Nhật Bản thay đổi cách tiếp cận mới với vốn ODA cho Việt Nam

Trong buổi gặp gỡ với báo giới Việt Nam, Đại sứ Ito Naoki cho biết, trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản mong muốn tiếp tục hợp tác và hỗ trợ, giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đề ra, cũng như tăng cường hợp tác ODA với Việt Nam theo hướng tiếp cận mới.

Bên cạnh những kết quả nổi bật trong quan hệ chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, thì kinh tế, thương mại và đầu tư cũng là điểm nhấn trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản. Theo Đại sứ, hai bên đã thúc đẩy lĩnh vực hợp tác này ra sao?

Nhật Bản mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để phát triển kinh tế hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi hỗ trợ để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra là trở thành một nước phát triển vào năm 2045.

Xem thêm: Vợ ông Trump phá vỡ truyền thống

Các doanh nhân Nhật Bản đánh giá thế nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam, thưa Đại sứ?

Doanh nghiệp Nhật Bản đều đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam và nhận định Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư. Chính vì vậy, số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Hiện tại là con số các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam là hơn 2.000 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào khu vực phía Bắc Việt Nam tập trung trong ngành sản xuất chế tạo. Tôi tin là trong thời gian tới, số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các tỉnh thành phía Bắc sẽ ngày càng tăng lên.

Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki trong buổi gặp gỡ với báo giới Việt Nam. Ảnh: Đinh Tuấn

Việt Nam có 3 điểm rất hấp dẫn đầu tư. Đó là kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng. Thứ hai, Việt Nam được các doanh nghiệp coi như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của châu Á. Thứ ba, nhân lực Việt Nam rất siêu năng, cần cù và có khả năng làm việc cao.

Xem thêm: Người 'dẫn đường' của phụ nữ xã Trường Sơn

Nhật Bản luôn là đối tác cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang rất chú trọng tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để tận dụng thu hút nguồn tài chính xanh cho phát triển bền vững. Nhật Bản đang và sẽ có những kế hoạch triển khai hỗ trợ hợp tác với Việt Nam ra sao trong lĩnh vực này, thưa ông?

Suốt những năm qua, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Trong hợp tác ODA, ngoài lĩnh vực truyền thống, chúng tôi mong muốn sẽ tăng cường hợp tác trong khía cạnh mới như năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Về dự án cụ thể, vào tháng 10 năm ngoái, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Kishida Fumio ký kết nhiều văn kiện, cùng đưa ra danh sách các dự án cần thúc đẩy. Để cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược hai nước trong thời gian tới, một trong những việc chúng tôi phải làm là làm sao có thể tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam, thúc đẩy tiến độ và nhanh chóng hoàn thành các dự án.

Ông Ito Naoki chia sẻ những đánh giá về hợp tác ODA giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: Đinh Tuấn

Trong quá trình hợp tác ODA, 2 nước có gặp những vướng mắc gì, thưa Đại sứ?

Nhật Bản coi trọng lĩnh vực giao thông vận tải. Một số dự án nổi bật với vốn ODA của Nhật Bản là tuyến đường sắt đô thị số 1 ở TPHCM, cao tốc Bắc Nam đoạn Bến Lức - Long Thành và dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 ở Hà Nội.

Vấn đề 2 nước đang gặp phải trong quá trình hợp tác là từ khi ký kết dự án đến lúc thực hiện mất rất nhiều thời gian. Để thúc đẩy hợp tác, tôi cho rằng 2 bên cần ngồi lại, trao đổi để hiểu rõ quan điểm, đặt mình vào vị trí đối tác để cùng giải quyết những vấn đề đang phát sinh, qua đó thúc đẩy tiến độ và hoàn thành dự án.

Để tăng cường hợp tác giữa 2 nước, việc thúc đẩy đầu tư thương mại cũng rất quan trọng. Muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng sạch, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hay trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư để gia tăng sức hút.

Sách trắng về phát triển của Nhật Bản nêu rõ, Nhật sẽ chủ động đề nghị cung cấp ODA cho các nước đang phát triển. Song song với cách làm truyền thống hiện nay là dựa vào đề nghị giữa các nước đang phát triển để nhận ODA, vậy đối với Việt Nam, Nhật Bản sẽ chủ động đề nghị cung cấp ODA trong những lĩnh vực nào, thưa ông?

Dựa trên những thành quả trong hợp tác ODA giữa 2 nước thời gian qua, cũng như căn cứ vào nguyện vọng, mong muốn của Việt Nam, có 3 trụ cột chính. Đó là hoàn thiện cơ chế, nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, tôi cho rằng, việc vận dụng kỹ thuật và công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình thực hiện dự án viện trợ, hợp tác với Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Lãnh đạo cấp cao 2 nước đã ký các văn kiện vào năm ngoái, trong đó nêu bật lĩnh vực mà Nhật Bản chủ động cung cấp ODA. Đó là hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu. Nhật Bản sẽ thúc đẩy và tăng cường ODA trong những lĩnh vực này.