Không ai có thể xuyên tạc sự phát triển của gia đình Việt Nam

Với gia đình anh Nguyễn Văn Nam, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình, TP. Ðồng Xoài, để xây dựng tổ ấm hạnh phúc, các thành viên luôn quan tâm, chia sẻ, yêu thương nhau

Theo lời dạy của Bác, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 55 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72 lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các cấp, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gia đình tốt thì xã hội mới tốt

Xem thêm: Chiếc gùi trong đời sống đồng bào vùng cao

“Gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc thì xã hội mới phồn vinh, phát triển”. Đây là câu nói quen thuộc khẳng định vai trò của gia đình và tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với gia đình anh Nguyễn Văn Nam ở khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, để xây dựng được một gia đình hạnh phúc, thời gian qua mọi thành viên luôn quan tâm, chia sẻ công việc với nhau. Anh Nam cho rằng, trong cuộc sống hiện đại với những áp lực về kinh tế, nuôi dạy con cái thì sự bình an và hạnh phúc là điều không dễ dàng đạt được. “Gia đình mình kinh tế chưa khá giả, vợ chồng công tác hai nơi, việc giữ gìn tổ ấm thực sự là một thử thách, đòi hỏi phải có cách xử lý khéo léo và hợp tình, hợp lý trên tinh thần thương yêu, chia sẻ” - anh Nam cho biết.

Từ khi lập gia đình đến nay, anh Lê Bá Quyết ở phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài luôn quan niệm dù đi đâu, làm gì thì gia đình vẫn là nơi anh yêu thương và trở về. Với anh Quyết, sự thủy chung, son sắt của vợ chồng, sự sẻ chia và cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống là niềm hạnh phúc nhất của một gia đình. “Tôi làm bảo vệ ở trường học, vợ làm công nhân môi trường cho công ty nước ngoài. Thu nhập không cao nhưng phải đi sớm, về khuya. Để có thời gian dành cho gia đình, đảm bảo thu nhập ổn định chăm lo các con ăn học là sự nỗ lực rất lớn của cả hai vợ chồng” - anh Quyết chia sẻ.

Tôn vinh những giá trị tốt đẹp

Ngày gia đình Việt Nam 28-6 là dịp cả nước tôn vinh những giá trị tốt đẹp, cốt lõi của gia đình, nhắc nhở các giá trị truyền thống quý báu của cha ông ta từ ngàn xưa, yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người, đùm bọc, chở che lẫn nhau. Văn hóa Việt Nam luôn tôn vinh những giá trị truyền thống, giá trị của gia đình.

Chuyên gia Trần Việt Quân, giảng viên Viện Đào tạo Bách khoa Education cho rằng, trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời đại hiện nay, cấu trúc gia đình tuy có phần thay đổi theo nhịp sống hiện đại, nhưng những giá trị cốt lõi, cao quý của mỗi gia đình Việt Nam vẫn luôn được giữ vững. Nền tảng của một tổ ấm hạnh phúc phải bắt đầu từ nhận thức của các thành viên trong gia đình.

Theo chuyên gia Trần Việt Quân, những giá trị truyền thống quý báu của một gia đình, đó là tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt giữ gìn, vun đắp và phát huy. Trong xã hội hiện nay, mọi người nên quan tâm nhiều hơn đến việc xây tổ ấm hơn là xây căn nhà. Vì tổ ấm gia đình sẽ mang đến cho ta niềm hạnh phúc chứ không phải nhà cao cửa rộng hay tiền nhiều hay ít...

Không thể xuyên tạc

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh cho biết, Ngày gia đình Việt Nam năm 2024 có chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, đề cao vai trò của gia đình đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày gia đình Việt Nam năm nay được các địa phương tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, là dịp để các hộ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thông qua các hoạt động trong ngày gia đình, nhằm truyền đi thông điệp: mọi người trong gia đình hãy quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Vì thế, mỗi người dân Bình Phước hãy chung tay xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo” theo tinh thần Nghị quyết 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 của Tỉnh ủy.

Xem thêm: Thành phố Thái Bình: chương trình nghệ thuật đặc sắc chào đón tuổi hai mươi

Trải qua hàng ngàn năm văn hiến, gia đình Việt Nam luôn phát triển song hành, lớn mạnh, giàu đẹp cùng sự phát triển của đất nước với những giá trị đạo đức tạo nên bản sắc văn hóa riêng của gia đình, văn hóa Việt Nam. Qua nhiều thế hệ, bước phát triển, cấu trúc gia đình đã có sự thay đổi nhưng những giá trị cốt lõi, cao quý của mỗi gia đình Việt Nam vẫn luôn được giữ vững, trở thành giá trị thiêng liêng, là “thành trì” kiên cố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những minh chứng sắc bén “bẻ gãy” mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị về sự phát triển của quyền con người, gia đình Việt Nam.

Ðức Hiến