Tưởng niệm 582 ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Các đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương dâng hương tại lễ tưởng niệm

Dự lễ tưởng niệm có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội; một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội đọc diễn văn tại lễ tưởng niệm

Xem thêm: Trạm đọc cho em - Nhìn lại hành trình 'Cõng sách' đến bản làng'

Từ sáng sớm, các bô lão, chức sắc tôn giáo cùng đông đảo nhân dân địa phương thành kính rước văn từ chùa Côn Sơn sang đền thờ Nguyễn Trãi. Rước văn tế là nghi lễ quan trọng từ chùa sang đền thờ để phục vụ cho nghi lễ tưởng niệm.

Tuyên đọc văn tế Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội khẳng định, lễ tưởng niệm là sự kiện văn hóa lớn của Hải Dương và đất nước, thể hiện sự trân trọng lịch sử, nhằm ôn lại truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường, lòng tự hào dân tộc và giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tôn vinh các bậc vĩ nhân có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Đoàn rước văn tế từ chùa Côn Sơn sang đền thờ Nguyễn Trãi phục vụ Lễ tưởng niệm 582 ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Xem thêm: Tết Khẩu Hó bản Pa Xa Lào

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380. Tuổi thơ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh, sau ra làm quan dưới triều nhà Hồ. Từ năm 1407, nhà Hồ suy yếu, đất nước ta dưới ách đô hộ của giặc Minh. Nguyễn Trãi đến Lam Sơn tụ nghĩa, dốc tâm huyết, một lòng thành giúp Bình Định vương Lê Lợi, trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ XV. Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại cáo - một bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, áng thiên cổ hùng văn tổng kết tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói về Nguyễn Trãi: “Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, “văn” là chính trị, cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi hẹn ngàn thu; “võ” là quân sự, chiến lược và chiến thuật, yếu đánh mạnh, ít địch nhiều… thắng hung tàn bằng đại nghĩa; “văn” và “võ” đều là vũ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao”.

Với ước vọng tham gia “Duy tân đất nước, xây dựng nền thái bình muôn thuở” và tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, tư tưởng và đạo lý của Nguyễn Trãi đã vượt không gian quốc gia và vượt thời gian nhiều thế kỷ.

Chương trình nghệ thuật do Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn tại Lễ tưởng niệm 582 ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Năm 1949, Hội đồng Hòa bình thế giới thành lập tại Paris (Pháp), mục tiêu cốt yếu là "Tắt muôn đời chiến tranh" - mục tiêu mà Nguyễn Trãi đặt ra hơn 5 thế kỷ trước. Cũng từ tư tưởng vĩ đại đó, Nguyễn Trãi được UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông (1380 - 1980). Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành anh hùng vĩ đại của dân tộc, một Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Dù cuộc đời ông kết thúc bằng một bi kịch thương đau, song ông đã được lịch sử ghi nhận, tôn thờ với sự nghiệp lừng lẫy, vẻ vang, có tầm ảnh hưởng to lớn tới sách lược bảo vệ và xây dựng đất nước.

Tư tưởng và những giá trị trường tồn của chốn tổ Phật giáo Trúc Lâm tại chùa Côn Sơn và Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã góp phần quan trọng, đáp ứng các tiêu chí để minh chứng và biện luận trong hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới mà UNESCO đang thẩm định.

Diễn văn nhấn mạnh, chúng ta hãy trân trọng lịch sử và phát huy để các giá trị di sản văn hóa của khu di tích - danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc tiếp tục tỏa sáng, trở thành nguồn lực nội sinh tiếp sức cho mỗi con người Việt Nam vững vàng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Cùng ngày 18/9, tại di tích Kiếp Bạc diễn ra Lễ khai mạc Tuần văn hóa, Du lịch và Xúc tiến thương mại; trao giải vòng chung kết hội thi hướng dẫn viên du lịch; Lễ tưởng niệm 724 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; Lễ khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc; Lễ khai ấn, ban ấn đền Kiếp Bạc.

TIẾN HUY - TUẤN ANH