Điểm nóng 24h ngày 20/9: 'Rốn lũ' Quảng Bình ngập sâu 2m, xuất hiện vết nứt xé toạc đồi Quảng Nam

Quảng Bình ngập sâu tới 2m, 600 hộ dân nguy cơ bị nhấn chìm

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến 11h ngày 20/9, do ảnh hưởng bão số 4, trên địa bàn toàn tỉnh có 37 thôn, bản bị nước lũ chia cắt, 600 hộ bị ngập nước. Trong đó, huyện Minh Hóa có 23 thôn bị chia cắt, 538 hộ bị ngập, hàng trăm ngôi nhà của người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa ngập sâu từ 0,5-2m.

Hàng trăm nhà dân ở Tân Hóa ngập sâu từ 0,5-2m (Ảnh: BQT)

Xem thêm: Tiếp tục cảnh báo sạt lở đất ở Hương Khê

Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết xã này nằm trong lòng chảo được bao quanh bởi núi đá. Trong hai ngày qua, mưa lớn đã làm nước từ các sông, suối ở thượng nguồn đổ về, gây ngập sâu hàng trăm ngôi nhà dân.

Mưa lớn liên tục cũng khiến nhiều khu vực trên địa bàn huyện Minh Hóa bị ngập lụt cục bộ và chia cắt. Tại khu vực Hung Trâu, tuyến đường vào ba bản của người Rục ở xã Thượng Hóa đã ngập sâu 1,5m.

Tân Hóa là một trong những ngôi làng được nhiều du khách biết đến nhờ vẻ đẹp tự nhiên. Tuy nhiên, địa phương này cũng nằm trong khu vực được ví như "rốn lũ" của huyện, do thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập lụt vào mùa mưa.

Gần 5 năm nay, mô hình nhà phao ở Tân Hóa không chỉ giúp người dân “sống chung với lũ” một cách an toàn, chủ động mà còn làm giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Khi nước dâng, nhà sẽ tự động nổi lên theo mực nước, đảm bảo an toàn cho người và tài sản bên trong. Cũng theo ông Duẫn, toàn xã có hơn 700 hộ dân, người dân nơi đây đã quen "sống chung với lũ". Đặc biệt nhờ nhà phao nên bà con địa phương đã ứng phó một cách chủ động, giảm thiểu thiệt hại về tài sản.

Quảng Nam: Mặt đất trên quả đồi nứt toạc, sơ tán dân khẩn cấp

Chiều 20/9, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), cho biết đã đến kiểm tra thực tế tại quả đồi nơi xuất hiện vết nứt lớn kéo dài phía sau thôn 56B (xã Đắk Pre, huyện Nam Giang).

Theo ông Chương, sau hơn 2 ngày xảy ra mưa lớn liên tục, chiều qua (19-9), một số người dân địa phương đi rừng đã phát hiện vết nứt lớn kéo dài hàng trăm mét dọc quả đồi sau thôn 56B.

Vết nứt lớn kéo dài uy hiếp 11 hộ dân dưới chân núi

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo xã Đắk Pre đã đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, phát hiện nguy cơ xảy ra sạt lở cao nên đã huy động lực lượng Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân với 41 nhân khẩu dưới chân núi đến nơi an toàn.

Theo ông Chương, qua ghi nhận thực tế tại hiện trường cho thấy tại quả đồi xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 125m, chiều sâu từ 1,5m đến 5m, chiều ngang từ 50cm đến 4m. Nhiều đoạn đã có dấu hiệu sụt trượt, đường nứt mở rộng và ngấm nước, có nguy cơ sụt trượt trôi xuống phía nhà dân…

"Sau chuyến khảo sát về, huyện sẽ họp bàn phương án, đồng thời báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam có biện pháp khắc phục khẩn cấp đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Hướng đề xuất sẽ bố trí khu tái định cư mới để đảm bảo an toàn cho các hộ dân"- ông Chương thông tin.

Nghệ An: Hàng tấn ngao dạt trắng bờ biển Diễn Châu

Lãnh đạo UBND xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, sáng sớm nay (20/9), dọc bãi biển trên địa bàn xã có một lượng lớn ngao dạt vào bờ. Ngao bị sóng lớn đánh dạt vào bờ chất thành từng lớp dày, có điểm ngao xếp lớp dày 3-5cm trên bãi rộng hàng chục mét.

Người dân đổ xô ra biển nhặt ngao (Ảnh: Mạng xã hội)

Hàng trăm người dân gọi nhau, mang theo dụng cụ xô, chậu, bao tải…ra biển vớt ngao. Một đoạn bờ biển dài gần 1km xuất hiện dày đặc các loại ngao, sò.

Theo người dân xã Diễn Trung, ngao biển có giá bán cao hơn ngao nuôi. Giá ngao biển dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Nhiều người nhặt ngao về ăn, nhưng cũng có nhiều người nhặt được hàng chục kg bán cho các thương lái.

“Sau các đợt mưa bão thường có hải sản như ngao, sò dạt vào bờ nhưng đây là lần đầu tiên ở bãi biển này có lượng ngao dạt vào nhiều như vậy. Ước chừng có tới hàng tấn ngao các loại", lãnh đạo UBND xã Diễn Trung cho biết thêm.

Xem thêm: Tạo việc làm cho lao động từ nghề làm nem truyền thống

Chính quyền địa phương cùng người dân cũng đang dọn dẹp vỏ ngao và rác để làm sạch bãi biển nơi đây.

Hà Tĩnh: Nước lũ dâng cao, bản Rào Tre bị cô lập

Sáng 20/9, cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu nối trung tâm xã Hương Liên vào bản Rào Tre đã bị nước lũ ngập sâu gần 2m, gây cô lập 46 hộ với 156 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Chứt.

Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Liên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đây là tuyến độc đạo nối liền trung tâm xã Hương Liên đi vào bản Rào Tre. Khi cầu tràn bị ngập sâu đã gây chia cắt, cô lập bản Rào Tre và một phần địa bàn thôn 1 với trung tâm xã. Ngành chức năng đã tổ chức cắm biển cảnh báo, căng dây cấm người và phương tiện qua lại trên khu vực cầu tràn này.

Ông Nguyễn Văn Hương cho biết thêm, trong mưa lũ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tiến hành di dời khẩn cấp 5 hộ dân với 15 nhân khẩu đồng bào dân tộc Chứt và 1 hộ dân với 2 nhân khẩu ở thôn 1 gần bản Rào Tre đến địa điểm tránh trú an toàn, phòng ngừa nguy cơ sạt lở đất.

“Cùng với tiếp tục thực hiện phương án “4 tại chỗ”, chính quyền địa phương đã cắt cử lực lượng lắp đặt biển cảnh báo, rào chắn, căng dây cấm người và các phương tiện qua lại khu vực cầu tràn đang bị ngập sâu, nguy hiểm”.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, mực nước lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đang lên nhanh. Tại Chu Lễ đang xấp xỉ báo động 1, tại Sơn Diệm đã vượt báo động 1 gần 1m. Trong chiều và đêm nay mực nước tiếp tục lên, có thể lên trên báo động 2. Diện ngập lụt sẽ tăng lên ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang.

Đà Nẵng: Hàng chục tấn rác dạt vào bờ biển sau bão số 4

Sau bão số 4, tại TP. Đà Nẵng, rác thải, bèo tây liên tục dạt vào các bờ sông, bờ biển. Sáng 20/9, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, dọc các bãi biển Nguyễn Tất Thành đoạn gần cầu Phú Lộc (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) cả chục tấn rác bị sóng đánh dạt vào bờ sau cơn bão số 4. Bãi biển dọc tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp rác thải cũng tấp vào bờ ở nhiều điểm.

Sau bão số 4, tại TP. Đà Nẵng rác thải, bèo tây liên tục dạt vào các bờ sông, bờ biển.

Các loại rác tấp vào bờ biển chủ yếu là bèo tây (lục bình), bao nylon, chai nhựa đã qua sử dụng, ngư lưới cụ và cây củi khô. Đáng chú ý, lẫn trong rác thải có cả bơm kim tiêm, gỗ và đinh sắt gỉ sét.

Trong sáng ngày 20/9, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng huy động khoảng 100 công nhân cùng phương tiện ra quân thu gom rác dọc các tuyến đường biển. Theo đại diện Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng, ước tính khoảng trên dưới 10 tấn rác bị sóng đánh dạt vào các bãi biển, bờ sông trong những ngày qua.

Rác dạt vào bãi biển dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành chủ yếu là từ hệ thống sông đổ về, còn rác ở khu vực biển thuộc quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn là bèo dạt từ phía Quảng Nam ra. Đến 11h ngày 20/9, dù thời tiết nắng nóng nhưng công nhân vẫn khẩn trương thu gom rác dọc bãi biển Mỹ Khê để vận chuyển đến điểm tập kết.

Vụ sập cầu Phong Châu: Hạ thủy nhịp cầu phao đầu tiên, trục vớt nhịp cầu và phương tiện mắc kẹt

Lữ đoàn Công binh 249, Binh chủng Công binh vừa hạ thủy nhịp cầu phao đầu tiên xuống sông Hồng và đang tiếp tục hoàn tất những công việc cuối cùng trước khi chính thức lắp đặt cầu phao phục vụ đi lại của người dân sau sự cố sập cầu Phong Châu qua sông Hồng, xảy ra sáng 9/9 tại huyện Tam Nông (Phú Thọ).

Trong hôm nay, các lực lượng triển khai trục vớt nhịp cầu, phương tiện bị đắm và tìm kiếm người bị mất tích vụ sập cầu Phong Châu (Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ)

Được biết, vị trí lắp đặt cầu phao cách cầu Phong Châu bị sập khoảng 400m về phía hạ lưu sông Hồng (bờ tả thuộc xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, bờ hữu thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông).

Hiện, lực lượng quân đội đang hoàn tất công đoạn cuối cùng ở 2 phía đầu đường, khẩn trương gia cố bờ sông Hồng tại vị trí lắp đặt trước khi lắp đặt cầu phao.

Sáng 20/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), cho biết sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành trục vớt nhịp cầu Phong Châu bị sập, chiếc xe đầu kéo mắc kẹt bên trong và tiếp tục tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Trong những ngày qua, tỉnh Phú Thọ đã huy động nhiều nhân lực, phương tiện để tiến hành san gạt mặt bằng, di chuyển đặt cẩu chuyên dụng 400 tấn vào vị trí thuận lợi để tiến hành trục vớt các phương tiện cùng nhịp cầu Phong Châu bị sập.

Lực lượng chức năng cũng đã sử dụng máy phá bê-tông, máy hàn hơi cắt từng nhịp giàn thép của nhịp cầu bị sập, chuẩn bị tiến hành trục vớt và tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Khánh Ly