Đọc thơ Lê Nguyên Ngữ

Sau giải phóng, anh tiếp tục cầm bút và nhanh chóng hòa mình vào đội ngũ sáng tác của tỉnh nhà; đóng góp của anh vào hoạt động văn học ở Bình Thuận xuất phát từ thơ. Trong cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật đầu tiên của tỉnh Thuận Hải trong 2 năm 1977-1978, anh đạt được giải nhì về Thơ và giải ba về Kịch bản sân khấu, đánh dấu sự trở lại với con đường sáng tác văn học dưới chế độ mới, trong bối cảnh đất nước thống nhất, non sông liền một dải.

Càng về sau, anh chuyển hẳn sang viết truyện ngắn và lần lượt đạt được hàng chục giải thưởng các loại khắp trong Nam, ngoài Bắc. Anh cũng đã mon men bước vào lĩnh vực tiểu thuyết và sáng tác kịch bản điện ảnh, thậm chí đã được giải thưởng hẳn hoi, nhưng anh không dấn sâu vào. Cũng từ đó, anh tạm xa “nàng thơ” với ít nhiều dấu ấn của buổi đầu tiên bước vào nghiệp văn chương. Mãi đến năm 2012, khi đã ngoài “lục thập nhi nhĩ thuần”, anh mới quay về, chắt lọc lại “tài sản thơ” đã công bố lâu nay, để xuất bản tập “Thơ Lê Nguyên Ngữ”. Nếu không kể tập thơ “Ký ức chiều” in chung, xuất bản năm 1995 thì đây là tập thơ tiêu biểu, ghi dấu một hành trình thơ đã sớm tạo được nét riêng, khó lẫn về phong cách sáng tạo.

Thơ viết trước ngày 30/4/1975, anh chỉ chọn lại 2 bài (Xế đời đao thủ phủ, Trở bấc ở quê ta) viết từ năm 1971. Đây cũng là những bài thơ còn nằm trong trí nhớ của nhiều người yêu thích văn chương miền Nam cho đến ngày nay.

Xem thêm: Đèo Yên Ngựa, nơi lưu giữ phòng tuyến an ninh xưa

Ta không là mùa thu

Sao lòng đầy lá chết

Ta không là truông rừng

Sao chiều đi chẳng hết

(Xế đời đao thủ phủ)

Nơi anh sinh ra là quê ngoại của tôi, làng Sa Ra (nay là xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) nên khi đọc bài “Trở bấc ở quê ta” những khung cảnh ấu thơ của vùng quê Hàm Thuận bỗng sống lại trong tôi một cách mạnh mẽ:

… Ngọn cỏ vàng đong đưa vô tình

Rung nỗi bơ vơ lên khung trời xám nhạt bao la

Dưới cầu ao xưa

Lũ bèo cũng đang khát thèm

Âm khua rổ rá….

Thơ Lê Nguyên Ngữ đề cập đến những vấn đề nhức nhối của xã hội đương đại nhưng lại thiên về giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, với tâm thế đồng cảm và chia sẻ. Nhiều bài thơ hay trong tập, cho thấy đây chính là mặt mạnh của thơ anh.

Anh viết về các em bé con nhà nghèo phải sớm bỏ học, đi bán vé số dạo bằng cả sự day dứt đến nhói lòng:

Lưu bút ngày xanh dần cũng xé

Đem ghi bạc lẻ, tính hoa hồng

Áo cơm đâu phải trò con trẻ

Mà dạt đời em… chợ tới sông!

(Trăng rằm thoắt đó)

Anh phác thảo khá sinh động quang cảnh bề bộn, ngổn ngang của một bãi đào vàng, với đầy đủ “hỉ nộ ái ố…” của những số phận người mà xét cho cùng thì vẫn đáng thương nhiều hơn là đáng trách:

Đêm nơi bãi đào vàng. Dân tứ xứ nằm chung lưng đấu cật. Hột muối cắn đôi, miếng cơm xẻ nửa. Tuổi trẻ, người già cùng một ước mong. Ta thì nghèo, đất thì giàu nhưng trời lại giả mù sa mưa bay lất phất, cây than nghèo giữa gió thổi quanh co… Ngày mai hết cá khô. Nâng chén rượu suông, thương đất đá cây rừng một thuở. Đâu phải ta, chính khó nghèo mới tàn nhẫn đến vô tri…

Còn đây là nỗi niềm trắc ẩn của một cô giáo bất đắc dĩ phải rời bục giảng, vì mưu sinh mà phải dấn thân, chèo chống giữa chợ đời:

Giông bão đời đâu sá cánh chim trôi

Lót lại ổ cho tuổi vàng

Đã muộn!

Trên bục giảng - em người cho điểm

Lao ra đời, nhận điểm kém đời cho.

(Gặp lại điểm mười)

Ngay cả những bài thơ tình của anh cũng là thơ tình của một người từng trải, chất chứa nhiều suy nghiệm, mang đậm dấu ấn của bao nhiêu va vấp, thăng trầm giữa cõi nhân sinh:

Bàn tay cầm gợn chút run run

Những ấm nóng thịt da bay theo thời xa cách

Tần tảo khiến tay đời em lạnh

Anh ngùi thương ngón mỏng cố ân cần

(Ngùi thương ngón mỏng)

Xem thêm: Hai tiếng đồng bào

Anh Lê Nguyên Ngữ là nhà thơ lớp trước, đã có thành tựu về tác phẩm và bề dày về sáng tạo văn học, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001. Về văn xuôi, anh đã xuất bản các tác phẩm: Tiếng vó ngựa đêm cuối năm (tập truyện in chung), Tâm sự về một bàn tay (tập truyện - ký, in chung), Điệu luân vũ đầu tiên (tập truyện), Mùa xuân B’Li không về (tập truyện), Sao mai lấp lánh (tiểu thuyết), Người bạn nhỏ nơi ga xép (tập truyện), Tìm chồng trong động rắn (tập truyện), Mùa trở gió (tập truyện), Ba cô xá chí ma vương (tập truyện). Cả đời anh đã toàn tâm toàn ý dành hết cho sự nghiệp văn chương, và văn chương cũng không phụ lòng anh - nhà văn, nhà thơ Lê Nguyên Ngữ. Bởi vì một lẽ rất dễ hiểu: Anh sống bằng ngòi bút (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng), bằng lao động sáng tạo một cách chân chính, lương thiện, rất đáng trân trọng.

ĐỖ QUANG VINH