Ý nghĩa nghi lễ đắp núi cát, tắm Phật trong Tết Chôl Chnăm Thmây

Vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây – lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer. Tại lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ như đắp núi cát, núi gạo, tắm Phật,... để người dân thể hiện lòng thành kính và tôn trọng đối với tín ngưỡng tôn giáo của họ.

Bạn đọc cho rằng văn hóa cộng đồng cần được duy trì và phát triển. Đồng thời bày tỏ sự tò mò về ý nghĩa của những nghi lễ đặc trưng trong lễ hội Tết Tết Chôl Chnăm Thmây.

“Văn hóa cộng đồng giúp phát triển sự đa dạng và duy trì sức sống của mỗi nền văn hóa. Nó đại diện cho giá trị, niềm tin, truyền thống và gắn kết các nhóm người với nhau. Tôi mong những nét đẹp văn hóa như Tết Chôl Chnăm Thmây sẽ lan tỏa đến nhiều người hơn nữa” – bạn đọc Minh Trần.

Xem thêm: Bế mạc liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ

“Tôi thấy Tết Chôl Chnăm Thmây có nhiều nghi lễ đặc sắc và khác với Tết Nguyên đán của người Việt nên cảm thấy rất tò mò. Dù không hiểu hết ý nghĩa nhưng thấy người dân thực hiện rất thành kính, nên phát huy và bảo tồn để thế hệ mai sau giữ gìn” – bạn Lê Đình.

Tết Chôl Chnăm Thmây của cộng đồng người Khmer. Ảnh: TRẦN MINH

Trao đổi với PV, TS Trần Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học Văn hóa xã hội, Khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, cho biết Tết Chôl Chnăm Thmây là “lễ hội vào năm mới” hay “lễ chịu tuổi”, là một trong các lễ hội truyền thống lớn nhất, được tổ chức định kỳ hàng năm trong cộng đồng người Khmer tại các vùng Đông Nam Bộ cũng như ở Tây Nam Bộ, và một số nước Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Thái Lan , Myanmar,…

Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer thường diễn ra trong 3 ngày, nếu rơi vào năm nhuận thì sẽ tổ chức trong thời gian 4 ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là những ngày chính lễ hội diễn ra tại chùa. Ngoài ra, cộng đồng còn tổ chức lễ đón năm mới tại các gia đình, dòng họ và tại nhà già làng.

Cũng theo TS Trần Dũng, nghi lễ đắp núi cát hình thành từ quan niệm dân gian của người Khmer: “Núi cát sẽ mang lại và tạo ra những cơn mưa”. Ngoài ra, đối với các tín đồ phật tử, bồi đắp cát còn có ý nghĩa hồi hướng, tạ lỗi với thánh thần; tạo phúc, tôn đức cho con người. Vì vậy, người Khmer còn gọi lễ tục này là “Phúc duyên bồi núi cát”.

“Hiện lễ bồi đắp cát tại các chùa đã có một số thay đổi theo hướng đơn giản cho người tham gia thực hành nghi lễ. Thay vì người dân mang cát vào chùa, các chùa đã chuẩn bị sẵn cát, thậm chí đã đắp sẵn những đỉnh núi. Người dân vào chùa chỉ đến lễ bái ở những núi cát này. Do đó, thời gian tổ chức thực hiện, lễ thức cũng thay đổi, tức không ấn định thời điểm thực hiện” – TS Trần Dũng thông tin.

Nói về lễ tắm Phật, TS Trần Dũng cho biết mục đích và ý nghĩa của lễ là rửa sạch, xóa bỏ những điều cũ kỹ của năm cũ, chào đón những điều mới mẻ, tốt đẹp trong năm mới.

Đại đức Châu Hoài Thái

Xem thêm: Nhà thơ Hữu Thỉnh ra mắt trường ca 'Giao hưởng Điện Biên'

THẢO HIỀN