Vẽ tranh lụa ở độ cao 1.600 m

Dưới tia nắng cuối chiều mùa lúa chín, workshop Trải nghiệm tranh lụa và giấy thủ công truyền thống Việt Nam diễn ra tại không gian khách sạn De La Coupole Sa Pa (Sa Pa, Lào Cai) thuộc thương hiệu M Gallery. Chương trình được tổ chức bởi The Muse nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, di sản của đất nước hình chữ S. Tại đây, họa sĩ Nguyễn Văn Trinh kể lại câu chuyện về đặc tính, ý nghĩa và lịch sử phát triển tranh lụa. Đây được xem là chất liệu thể hiện nhiều triết lý trong văn hóa Á Đông.

Lụa tơ tằm truyền thống Việt Nam xuất hiện nhiều ở các khu vực như Vạn Phúc (Hà Nội) hay Bảo Lộc (Lâm Đồng). Việc thực hành nghệ thuật trên chất liệu này đem đến nhiều thách thức cho nghệ sĩ. Vì vậy, quá trình thực hành tranh lụa luôn khơi dậy sự tò mò, hào hứng và háo hức ở những người yêu nghệ thuật. Đó cũng là cơ duyên để workshop vẽ màu nước trên lụa ra đời.

Tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Văn Trinh gắn liền với lĩnh vực tranh lụa tại Việt Nam. Anh có nhiều năm kinh nghiệm thực hành, theo đuổi chất liệu này. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Văn Trinh nghiên cứu và thử nghiệm màu nước theo các trường phái như hiện thực, ấn tượng và siêu thực. Trong quá trình này, họa sĩ sử dụng cảm xúc, trải nghiệm đời sống làm chất liệu sáng tác.

Xem thêm: Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, hướng tới vùng biển miền Trung

Về chủ đề, họa sĩ tập trung vào những khía cạnh bình dị của cuộc sống. Những hình ảnh xuất hiện trong tranh Nguyễn Văn Trinh bao gồm hoa văn cổ, chậu cây cảnh hay chú mèo. Những hiện vật này đều mang vẻ đẹp độc đáo và thuần khiết qua góc nhìn của người nghệ sĩ. Tranh lụa của Nguyễn Văn Trinh mang cảm giác mềm mại và thanh thoát, thể hiện một nét chấm phá riêng trong lĩnh vực hội họa. Bằng sự sáng tạo và tận tụy, họa sĩ tạo nên dấu ấn riêng trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam hiện nay.

Trong khuôn khổ workshop được tổ chức bởi The Muse, Nguyễn Văn Trinh hướng dẫn khách mời vẽ màu nước trên khung tranh lụa đã căng sẵn. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, thao tác khéo léo, phần nào khắc họa những năm tháng thực hành nghệ thuật vất vả của ngươi nghệ sĩ. Chất liệu lụa mềm mại, mong manh tạo ra nhiều thử thách đối với khách mời. Sự trong trẻo, tinh xảo được thể hiện trong tác phẩm hoàn thiện chính là món quà cho một buổi chiều thanh bình tại vùng núi mờ sương. Trải nghiệm vẽ tranh lụa trên độ cao 1.600 m tại Sa Pa (Lào Cai) cũng đem đến những kỷ niệm khó quên cho khách mời.

Bên cạnh chất liệu lụa, họa sĩ Nguyễn Văn Trinh cũng dành thời gian giới thiệu một số loại giấy thủ công truyền thống, bao gồm giấy zó, giấy dướng và giấy giang, tại workshop này. Theo nghệ sĩ, giấy giang thường được tìm thấy ở các tỉnh, thành miền núi phía Bắc. Trong khi đó, giấy zó và giấy dướng có phần khó tìm hơn.

Tại workshop, khách mời có cơ hội chiêm ngưỡng, chạm vào bề mặt và lắng nghe tiếng sột soạt của các loại giấy thủ công. Với những đặc tính khác nhau, mỗi chất liệu đòi hỏi các kỹ thuật thực hành khác biệt, cho thấy sự đa dạng trong thế giới nghệ thuật mênh mông, trù phú.

Xem thêm: Lãnh đạo TP. Đồng Hới thăm, tặng quà Tết Trung thu cho thiếu nhi

Giữa không gian sân vườn bình yên của khách sạn De La Coupole Sa Pa, nghệ thuật và thiên nhiên trở nên hòa quyện, giao thoa. Ánh hoàng hôn của một buổi chiều tà rọi xuống các tác phẩm tranh lụa trong trẻo, để lại những vệt ký ức khó phai trong lòng khách mời tham dự. Đơn vị tổ chức The Muse cũng được biết đến với nhiều triển lãm đáng nhớ, hoạt động giới thiệu nghệ sĩ đến với công chúng ý nghĩa.

Linh Vũ