Âm nhạc gắn lan tỏa tình yêu

Nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ kể về việc sáng tác ca khúc và phong trào ca hát trong kháng chiến. Ảnh: YÊN LAN

Trong chương trình tọa đàm do Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây, những giai điệu tươi mới, lời ca hân hoan được các nghệ sĩ cất lên, chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9) năm 2024, trong đó các ca khúc: Tuy Hòa tôi yêu của nhạc sĩ Xuân Thành (giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc kỷ niệm 35 năm tái lập tỉnh), Phú Yên trăm mến nghìn thương của nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống, Phú Yên đón bình minh của nhạc sĩ trẻ Trịnh Huy Chuẩn, được chọn làm ca khúc chính thức của Liên hoan Búp sen hồng khu vực phía Nam lần thứ 27 năm 2024.

Nhớ về một thời trong lửa đạn

Xem thêm: Rice và Grealish bùng nổ trước Ireland, tuyển Anh mơ vé thăng hạng Nations League

Tham dự tọa đàm, nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên nhớ lại những năm tháng “tiếng hát át tiếng bom”. Lúc bấy giờ, ông Vũ Trung Uyên, chính trị viên Đoàn văn công Giải Phóng, sáng tác các ca khúc: Đường về Nhạn Tháp, Sông núi đẹp mùa hoa dũng sĩ, Chiến sĩ 202, ca ngợi những đơn vị chiến đấu rất anh dũng, lập nhiều chiến công. Ngoài ông Vũ Trung Uyên còn có ông Nguyễn Văn Thanh sáng tác ca khúc. “Lực lượng” sáng tác ca khúc khi đó chỉ có 2 người.

Chương trình biểu diễn của đoàn văn công chủ yếu là bài chòi. Nhạc cụ: đờn cò, trống, kèn đều do anh em tự chế, riêng đàn guitar không tự làm được, phải mua từ đồng bằng. Chuyện hóa trang cũng vui và đầy sáng tạo. Diễn viên lấy... củ sắn mì làm phấn trắng, lấy thuốc đỏ làm phấn hồng, son môi; cạo lọ trã pha với dầu dừa vẽ râu, vẽ chân mày.

Nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ nhớ lại: “Có những đêm, đoàn văn công biểu diễn nhưng không có đèn măng sông; anh em quấn vải rách nhét vô lon sữa bò, chế dầu lửa thắp lên. Có những đêm, khán giả chỉ khoảng 20 người, diễn viên 15-16 người, tụi tôi vẫn biểu diễn trọn vẹn, đàng hoàng. Bởi vì lúc bấy giờ, yêu cầu phục vụ kháng chiến rất là cấp thiết”.

Sau phần phát biểu của nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, ca khúc ra đời trong lửa đạn Đường về Nhạn Tháp cất lên; người nghe bồi hồi xúc động.

Các bạn bạn trẻ hát ca khúc

Phú Yên đón bình minh

của nhạc sĩ Trịnh Huy Chuẩn. Ảnh: YÊN LAN

Không ngừng tìm tòi sáng tạo

Xem thêm: Bản lĩnh cao thủ đại nội nhà Thanh đi theo bảo vệ hoàng đế

Sau ngày đất nước thống nhất đến nay, bằng niềm đam mê, những người hoạt động âm nhạc ở Phú Yên đã không ngừng tìm tòi sáng tạo, sáng tác và biểu diễn những ca khúc chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người, góp phần quảng bá vẻ đẹp của đất và người Phú Yên đến với bạn bè trong nước, quốc tế.

Theo nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, nhìn lại hoạt động âm nhạc tại tỉnh nhà, chúng ta thấy nhiều niềm vui: Chi hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên ngày càng phát triển. Đội ngũ hoạt động âm nhạc từ sáng tác, biểu diễn đến giảng dạy ngày càng khẳng định mình; những bài viết trao đổi về âm nhạc đăng trên các tạp chí văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh được quan tâm.

Các tác phẩm âm nhạc có chất lượng đã vang xa trong nước và đến với bạn bè quốc tế; nhiều ca khúc đoạt giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc trên phạm vi toàn quốc. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú; nhiều nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn âm nhạc đã đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, được khen thưởng qua các cuộc thi, liên hoan cấp quốc gia.

Mạch nguồn cảm xúc về quê hương đất nước tiếp tục tạo nên những dòng chảy mạnh mẽ, để các nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc mang lại cảm xúc cho người nghe. Nếu như NSND Cao Hữu Nhạc tiếp tục có những sáng tác giàu cảm xúc về quê hương Phú Yên; NSND Thanh Hải, nhạc sĩ Xuân Huy có những tác phẩm hòa âm phối khí, nhạc múa đầy ấn tượng thì nhạc sĩ Tấn Phát có những ca khúc dân gian đương đại độc đáo, nhạc sĩ Xuân Thành, Lim Ka... có những bản tình ca đẹp; nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống nỗ lực vươn lên khẳng định mình; nhạc sĩ Duy Tài trở lại với hoạt động sáng tác...

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc cho biết: Nhiều năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên đã tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam chu đáo, được Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá cao. Mới đây, trong cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm 35 năm Phú Yên tái lập tỉnh, mảng âm nhạc có nhiều tác phẩm chất lượng, đoạt giải cao và đi vào đời sống.

Tại buổi tọa đàm, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh đến vai trò của âm nhạc: “Có thể nói, trong đời sống hàng ngày, âm nhạc cũng là một yếu tố góp phần tạo nên sự phong phú, đa sắc và trở thành một nhu cầu không thể thiếu của con người. Đặc biệt, đối với lứa tuổi thiếu nhi, được tham gia các hoạt động âm nhạc giúp các cháu có thêm niềm vui, niềm lạc quan, yêu đời, rèn luyện tính kỷ luật và tinh thần tập thể. Âm nhạc cho thiếu nhi đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình giáo dục”.

Theo nhạc sĩ Xuân Thành, âm nhạc cho lứa tuổi thiếu nhi ở Phú Yên hiện nay phát triển rất tốt. Các nhạc sĩ cần quan tâm nhiều hơn nữa cho âm nhạc thiếu nhi trong sáng tác và biểu diễn, cả về nội dung lẫn hình thức, nhằm thu hút và bồi đắp tâm hồn, nhân cách cho các cháu. Anh mong sao sẽ có nhiều bài hát hay phù hợp với các cháu, phù hợp với nhịp sống mới để các cháu không phải hát những bài hát không phù hợp với lứa tuổi.

“Để phổ biến và đưa ca khúc thiếu nhi vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, có sức lan tỏa rộng rãi, rất cần sự chung tay, kết hợp từ nhiều phía. Có như vậy mới mong những tác phẩm cho thiếu nhi được trả lại vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc, chúng ta sẽ được thấy các cháu trình diễn những bài hát đúng với lứa tuổi của mình”, nhạc sĩ Xuân Thành phát biểu.

AI liệu có thay thế nhạc sĩ?

Nhạc sĩ - NSND Cao Hữu Nhạc, người phụ trách Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển chia sẻ một vài suy nghĩ về sự xuất hiện của “nhạc sĩ ảo” - AI. Minh chứng cho sự lợi hại của trí thông minh nhân tạo, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc phát một đoạn “nhạc” rap do AI sáng tác, mà ca từ chính là... phát biểu chào mừng của nhà thơ Huỳnh Văn Quốc.

Nhạc sĩ Huỳnh Tấn Phát, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển khẳng định AI là công cụ hỗ trợ các nhạc sĩ, nhưng AI không thể thay thế nhạc sĩ. Chỉ con người mới có thể sáng tạo nên những tác phẩm chất chứa tâm tư cảm xúc rất riêng, chất chứa tình yêu thương dành cho con người.

Phú Yên cách xa các trung tâm lớn ở hai đầu đất nước, nhưng đời sống âm nhạc không hề tẻ nhạt. Để khích lệ các nghệ sĩ hoạt động âm nhạc, đặc biệt là nghệ sĩ sáng tác, ngoài những cuộc thi, giải thưởng thường niên, các trại sáng tác âm nhạc, hoạt động giao lưu, trao đổi chuyên môn... chính là chất xúc tác quan trọng. Những người yêu nhạc ở Phú Yên luôn hào hứng đón nhận các tác phẩm mới, lan tỏa những điều thật đẹp về mảnh đất, con người Phú Yên.

YÊN LAN