Những đổi thay ở 'rừng con gái'

Xã Sơn Lang bây giờ khang trang, đổi mới nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Tiêu Dao

Đổi thay ở “rừng con gái”

Những cái tên địa danh Sơn Lang, Đak Roong hay Hà Nừng... và nhiều địa danh khác nữa của huyện Kbang (Gia Lai) mới nghe qua đã thấy xa vời vợi, thăm thẳm. Ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng xa xôi của huyện Kbang từng đã có không biết bao nhiêu phận đời éo le, ngang trái, bời bời ngổn ngang như số phận trong câu chuyện “Người sót lại của rừng cười” của nhà văn Võ Thị Hảo. Nhưng họ vẫn từng gắn bó với rừng và đất Tây Nguyên.

Xem thêm: Cách làm gà rán sốt cay đơn giản

Thời điểm sau giải phóng, Sư đoàn 332 (Quân khu 5) được thành lập làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng tại Gia Lai. Đến năm 1984, Sư đoàn 332 chuyển thành Liên hiệp Lâm - Công nghiệp Kon Hà Nừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Sau này, liên hiệp giải thể, cả 8 lâm trường được giao về cho tỉnh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, để chuẩn bị cho việc xây dựng các lâm trường, gần 5.000 con người từ khắp nơi được đưa về Sơn Lang, trong đó có hơn một nửa là phụ nữ. Phần lớn các cô gái hồi ấy từ miền Bắc và Bắc Trung Bộ được vận động hoặc xung phong vào đây làm nhiệm vụ ươm cây, phát rừng, trồng rừng. Hồi ấy, Đội Lâm sinh Trạm Lập cũng có chẵn 40 cô gái với nhiệm vụ phát rừng, dọn vệ sinh rừng và sống với nhau. Tất thảy đều mới đôi mươi.

Mấy chục năm về trước, đã có rất nhiều thanh nữ đến và ở lại vùng đất này. Sơn Lang cách đây hơn 40 năm về trước, có những cô gái đã đến đây trồng và giữ rừng, chính họ cũng đã gửi lại nơi đây những ngày đẹp nhất cuộc đời mình để hôm nay, rừng núi này có được màu xanh bát ngát ấy. Nhiều người vẫn gọi những cánh rừng bát ngát xanh dần lên bây giờ là “rừng con gái”, như để khắc lại dấu ấn của một thời như thế. Nhiều năm đã trôi qua, Sơn Lang bây giờ đã mạnh về kinh tế nông nghiệp khi có gần 1.300ha cà phê, canh tác nhiều loại cam, quýt, ổi, bơ, đu đủ, sầu riêng, mắc ca... Hiện trên địa bàn xã, bà con trồng xen cây sầu riêng trên diện tích hơn 10ha cà phê.

Nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi người Ba Na như anh Đinh Văn Quý, Bí thư chi bộ, Trưởng làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang. Cùng với công việc làm dịch vụ du lịch, anh còn sở hữu 2.000 cây cà phê, hơn 500 cây mắc ca và 3 sào lúa nước. Đồng thời, anh buôn bán thêm mật ong rừng, các loại dược liệu từ rừng. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. Sơn Lang đang tập trung triển khai thực hiện xây dựng diện mạo nông thôn phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng đời sống người dân với việc triển khai đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, với nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, các dự án của Trung ương và của tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư, xây dựng: Từ cơ sở hạ tầng, các mô hình điểm về văn hóa, về nông nghiệp, phát triển các loại hình văn hóa truyền thống, phục dựng các lễ hội, bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa của dân tộc để làm du lịch và phục vụ du khách.

Khấm khá nhờ “du lịch rừng”

Xem thêm: Trưa nay ăn gì: Lòng gà xào mướp, món ăn kèm cơm trắng hợp vị

Nhờ tiềm năng về thiên nhiên và văn hóa dân tộc độc đáo, đồng bào ở Sơn Lang bây giờ đã khấm khá hơn nhờ làm du lịch. Đồng thời, chính quyền các cấp cũng thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với phát triển dịch vụ nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn. Giữa không gian rừng núi bao la, thác K50 được xem là một kiệt tác nghệ thuật của tự nhiên. Kon Chư Răng là nơi sinh sống của 6 thôn làng đồng bào Ba Na. Hơn 3 năm trở lại đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã đầu tư đường bê tông rộng 1,2m chạy đến gần thác.

Sự thân thiện, am hiểu văn hóa, thiên nhiên của người bản địa luôn nhận được sự yêu mến của khách du lịch. Ảnh: Tiêu Dao

Cùng với việc tạo điều kiện cho nhân viên, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn giúp cho thanh niên Ba Na các vùng lân cận ở Sơn Lang có thu nhập nhờ các tour “du lịch rừng”. Kon Von 2 là ngôi làng nằm trong vùng đệm được mệnh danh là làng Kiểm lâm khi người dân nơi đây còn tham gia vào việc giữ rừng, vì người Ba Na sinh ra với rừng, sống cũng nhờ cái rừng, rừng cho ăn nhiều lắm. Đến nay, người làng Kon Von 2 đã nhận khoán quản lý, bảo vệ 500ha rừng thuộc lâm phần của Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Cũng nhờ việc nhận khoán này mà bà con nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tránh các tác động tiêu cực đến rừng trong đời sống sinh hoạt.

Ngày 2/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU “về thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với phát triển dịch vụ nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn huyện”. Từ đó, nhận thức về du lịch tiếp tục có sự chuyển biến, các hoạt động xúc tiến du lịch từng bước được chú trọng, hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, người dân và cộng đồng nơi đây đã biết khai thác và dựa vào di sản văn hóa của dân tộc mình để làm du lịch.

Tại làng Đăk Asêl, anh Đinh Văn Quý được biết đến là người đi đầu trong làm du lịch cộng đồng, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Làng Đak Asêl có 111 hộ với 468 khẩu. Từ khi được anh Quý hướng dẫn làm du lịch, dân làng không những có việc làm, nâng cao thu nhập, mà còn góp phần quảng bá cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc Ba Na tới du khách gần xa.

Thu hút cộng đồng bản địa làm du lịch đang là mục tiêu phát triển bền vững của huyện Kbang. Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã có cuộc sống đổi thay. Đến cuối năm 2022, xã Sơn Lang còn 81 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,67% so với tổng số hộ dân cư toàn xã. Trong đó có 64 hộ là người đồng bào Ba Na, chiếm gần 80% tổng số hộ nghèo.

Năm 2023, xã Sơn Lang đã đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 5,87%. Trong năm 2024, chính quyền địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn dưới 5%. Ông Lê Quý Truyền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Lang cho biết, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia của xã đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Theo lãnh đạo xã Sơn Lang, mục tiêu đến năm 2025 sẽ tích cực triển khai giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống dưới 5%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số xuống dưới 7%. Phấn đấu đến cuối năm 2025, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; duy trì, củng cố làng nông thôn mới đối với làng Hà Nừng và phấn đấu xây dựng làng Đăk ASêl đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2025.

Tiêu Dao (Báo Biên Phòng)