Nhớ thời quân ngũ: Từ phận ở đợ trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn

Từ phận ở đợ trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn

Dù đã ở tuổi 96 nhưng ông Lại Đình Châm, trú tại thôn La Ó, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) vẫn rất minh mẫn. Đặc biệt, ông thuộc lòng Mười lời thề danh dự của quân nhân và từng chữ về truyền thống của Quân đội: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Ông bảo, nhờ được đi theo Mặt trận Việt Minh, được làm chiến sĩ Vệ quốc đoàn (nay là Quân đội nhân dân Việt Nam) mà cuộc đời ông đã thoát cảnh ở đợ cho nhà địa chủ và con cháu ông mới có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc như hôm nay. Trong căn nhà khang trang nằm cạnh sườn đồi, xung quanh là bạt ngàn rừng quế xanh mướt sắp đến ngày thu hoạch, ông Lại Đình Châm hào hứng kể cho chúng tôi nghe về hành trình đi theo cách mạng của mình.

Ông Lại Đình Châm (bên phải).

Xem thêm: Dù vất vả nhưng tin nhắn đến chồng luôn đầy ắp yêu thương

Ông Lại Đình Châm sinh năm 1928, tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu (Nam Định). Vì nhà nghèo, mẹ mất sớm nên từ năm 6 tuổi, cậu bé Châm đã phải đi ở đợ cho nhà địa chủ để lấy gạo phụ bố nuôi các em. Lúc khoảng 15 tuổi, có hai người đàn ông (tên là Cường và Hợi) tìm gặp, vận động tham gia lực lượng của Mặt trận Việt Minh, Lại Đình Châm đồng ý và được phân công làm liên lạc viên kiêm cán bộ vũ trang của đội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chàng trai Lại Đình Châm tiếp tục được tổ chức cử tham gia lực lượng Vệ quốc đoàn thuộc Chiến khu 2 (một trong những đơn vị tiền thân của Quân khu 3 ngày nay), trực tiếp hoạt động tại địa bàn tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Đến đầu năm 1952, Lại Đình Châm được cấp trên điều về bổ sung vào quân số của Trung đội 42, thuộc LLVT huyện Hải Hậu.

Trong trận phục kích chợ Cầu Đôi (thuộc địa bàn xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu ngày nay) vào ngày 10-1-1952, do LLVT huyện Hải Hậu phối hợp với Tiểu đoàn 922, Trung đoàn 46 và 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 52, Đại đoàn 320 đánh vào đội hình hành quân của Đại đội 15 thuộc Trung đoàn Âu-Phi của thực dân Pháp khi chúng hành quân từ căn cứ Bùi Chu (Xuân Trường) xuống chi viện cho bốt Văn Đàn (Hải Hậu), Lại Đình Châm cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng. Trận này, ông bị mảnh đạn của địch cắt cụt cánh tay phải.

Sau khi lành vết thương, ông Châm được tổ chức cho chuyển công tác về địa phương, làm đội trưởng đội sản xuất, rồi xã đội trưởng, thủ kho hợp tác xã... Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến đầu năm 1978, khi Đảng, Nhà nước có chủ trương đưa nhân dân ở Đồng bằng Bắc Bộ đi xây dựng các vùng kinh tế mới, ông Châm đã hăng hái đăng ký. Kể từ đó, ông cùng vợ và các con gắn bó với mảnh đất được Nhà nước giao cho tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho tới ngày nay. Noi gương người bố dũng cảm, gương mẫu, tất cả 8 người con (6 trai, 2 gái) của ông Châm đều chăm chỉ học hành, hăng say lao động sản xuất và công tác.

Xem thêm: Người văn minh, không 'body shaming'!

Khi tôi hỏi điều gì ấn tượng nhất trong những năm tham gia Quân đội, ông Châm chia sẻ: “Tôi đang đi ở đợ, được làm chiến sĩ Vệ quốc đoàn thì phấn khởi như người đang mù mắt mà bỗng nhiên được chữa khỏi. Dù phải đối diện với hiểm nguy, khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng rất hạnh phúc vì biết mình đang được chiến đấu vì nhân dân. Ngày ấy cách mạng còn nghèo nên chúng tôi chưa được cấp phát quân phục thống nhất, ai có gì dùng nấy. Mãi sau này, khoảng năm 1950 thì mỗi người mới được cấp một bộ quân phục. Ăn ở thì tùy thuộc vào nhân dân ở mỗi khu vực hoạt động. Lúc ở nhà dân, lúc ở trong rừng, có khi bị địch truy kích thì nhiều ngày phải hoạt động dưới hầm bí mật. Nhưng hạnh phúc nhất là đến đâu cũng được nhân dân đùm bọc, yêu thương, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho bộ đội... Giá như không bị thương, mất cánh tay phải, có lẽ tôi đã được phục vụ Quân đội lâu hơn! Dù vậy, tôi rất phấn khởi, tự hào khi có 4 người con trai cùng 12 cháu nội, ngoại đã và đang thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị Quân đội, tiếp nối con đường của tôi".

Bài và ảnh: ANH THÁI