Hòa Thành: Điểm đến văn hóa, lịch sử

Tòa thánh Cao Đài là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với Tây Ninh.

Nguồn tài nguyên quan trọng của du lịch

Hòa Thành là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử cùng với trải nghiệm làng nghề. Nói đến Hòa Thành chắc chắn không thể bỏ lỡ những điểm đến tâm linh nổi tiếng. Trong đó, Tòa thánh Cao Đài là trung tâm của nền tôn giáo có bề dày trăm năm.

Xem thêm: Cây bồ đề trăm tuổi, đại gia chi 2 tỷ 'mua đứt' không thành

Hằng năm, những cuộc hành hương của hàng chục ngàn tín đồ đạo Cao Đài từ khắp các tỉnh, thành, vùng miền đổ về Tây Ninh vào các đợt lễ lớn của đạo như: lễ vía Đức Chí Tôn, Hội yến Diêu Trì cung… tạo thành khung cảnh hùng tráng. Nét kiến trúc độc đáo của đạo Cao Đài còn là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật trong nhiếp ảnh, hội họa và là điểm check-in không thể thiếu khi đến với Tây Ninh.

Hòa Thành còn có những ngôi đình lâu đời chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử và cả những giá trị về kiến trúc nghệ thuật như: đình Trường Đông, đình Trường Tây, đình Long Thành… Ngoài ra, còn một công trình, kiến trúc tôn giáo nổi tiếng khác được nhiều du khách ghé thăm mỗi khi đến với Tây Ninh, đó là chùa Gò Kén. Ngôi chùa có diện tích gần 6.000 m2, với quần thể kiến trúc hoành tráng như: tượng Bồ tát Quan Thế Âm uy nghi cao 25m, Bảo tháp xá lợi 9 tầng đồ sộ…

Trải nghiệm nghề se nhang.

Những giá trị văn hóa, lịch sử là minh chứng cho một đô thị có bề dày lâu đời và là trung tâm giao thương trong quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Tây Ninh. Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương còn được in đậm dấu ấn của tinh thần yêu nước, qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, như Di tích lịch sử Căn cứ Huyện ủy Tòa Thánh; cho đến những giá trị thể hiện sự cần cù lao động, sáng tạo, óc thẩm mỹ của người dân địa phương với những nghề thủ công truyền thống độc đáo như: nghề mây tre đan, nghề làm nhang, nghề làm muối ớt, nghề làm bột khoai… Đây đều là điểm đến thú vị nếu được khai thác du lịch tốt.

Khám phá nét độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể múa trống Chhay-dăm.

Hòa Thành còn là vùng đất mang đậm bản sắc dân tộc, nổi tiếng có điệu múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer được công nhận di sản văn hóa phi vật thể; hay loại hình nhạc lễ, đờn ca tài tử trên địa bàn cũng được gìn giữ và phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, địa phương còn được biết đến như cái nôi của nghệ thuật chế biến món chay đặc sắc, với những lò nghề thủ công làm chao, đậu hủ… cho đến những hàng quán chay buôn bán hàng chục năm.

Xem thêm: Giúp bạn đọc hiểu tác phẩm hội họa

Không để tiềm năng bỏ ngỏ

Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa không chỉ thể hiện niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bản sắc và thương hiệu đặc trưng của tỉnh nhà.

Phát huy sức trẻ trong gìn giữ phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa, lịch sử, trong năm qua, Thị đoàn Hòa Thành tổ chức chương trình “Hành trình văn hóa, lịch sử”, khám phá những địa danh, nghề truyền thống tại địa phương. Mô hình được đánh giá cao và được công nhận là giải pháp mới của Thị đoàn trong công tác thanh niên.

Đội tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của Phường đoàn Long Thành Bắc.

Sau 4 chặng hành trình, với 12 điểm đến, đoàn viên, thanh niên tham gia “Hành trình văn hóa, lịch sử” đã trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị. Các bạn trẻ được tìm hiểu quy trình làm nên những sản vật quê hương như: làm muối ớt truyền thống, làm bột khoai, se nhang; khám phá văn hóa, lịch sự địa phương qua các địa danh nổi tiếng như: Tòa thánh Cao Đài, Di tích lịch sử quốc gia đình Long Thành; hiểu thêm về những nét độc đáo của loại hình múa trống Chhay-dăm...

Tại mỗi điểm đến các bạn trẻ được các anh chị, cô chú, những người có kinh nghiệm, chuyên môn chia sẻ những kiến thức, thông tin bổ ích. Được chứng kiến từng công đoạn làm ra các sản phẩm truyền thống và tự tay làm thử khiến các bạn không khỏi hào hứng, thích thú.

Tìm hiểu nghề mây tre đan.

Anh Nguyễn Duy Hiếu- Bí thư Thị đoàn Hòa Thành bày tỏ: "Thông qua hoạt động “Hành trình văn hóa lịch sử”, chúng tôi mong muốn có thể khơi dậy tình yêu quê hương đất nước của thế hệ trẻ, phát huy vai trò của thanh niên trong bảo tồn các giá trị truyền thống của địa phương. Đồng thời, qua đó còn góp phần lan tỏa những nét đẹp của tỉnh nhà, chung tay quảng bá tiềm năng của các sản phẩm du lịch.

Mới đây, Phường đoàn Long Thành Bắc ra mắt Đội tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn. Đây cũng là một cách làm hiệu quả trong việc lan tỏa hình ảnh quê hương trên mạng xã hội. Theo đó, định kỳ, Đội tuyên truyền sẽ lựa chọn địa điểm, tổ chức thuyết minh và xây dựng video đăng tải trên mạng xã hội, để chia sẻ thông tin đến với mọi người.

Đoàn viên, thanh niên nghe thuyết minh tại đình Long Thành.

Bên cạnh những tiềm năng sẵn có, để các di tích lịch sử có thể tạo được sức cuốn hút đối với du khách, cần nhiều hơn nữa sự lan tỏa những giá trị, thông tin hữu ích đến với cộng đồng. Bên cạnh đó, muốn khai thác để di sản văn hóa, lịch sử trở thành tài nguyên du lịch cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị, nhất là kết hợp các điểm đến trở thành một chương trình tour hành trình di sản, từ đó, khai thác du lịch hài hòa gắn với giữ gìn, bảo tồn.

Hòa Khang