Giúp bạn đọc hiểu tác phẩm hội họa

Sách Đọc hiểu tác phẩm hội họa. Ảnh: O.P.

Nhằm giúp độc giả có trải nghiệm tốt hơn khi tiếp xúc, tìm hiểu về hội họa, đồng thời nắm bắt được ngôn ngữ biểu đạt của những bức tranh, nữ nghệ sĩ, sử gia nghệ thuật, cây bút người Anh Liz Rideal đã viết cuốn Đọc hiểu tác phẩm hội họa.

Góc nhìn của một người thực hành nghệ thuật

Xem thêm: Vạch trần bản chất tổ chức 'Ân điển cứu rỗi' (Bài cuối)

Cuốn sách được viết đúng với tính chất của một khóa học nhanh hay một “dẫn nhập” (crash course) về ngôn ngữ biểu đạt cơ bản nhất của hội họa phương Tây, giúp độc giả nắm bắt nhanh cách tiếp cận một bức tranh.

Tác giả đã sử dụng văn phong cô đọng và súc tích, đồng thời trình bày nội dung song song với các hình ảnh minh họa, giúp độc giả không chỉ dễ dàng theo dõi, mà còn nhanh chóng nắm được những nội dung trọng tâm nhất.

Trong cuốn sách, từ góc nhìn của một người thực hành nghệ thuật, dựa trên lập luận sự tồn tại của một tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào cả nghệ sĩ lẫn người xem và hội họa có một cách thức giao tiếp riêng biệt với người xem…, tác giả sách đã phân tích ngữ pháp của những bức tranh, cung cấp cho bạn đọc bộ công cụ để khi đứng trước một tác phẩm, họ có thể trả lời câu hỏi: Tác phẩm này muốn nói điều gì?

Theo Liz Rideal, ngữ pháp của một bức tranh được thể hiện ở 5 khía cạnh cơ bản / 5 yếu tố cấu thành tác phẩm: hình dạng và vật liệu đỡ, dung môi và chất liệu, bố cục, phong cách và kỹ thuật, ký hiệu và biểu tượng.

Tác giả cho biết ở các thời kỳ khác nhau các nghệ sĩ vẽ trên mọi bề mặt gọi là vật liệu đỡ khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, các định dạng tiêu chuẩn vẫn giữ nguyên: chân dung theo chiều dọc, phong cảnh theo chiều ngang, và ít phổ biến hơn tranh ở dạng hình ô van hoặc tròn. Đề tài các ý tưởng khởi nguyên bức tranh sẽ quyết định hình dạng và theo sau là bố cục tranh.

Về dung môi và chất liệu, tác giả cho biết màu sơn ban đầu gồm các hạt màu có sắc tố đất và khoáng chất, được nghiền bằng tay và lơ lửng trong dung môi dầu hoặc trứng. Thế kỷ 15, các họa sĩ Italy giới thiệu sơn dầu thay thế cho sơn tempera từ trứng truyền thống của họ. Thế kỷ 19 các màu tổng hợp mới ổn định được phát triển về mặt hóa học.

Về bố cục, tác giả cho biết tỷ lệ vàng, phương pháp vàng hay tiết diện vàng được coi là tỷ lệ thần thánh. Đó là công thức toán làm nền tảng cho các yếu tố trong một tác phẩm nghệ thuật, giúp nó trông hài hòa về mặt thẩm mỹ. Bố cục thỏa mãn thị giác có thể bao gồm hình dạng, đồ vật, phối cảnh, màu sắc, dải tông màu và bầu không khí.

Về phong cách và kỹ thuật, tác giả cho biết việc tinh chỉnh một kỹ thuật vẽ tranh có thể tạo một phong cách đặc trưng dễ nhận biết. Có thể đạt được điều này bằng cách vận dụng các thuộc tính khác nhau tạo nên một tác phẩm hài hòa ánh sáng, đường nét, màu sắc và không gian.

Sự kết hợp giữa phong cách và kỹ thuật tạo ra điều mà chúng ta hiểu là cá tính và bối cảnh của nghệ sĩ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận - ở thời nay theo trường phái Ấn tượng có vẻ tẻ nhạt, nhưng ở thời điểm họ sống, họ đã gây náo động trên những bức tranh trên vải có màu sắc tươi sáng và nét vẽ phóng khoáng quen thuộc.

Xem thêm: Văn hóa dân gian - tài sản phát triển du lịch

Tranh Hai người phụ nữ chạy trên bãi biển (Cuộc đua) - Deux femmes courant sur la plage (Le Cuorse) của họa sĩ Pablo Picasso. Nguồn: museepicassoparis.

Ngôn ngữ biểu đạt của những bức tranh

Đề cập đến ký hiệu và biểu tượng - một khía cạnh quan trọng giúp chúng ta đọc và hiểu tác phẩm hội họa, tác giả cho biết các dấu hiệu trong tranh có thể rõ ràng và mơ hồ, ví dụ một bức rèm có thể báo hiệu nhiều điều khác nhau: âm mưu, sự giàu có, một màn trình diễn hoặc một cái cớ đơn giản để thể hiện bút pháp khám phá không gian hoặc màu sắc.

Tương tự, một trái tim hoặc một bông hồng đỏ được vẽ trong tranh có thể khơi gợi tình yêu trong bối cảnh ngày nay, nhưng ở thời kỳ khác chúng lại mang ý nghĩa khác.

Những xu thế trong nghệ thuật thay đổi và những ý nghĩa có thể mất đi, nhưng một số biểu tượng (chẳng hạn hộp sọ tượng trưng cho cái chết) vẫn được dùng mà không cần giải thích.

Năm 1603, Cesare Ripa đã xuất bản một cuốn sách minh họa mang tên Iconologia (Biểu tượng học), tác phẩm giải mã các biểu tượng cũng như ký hiệu và nó được các họa sĩ sử dụng rộng rãi, trong đó có Johannes Vermeer.

Vào những năm 1960, các tác phẩm của Erwin Panofsky đã tiết lộ những lớp ý nghĩa bị lãng quên tồn tại trong nghệ thuật, trong khi vào năm 1974, James Hall đã biên soạn một cuốn từ điển làm rõ nhiều câu chuyện đằng sau những đối tượng và biểu tượng nghệ thuật.

Tranh The last drop của Judith Leyster. Ảnh: WK.

Thông thường khi xem kỹ các bức tranh, chúng ta sẽ hiểu được chuyện gì đã xảy ra (chẳng hạn, chiếc cốc úp ngược trong tranh Giọt rượu cuối cùng (1629) của Judith Leyster có ý nghĩa khá rõ ràng) nhưng những cuốn sách kể trên có thể giúp ta giải mã chúng.

Tác giả sách cũng cho biết, khung cảnh nội thất tối tăm, ngột ngạt có thể hướng vào những biểu tượng quan trọng. Màu sắc mang tính biểu tượng hoặc mã hóa các nền văn hóa khác nhau diễn giải theo các cách khác nhau.

Chẳng hạn màu trắng tượng trưng cho thuần khiết (nhân vật Elizabeth I, “Nữ hoàng Đồng trinh” thường xuyên được miêu tả bằng màu trắng), nhưng cũng có thể liên hệ nó với sự tang tóc. Màu lục gợi lên sự ghen tị nhưng cũng biểu trưng cho niềm tin và hy vọng. Màu đỏ có thể truyền đạt mối nguy hiểm nhưng ở Trung Quốc nó là điềm báo hạnh phúc.

Tiếp theo, để làm rõ các ý tưởng đã nêu trong phần “Ngữ pháp của những bức tranh”, tác giả đưa độc giả vào một hành trình thú vị của nghệ thuật phương Tây từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 21, thông qua việc phân tích chi tiết các tác phẩm với 5 thể loại quan trọng của hội họa đó là: chân dung, phong cảnh, tường thuật, tĩnh vật và trừu tượng.

Tại phần này bên cạnh việc đưa hình ảnh phiên bản đầy đủ của 50 bức tranh, tác giả còn đưa hình ảnh các chi tiết nhỏ, các phần đáng chú ý trong từng bức tranh được cắt ra và phóng to, qua đó phân tích bố cục, phối cảnh, kỹ thuật, kết cấu lớp sơn, họa tiết, ánh sáng, màu sắc, các lớp ký hiệu, biểu tượng… Từ những phân tích cụ thể này, tác giả làm rõ ngôn ngữ biểu đạt / nội dung của từng bức tranh.

Tóm lại, với nội dung và hình thức thể hiện, có thể khẳng định Đọc hiểu tác phẩm hội họa là nguồn tư liệu cần thiết cho các độc giả mong muốn nắm được ngôn ngữ biểu đạt của những bức tranh, giúp họ có trải nghiệm tốt hơn khi tiếp xúc và tìm hiểu về hội họa, từ đó biến chúng trở nên gần gũi và dễ nắm bắt hơn với độc giả.

Minh Châu