'Bố Phượng' - Người truyền lửa cho thế hệ trẻ

Mái tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, trí thức, tác phong nhanh nhẹn, ngôn phong lưu loát, minh mẫn, xuân này “bố Phượng” ở tuổi 94 với 74 năm tuổi Ðảng, hơn 40 năm công tác, 33 năm nghỉ hưu.

Ông Dương Xuân Phượng nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng, tháng 12/2020.

"Bố Phượng" tham gia cách mạng năm 1945, theo tiếng gọi non sông quyết “ra đi bảo tồn sông núi", "thà chết chớ lui”. Năm 16 tuổi, ông trở thành chiến sĩ của đơn vị Ðại đội 17, Trung đoàn 664, thuộc Bộ Tổng tham mưu. Quá trình công tác, học tập, phấn đấu, ông được giao trọng trách Trưởng đài Vô tuyến điện, trực tiếp nhận, phát điện mật phục vụ cho chỉ huy, lãnh đạo... Ông vinh dự được kết nạp Ðảng năm 1951. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông được chọn đi học chuyên ngành lãnh đạo quản lý kinh tế và được điều động về công tác ở Ty Lương thực, thực phẩm Hà Nam.

Xem thêm: Giá nhãn giảm

Ðến năm 1977, ông là lớp cán bộ được tuyển chọn tăng cường cho miền Nam xây dựng chính quyền những năm đầu giải phóng. Ông xung phong về tỉnh Minh Hải, nhận nhiệm vụ Bí thư Ðảng ủy Ty Thương nghiệp, kiêm phụ trách kế hoạch. Với phẩm chất đạo đức người đảng viên cộng sản, ông luôn tận tâm, tận lực khắc phục mọi khó khăn, đồng cam cộng khổ với Ðảng bộ và Nhân dân trong tỉnh những năm đầu giải phóng, được đồng nghiệp và lãnh đạo quý trọng vì luôn "nói đi đôi với làm" và làm bằng tâm trong, trí sáng.

Mặc dù đã về hưu, nhưng phương châm của "bố Phượng" là: “Hưu trí nhưng trí không hưu, tự lực tự cường, mẫu mực trong suy nghĩ, chuẩn mực trong phát ngôn, tác phong gần gũi, giản dị. Nói đi đôi với làm theo gương Bác Hồ vĩ đại!".

Về với cuộc sống đời thường, ông vẫn giữ được chế độ sinh hoạt, làm việc, luyện tập... đúng giờ giấc như thời tại chức. Trong gian phòng riêng hơn 20 m2 của ông, được bày trí gọn gàng những kỷ vật, hình ảnh kỷ niệm của đồng đội, đồng nghiệp trong thời gian công tác và các dịp gặp gỡ, họp mặt... Xung quanh nhà là cây ăn trái, cây xanh rợp mát, thoáng đãng, giản dị.

Hằng ngày, vẫn giờ hành chính, trên chiếc máy may cũ kỹ, ông cần mẫn làm ra các sản phẩm như: quần áo Pizama, mùng, màn truyền thống với chất lượng cao. Dù là khách hàng khó tính, khi đã một lần xài đồ của ông sản xuất cũng rất hài lòng. Vì vậy mà ông có công việc làm liên tục, chỉ khi kẹt hội họp, sinh hoạt chi bộ... hay có chuyện phải đi xa thì mới ngưng nhận hàng.

Như con ong cần mẫn xây tổ làm mật, nhờ đó hằng tháng “bố Phượng” có được một khoản để dành ngoài tiền lương hưu, dùng để thăm hỏi bà con thân thuộc, bạn bè, đồng chí lúc đau yếu, khó khăn đột xuất; họp mặt đồng nghiệp, đồng hương; tham gia đóng góp các quỹ phúc lợi xã hội; thưởng cho con cháu trong gia đình có kết quả học tập tốt..., mỗi tháng từ 3 đến 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, "bố Phượng" còn giúp các đảng viên trẻ khởi nghiệp hàng chục triệu đồng.

Xem thêm: Người Dao đỏ băng rừng tìm đường phát triển kinh tế qua những bài thuốc quý

Như vậy, đến giờ này, dù đã ở tuổi “tri thiên mệnh”, ông vẫn chưa phụ thuộc tài chính vào con cháu.

Thời gian bằng ấy năm nghỉ hưu chưa bao giờ ông bỏ sinh hoạt chi bộ. Chi bộ là mái nhà tư tưởng tri kỷ, ông trân trọng, trìu mến từng đồng chí ở đây, thẳng thắn, trung thực trong phê bình, tự phê bình đúng nguyên tắc Ðảng; tâm huyết xây dựng tổ chức, dìu dắt, truyền thụ kinh nghiệm sống, học tập, làm việc cho những đảng viên trẻ. Luôn tìm biện pháp cùng tập thể tháo gỡ những khó khăn mà chỉ có cấp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ mới hiểu được.

“Bố Phượng” đã gương mẫu đi đầu trong học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo phương châm ông đặt ra là: “Kiểu mẫu, siêng năng, tâm trong, trí sáng, dìu dắt đồng chí trẻ”. Bằng kinh nghiệm của mình, ông đề xuất mỗi đảng viên trẻ trong chi bộ đều có kế hoạch học tập và làm theo Bác sát với chức trách nhiệm vụ được giao; chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức. Một khi tư tưởng vững vàng thì việc thực hiện mục tiêu lý tưởng chỉ còn là bước thực hành để đi đến thành công.

Ông trực tiếp dìu dắt, chăm bồi hàng chục đoàn viên, hội viên trẻ vào Ðảng, kết nối đoàn kết đảng viên với Nhân dân nơi cư trú. Nhiều đảng viên trẻ từ đây đã rèn luyện, trưởng thành, là cán bộ chủ chốt, chủ trì của khóm, của phường, được Nhân dân tin yêu, quý trọng.

Trong gia đình, “bố Phượng” là người ông, người cha mẫu mực, luôn có sự định hướng nghề nghiệp, giáo dục con cháu tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương.

Ông rất tâm đắc khi Ðảng ta đang tổ chức thực hiện các nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ..., qua đó, củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ông tâm sự: “Thế hệ chúng tôi được Ðảng giáo dục rèn luyện đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, chỉ có một mục tiêu duy nhất là đánh đuổi thực dân, đế quốc. Ngày nay đã hòa bình, độc lập, tự do, công cuộc kiến thiết đổi mới đất nước tuy không trả giá hy sinh bằng xương máu, nhưng khó khăn hơn nhiều, rất dễ mất người từ những viên đạn “bọc đường”. Phải đánh đổ tư tưởng cũ, lạc hậu, xây dựng lý tưởng mới nên đòi hỏi phải thật thận trọng và sáng suốt, nếu không rất dễ dẫn đến chệch hướng con đường Ðảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Tôi tin tưởng trong thời kỳ đổi mới, Ðảng ta sẽ tiếp tục lập nên những kỳ tích mới, làm vẻ vang dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh...”. Từng tiếng nói mạch lạc, đầm ấm của người cộng sản cao niên chân chính, như đang tiếp lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi nhận rõ giá trị của hòa bình, quyết tâm giữ gìn và vững bước tiến vào tương lai.

Tháng 12/2020, Chi bộ Khóm 3, Ðảng bộ Phường 6 và đại gia đình vinh dự, tự hào khi “bố Phượng” được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng. Những người thân tín dự kiến sẽ tổ chức tiệc mừng sự kiện lớn, vinh dự trong cuộc đời ông. Nhưng khắc ghi lời Bác, luôn lấy sự khiêm tốn, giản dị, thực chất và hiệu quả làm đầu, ông không tổ chức tiệc tùng phô trương mà chỉ trích một số tiền thưởng huy hiệu Ðảng của mình mua trà, trái cây, bánh liên hoan cùng chi bộ và những người đến chúc mừng.

Hình ảnh của ông cần mẫn, vóc dáng nhanh nhẹn chăm sóc cây trồng, dệt thêm cho cuộc sống nhiều màu xanh, hoa tươi, trái ngọt. Và nơi đây cũng là “địa chỉ đỏ” truyền lửa cách mạng cho đảng viên trẻ học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Ngô Thành Công