Tuyệt phẩm đầu rồng thời Trần được tìm thấy giữa trung tâm Hà Nội

Được phát hiện tại hố A11 của khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Bảo vật quốc gia Đầu rồng thời Trần là một trong những hiện vật lịch sử quý giá nhất của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Theo hồ sơ Bảo vật, đầu rồng này mang số hiệu C7-5201, là một khối tượng tròn có chiều cao 60 cm, điểm rộng nhất của chiều từ miệng đến bờm sau gáy là 52 cm và chiều rộng của bờm là 17 cm.

Làm bằng đất nung, hiện vật thể hiện đầu rồng ở tư thế vận động, bờm và mào chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước.

Xem thêm: Cầu thủ Ả Rập Xê Út đá hỏng luân lưu, HLV Mancini thất vọng bỏ ra ngoài sân

Đầu rồng có má phình rộng, miệng mở to, ngậm ngọc báu, răng được thể hiện rõ ràng.

Mũi và môi trên biến thành mào lửa hình lôi văn chữ S.

Răng nanh rồng dài và uốn cong lên theo mào lửa. Lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn lên môi trên theo mào lửa.

Mắt rồng to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên.

Tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm.

Da rồng phủ kín vảy. Mỗi vảy có hình thoi, bên trong có hoa văn nổi sinh động.

Khi mới xuất lộ, hiện vật còn đủ dáng nhưng phần bờm bị vỡ và mất một số mảnh nhỏ. Sau đó, phần vỡ được phục chế bằng bột đá và keo, sắc độ có chút khác biệt so với phần nguyên bản.

Theo các nhà nghiên cứu, đầu rồng là một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập chi tiết trang trí trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý, Trần nói riêng.

Trên bộ mái, tượng đầu rồng được trang trí ở hai vị trí. Vị trí thứ nhất là ở đầu kìm, tức là ở đỉnh đầu hồi của công trình. Tượng trang trí ở vị trí này thường được gọi là con kìm.

Còn vị trí thứ hai là ở điểm kết thúc của bờ chảy. Ở vị trí này tượng thường được gọi chung là con sô. Đầu rồng Hoàng thành Thăng Long C7-5201 thuộc nhóm thứ nhất, tức con kìm.

Ngoài Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), đầu rồng cỡ lớn của thời Trần có chức năng con kìm đã được phát hiện ở Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, trong đó hiện vật của Hoàng thành Thăng Long còn nguyên vẹn và tinh xảo nhất.

Xem thêm: Alo cử tri: Bất cập các cơ sở sản xuất bột đá không phép ở Bắc Ninh

Hiện vật này là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần, qua đó cũng phản ánh những biến chuyển của nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý.

Quốc Lê