủ đạo là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp nhằm khai thác tối ưu lợi thế của huyện. Hội tụ đầy đủ điều kiện để xây dựng các sản phẩm này là khu vực thị trấn Dần Thàng, hiện đã được quy hoạch trở thành thị trấn du lịch chất lượng cao, là điểm nhấn của du lịch Văn Bàn cũng như tỉnh Lào Cai.
Chia sẻ quan điểm bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch là định hướng lâu dài của tỉnh, ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Lào Cai cho biết, tài nguyên văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Văn Bàn, trong đó có Khắp Nôm chính là “tài sản” cần được gìn giữ thông qua Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch của tỉnh.
Truyền dạy khắp nôm cho học sinh. Ảnh: M.Tú
Theo ông Nghĩa, việc phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao với những trải nghiệm khác biệt sẽ góp phần định vị thương hiệu du lịch Văn Bàn trong tương lai.
Tuy nhiên, để tận dụng và khai thác những tiềm năng du lịch hấp dẫn tại địa phương, huyện Văn Bàn sẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh; đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống đường giao thông; Đầu tư tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa; Bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như Khắp Nôm, nhà sàn, lễ hội, ẩm thực, nghề truyền thống...
Khánh Ngọc
Bình luận