Nhà báo mê làm thơ, viết vọng cổ

Từ nhà báo đến soạn giả

NB, soạn giả (SG) Việt Sơn, tên thật là Nguyễn Văn Sơn (SN 1960, tại xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Ông không chỉ là NB tài năng mà còn là SG nổi tiếng trong lĩnh vực ca cổ, cải lương. Với 40 năm gắn bó với Đài Phát thanh và Truyền hình Long An (từ năm 1980 đến khi về hưu năm 2020), ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả và đồng nghiệp.

Nhà báo, soạn giả Việt Sơn có niềm đam mê với vọng cổ, cải lương từ nhỏ

Xem thêm: Đình Lập: Tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn

Thời gian công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, ông là một phóng viên, biên tập viên nhiệt huyết, đi đến nhiều địa phương trong tỉnh, thực hiện nhiều tin tức, phóng sự với góc nhìn đa dạng. “Mỗi nơi đều có những đặc trưng riêng của từng địa phương, chúng ta phải biết nắm bắt, quan sát để tạo nên những tác phẩm không trùng lặp và mang đậm nét cá nhân. Những năm tháng làm nghề giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm, vốn sống quý giá, có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống” - NB, SG Việt Sơn chia sẻ.

Ngoài làm báo, NB, SG Việt Sơn còn là soạn giả nổi tiếng với “gia tài” hơn 200 tác phẩm vọng cổ, cải lương. Sinh ra ở vùng quê Cần Đước, ông mang chính tình cảm yêu thương miền hạ vào những tác phẩm của mình. Niềm đam mê ca cổ của ông nhen nhóm từ thuở ấu thơ. Sau mỗi giờ tan học, ông thường lui tới những điểm biểu diễn văn nghệ ở địa phương để xem. Sau này, ông tham gia ở vị trí ca sĩ, dần dần, nhờ sự động viên của các cô chú đi trước, ông “tập tành” thử sức với sáng tác từ năm 1978.

Người Long An, đặc biệt là người Cần Đước, chắc hẳn ai cũng biết hoặc từng nghe qua bài ca cổ Đôi chiếu Long Cang: Chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt/ Bấy nhiêu tình đặt hết vào đây. Đây là tác phẩm đầu tay của NB, SG Việt Sơn, được sáng tác năm 1979 nhưng mãi đến năm 1982 mới được phổ biến. Trong quá trình làm việc tại Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, ông có cơ hội giao lưu với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, học hỏi được nhiều kỹ thuật và góc nhìn mới, giúp ông hoàn thiện các tác phẩm của mình.

Đôi chiếu Long Cang cũng được xem là một trong những tác phẩm thành công của NB, SG Việt Sơn khi được nhiều nghệ sĩ thể hiện và trở nên phổ biến cho đến tận hôm nay. NB, SG Việt Sơn kể: “Tôi viết bài vọng cổ là để bày tỏ tấm lòng yêu mến quê hương của mình. Qua tình yêu nam nữ, tôi muốn đặt vào đó tất cả tình yêu và sự tự hào về quê hương. Với tôi, đó là một lời cảm ơn dành cho mảnh đất quê nhà. Lối viết của tôi thiên về kể chuyện và đằng sau những câu chuyện kể chính là tình cảm bản thân gửi gắm cho đất, cho người”.

NB, SG Việt Sơn chia sẻ rằng, ông rất chú trọng đến việc tu từ và gieo vần trong các tác phẩm của mình, điều này làm cho lời ca trở nên sâu sắc và đẹp hơn. Mỗi tác phẩm của ông đều gắn liền với những kỷ niệm, những cảm xúc riêng. Để có được những tác phẩm hay, ông thường xuyên đi thực tế, tìm hiểu đời sống của người dân. "Đi thực tế, mình mới có cảm xúc với nó, mới có “chất liệu” để viết, cái này dù sáng tác hay làm báo cũng đều rất quan trọng" - NB, SG Việt Sơn chia sẻ thêm.

Xem thêm: Có một Sầm Sơn 'huyền thoại' trong kí ức tuổi thơ

Ngoài Đôi chiếu Long Cang, ông còn viết nhiều bài ca cổ nổi tiếng như Mùa hoa đào, Tình thơ xứ Huế, Người mẹ và bãi còng, Khung trời miền hạ,... Dù đã nghỉ hưu nhưng NB, SG Việt Sơn vẫn tiếp tục sáng tác và đóng góp cho nghệ thuật truyền thống. Ông nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát thanh, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp truyền hình, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sân khấu và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật,...

Nhà báo với tình yêu thơ

NB, nhà thơ Võ Mạnh Hảo (SN 1981, ngụ phường 4, TP.Tân An) hiện là phóng viên Báo Nhân Dân và còn là Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An. Từ khi còn là sinh viên, anh đã cộng tác cho Báo Mực Tím và là thành viên của Bút nhóm Vòm Me Xanh. Sau khi ra trường, anh về công tác tại Báo Long An (từ năm 2005-2011), nơi anh có cơ hội phát triển kỹ năng viết và thẩm thấu nhiều kinh nghiệm quý báu. Năm 2013, anh đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia, minh chứng cho tài năng và nỗ lực của anh trong nghề báo.

Nhà báo, nhà thơ Võ Mạnh Hảo hiện là phóng viên Báo Nhân Dân và còn là Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An

Với NB, nhà thơ Mạnh Hảo, điều khó khăn nhất đối với một người làm báo là duy trì được cảm xúc. Nếu không có cảm xúc, bài viết sẽ trở nên máy móc và dần mất đi sự hấp dẫn. “Làm báo không nên chỉ chú trọng vào số lượng mà cần quan tâm đến chất lượng của bài viết. Phải biết "dừng - nghỉ" đúng lúc, tìm ra thế mạnh của mình và không ngừng học hỏi, mở rộng kiến thức để có thêm vốn từ, từ đó mang đến những tác phẩm chất lượng, có chỗ đứng trong lòng độc giả” - NB, nhà thơ Mạnh Hảo chia sẻ.

Đến với thơ từ khi còn là học sinh THPT, cơ duyên đến với thơ là khi anh thấy nhiều bạn bè và được thầy giáo khuyến khích sáng tác, dần dần anh phát hiện ra khả năng của mình. Năm 2006, anh đoạt giải Nhì cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định vị thế trong làng thơ. Ban đầu, anh chủ yếu sáng tác thơ vần nhưng hiện tại, anh viết thơ tự do để thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình. Các tác phẩm của anh thường xoay quanh chủ đề quê hương, đất nước và những trải nghiệm cuộc sống.

NB, nhà thơ Mạnh Hảo kể: “Tôi có một tình yêu mãnh liệt với thơ. Còn nhớ có một lần, lúc đó tôi còn là sinh viên, có hôm xe đạp tôi bị hư, đi xe buýt để đi học, khi ra về có ghé vào nhà sách. Thấy một quyển tập thơ của Rabindranath Tagore, vì quá đam mê với thơ nên đã quyết định mua ngay, dù sau đó phải đi bộ về phòng trọ vì hết tiền nhưng tôi lại rất vui vì được cầm trên tay quyển sách mình yêu thích”.

NB, nhà thơ Mạnh Hảo không bó buộc mình trong việc sáng tác. Anh thường tách biệt giữa công việc làm báo và sáng tác thơ. Anh cho rằng không có bài thơ nào là hay nhất, vì mỗi bài đều phụ thuộc vào cảm xúc của từng người. Thời gian để hoàn thành một tác phẩm có thể rất nhanh, chỉ vài giờ hoặc kéo dài vài năm, tùy thuộc vào cảm hứng và chất liệu cuộc sống.

Theo NB, nhà thơ Mạnh Hảo, làm báo mang đến nhiều cơ hội được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc. Những chuyến đi ấy cũng chính là nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác thơ. Tuy nhiên, đặc thù của báo chí đòi hỏi sự khách quan, trung lập, NB phải có góc nhìn đa chiều, thể hiện nhiều ý kiến khác nhau, không thể đưa cái tôi cá nhân vào tác phẩm. Còn với thơ sẽ được phép tự do thể hiện cảm xúc, thả hồn vào những vần thơ, gửi gắm suy nghĩ và quan niệm sống của mình. Có lẽ chính vì vậy mà anh Mạnh Hảo luôn ý thức rõ ràng ranh giới giữa báo chí và sáng tác thơ ca.

Mỗi người theo đuổi một đam mê riêng, NB, SG Việt Sơn với những bài ca vọng cổ đậm chất quê hương; NB, nhà thơ Mạnh Hảo với những bài thơ giàu cảm xúc và sự trải nghiệm. Tuy vậy, cả hai đều thể hiện được sự giao thoa tuyệt vời giữa báo chí và nghệ thuật. Họ không chỉ là những NB tận tụy mà còn là những nghệ sĩ tâm huyết, góp phần làm đa dạng văn hóa, văn học Việt Nam./.

Minh An