Bí kíp trở thành 'chiến thần' bắt chuyện: Thử một ngày làm người hướng nội

“Thử thách” một ngày làm người hướng nội

Để hiểu được vì sao đối với người hướng nội việc bắt chuyện cùng một người lạ lại to tát đến thế, chúng mình cần tìm hiểu “cơ chế hoạt động” của những bộ não hướng nội này.

Lấy bản thân tớ làm ví dụ, gần đây tớ có cơ hội được tham gia một workshop về cà phê, xung quanh có rất nhiều những anh chị lão làng trong ngành cà phê, và tớ - một người mới hoàn toàn - rất mong muốn được kết nối và nghe những kiến thức về cà phê.

Xem thêm: Bị bạn úp bánh sinh nhật vào mặt, cô gái chán không buồn nói

Thế nhưng, thay vì chủ động bắt chuyện với các anh chị, não tớ lại “ố dề” một loạt những câu hỏi nghi ngờ bản thân như: “Liệu người ta có thấy mình ngây thơ không?”, “Các anh chị có đánh giá khi mình chẳng biết gì về cà phê không?”, “Mình hỏi thì họ có thấy phiền không?”… Những suy nghĩ hoài nghi bản thân, thiếu tự tin hay nỗi sợ làm phiền người khác sẽ được phóng đại lên rất nhiều lần và thường thì cuối cùng tớ chẳng dám mở lời với đối phương câu nào.

Bạn Nguyễn Phương Thảo (TP.HCM) chia sẻ: “Không chỉ đơn thuần là cảm giác ngại ngùng thông thường, nỗi sợ không dám bắt chuyện của mình bắt nguồn từ hàng tá suy nghĩ trong não mà mình không thể kiểm soát, làm người hướng nội khó lắm không đùa!”.

Bắt chuyện chứ không phải… kiếm chuyện

Tớ từng suy nghĩ rằng những cuộc trò chuyện vô tri là không cần thiết và tốn thời gian nên thường lẩn tránh và không muốn kéo dài. Thế nhưng trong một số nền văn hóa như Mỹ hay Anh, nói chuyện phiếm là một phần quan trọng để xây dựng những mối quan hệ lâu dài.

Trong tiếng Anh, những cuộc trò chuyện này được gọi là small talk - những cuộc trò chuyện ít trang trọng, thường dùng để kết nối chứ không nói về những chủ đề đao to búa lớn. Như trong tiếng Việt mình có những ví dụ như: Em ăn cơm chưa?”, “Chị có ăn cơm với canh rau muống không?”, “Bạn học trường gì?”… Dù là những cuộc trò chuyện “nhỏ” tưởng chừng vô tri và không có lợi ích gì, thế nhưng đây có thể là khởi đầu của những mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống của bạn.

Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà các cộng đồng hay các công ty lớn thường tổ chức những sự kiện networking để tạo cơ hội kết nối cho mọi người trong cùng chuyên môn, để học hỏi lẫn nhau, hay đôi khi mở ra một cơ hội mới để phát triển bản thân.

Không chỉ áp dụng với những mối quan hệ chuyên nghiệp hay bạn bè, hãy thử tưởng tượng crush trong mộng đang ở trước mặt bạn và không có thời điểm nào thích hợp hơn để làm quen bằng bây giờ, lúc này kỹ năng bắt chuyện mới trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết, bạn nhỉ!

Xem thêm: Chuyên gia chỉ cách phân biệt sốc nhiệt, đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7

Bí quyết bắt chuyện “nghệ cả củ”

Không chỉ những người hướng nội mới cần tìm hiểu về nghệ thuật của việc mở đầu cuộc trò chuyện, những chiến thần ngoại giao cũng cần có những kỹ năng khởi đầu cuộc trò chuyện sao cho mượt mà và duyên dáng nhất có thể.

Trò chuyện cũng cần có công thức

Việc giao tiếp không chỉ đơn thuần là thực hiện theo bản năng hay “làm theo ông bà mách bảo” là được, nhất là đối với các teen hướng nội. Để giảm sự lo âu hay những suy nghĩ rối bời mỗi khi mong muốn bắt chuyện với ai đó, chúng mình có thể áp dụng công thức: Câu hỏi + Trả lời = Nhận định.

Bắt đầu với một câu hỏi mở cho đối phương, lắng nghe đối phương trả lời và bổ sung một nhận định hay ý kiến của bạn để cuộc trò chuyện tự nhiên nhất có thể. Trong những trường hợp bối rối không biết bắt chuyện như thế nào, hãy cứ… áp dụng công thức là được.

Khi đặt câu hỏi, tránh đặt những câu hỏi có - không mà hãy sử dụng những câu hỏi mở, làm như vậy sẽ không dồn dập đối phương với một loạt những câu hỏi và cũng tránh nói quá nhiều về bản thân bạn.

Ai cũng có câu chuyện để kể

Thế nhưng phải làm thế nào nếu chúng mình không thể nghĩ ra một chủ đề hay ho để mở đầu câu chuyện? Bí quyết đơn giản nhất là hãy hướng chủ đề câu chuyện về đối phương, vì mọi người thường có xu hướng thích nói về bản thân mình, và ai cũng có một kho tàng những câu chuyện hay ho để kể.

Theo tâm lý học, chúng mình nên ưu tiên những nhận định sử dụng chủ ngữ là “chúng ta” (We statement) để định hướng cuộc trò chuyện về tập thể và đối phương, hơn là những cuộc trò chuyện chỉ chăm chăm nói về mình (Me statement).

Đôi khi im lặng cũng là cần thiết

Trái với việc mong muốn cuộc trò chuyện lúc nào cũng phải rôm rả hay được kéo dài, nhiều nhà tâm lý học khẳng định rằng những khoảng im lặng trong cuộc trò chuyện là hoàn toàn bình thường. Vậy nên thay vì cảm thấy ngại ngùng hay cố gắng tiếp tục cuộc trò chuyện, hãy để những khoảng lặng này giúp cả hai “nghỉ giải lao”, để có thể bình tĩnh và sắp xếp suy nghĩ hiệu quả hơn.

Trong trường hợp đã áp dụng những công thức trên rồi nhưng công cuộc bắt chuyện với người khác lại không được như chúng mình mong muốn, đừng vội nản chí mà hãy nghĩ rằng đây là một trong rất nhiều người mà mình sẽ bắt chuyện, chắc chắn trong hàng nghìn những lần đó sẽ mang lại cho bạn những mối quan hệ chất lượng, nên đừng áp lực bản thân bạn nhé!

XANH LÁ BIỂN (Ảnh minh họa: Phim "Khi Anh Chạy Về Phía Em")