Trợ lực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ở Đắk Mil

Thời gian qua, Huyện Đắk Mil đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Chương trình 1719. Huyện đã lồng ghép, phối với nguồn vốn của chương trình với các chính sách dân tộc khác để nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án.

Trong đó, Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch" đã được địa phương thực hiện đạt hiệu quả cao.

Góp phần phục hồi văn hóa truyền thống

Xem thêm: Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ 4-6/10

Năm 2023, Đội văn nghệ truyền thống liên bon Bu Đắk, Sar Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil được thành lập trên cơ sở tập hợp những người yêu thích văn hóa truyền thống của người M’nông gồm 30 thành viên. Thời gian đầu, do thiếu các trang thiết bị nên hoạt động của đội văn nghệ chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa có sự hấp dẫn trong các tiết mục biểu diễn.

Tháng 7/2024, từ nguồn kinh phí của Dự án 6, Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Đắk Mil đã hỗ trợ Đội văn nghệ truyền thống liên bon Bu Đắk, Sar Pa gồm: 1 bộ loa kéo di động; 1 bộ chiêng; 1 bộ cồng; 31 bộ trang phục truyền thống dân tộc M’nông (15 bộ nam, 16 bộ nữ). Ngoài ra đội văn nghệ còn được hỗ trợ 2 kèn bầu 6 ống và 2 đàn goong.

Đội văn nghệ truyền thống liên bon Bu Đắk, Sar Pa, xã Thuận An được hỗ trợ trang phục truyền thống

Bên cạnh hỗ trợ trang thiết bị, Phòng VHTT huyện Đắk Mil còn hướng dẫn cách thức duy trì, bảo quản tổ chức một buổi sinh hoạt định kỳ và nội dung cốt yếu của từng buổi sinh hoạt cho đội văn nghệ.

Theo anh Y A Rôn, Chủ nhiệm Đội văn nghệ truyền thống liên bon Bu Đắk, Sar Pa, được Dự án 6, Chương trình 1719 hỗ trợ trang thiết bị, các thành viên trong đội văn nghệ rất vui mừng vì đã có được các loại nhạc cụ, trang phục để luyện tập, tham gia biểu diễn các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại địa phương. Đây là động lực để đội tiếp tục luyện tập, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người M’nông.

Qua tìm hiểu được biết, đây là đội văn nghệ truyền thống đầu tiên trên địa bàn huyện Đắk Mil được hỗ trợ theo Dự án 6 thuộc Chương trình 1719. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ các trang thiết bị cho đội văn nghệ truyền thống ở xã Long Sơn và Đức Minh.

Ngoài ra, trong năm 2023 - 2024, huyện Đắk Mil tổ chức Lớp tập huấn bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa và truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng của người M'nông cho 140 học viên; tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể và hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

Xem thêm: Khách sạn Hà Nội cần vệ sinh khu vực bếp chế biến

Tại các lớp tập huấn, học viên cũng được hướng dẫn lấy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS để phát triển du lịch; giải pháp tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, dân ca M'nông...

Nhờ các tập huấn bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, nhiều bạn trẻ dân tộc M'nông trên địa bàn huyện Đắk Mil đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại địa phương

Không chỉ nghề truyền thống, nhiều di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS cũng đang được huyện Đắk Mil bảo tồn, phát huy hiệu quả. Đặc biệt là, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, nhất là nguồn lực Dự án 6 đã tạo điều kiện cho nhiều đội, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống tại các thôn, bon đồng bào DTTS đã ra đời. Thông qua hoạt động của các đội văn nghệ, nhiều thanh, thiếu niên ở các thôn, bon được truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang, nhạc cụ truyền thống,…

Tiếp tục nỗ lực thực hiện

Theo Phòng VHTT huyện Đắk Mil, triển khai thực hiện Dự án 6, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Riêng Phòng VHTT huyện được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện.

Các hoạt động của tổ hợp tác, câu lạc bộ, đội văn nghệ không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống DTTS, mà còn hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững. Địa phương chú trọng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể.

Từ nguồn lực Dự án 06, thổ cẩm truyền thống của đồng bào M'nông ở Đắk Mil được gìn giữ, phát huy

Nhiều thôn, bon, bản cũng hình thành các đội văn nghệ, gắn với hoạt động của các tổ chức đoàn thể tại địa phương, phát huy vai trò không nhỏ trong việc khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở cơ sở.

Được biết, giai đoạn 2021 - 2025, với nguồn vốn được phân bổ hơn 5 tỷ đồng, đến nay huyện Đắk Mil đã sửa chữa, nâng cấp 5 nhà văn hóa cộng đồng ở các bon: Đắk Láp, Đắk Krai, xã Đắk Gằn; Đắk Me, Đắk R'la, xã Đắk D'rót và bon Yuh Júh, xã Đức Minh. Hiện tại, địa phương đang tiếp tục sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa cộng đồng bon Bu Đắk, Sar Pa, xã Thuận An với tổng kinh phí thực hiện 798 triệu đồng.

Bên cạnh kết quả bước đầu thì việc triển khai thực hiện Dự án 6 trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn như, các quy định, văn bản hướng dẫn về mức chi cho từng nhiệm vụ trong dự án còn chung chung, chưa quy định mức chi cụ thể và còn viện dẫn đến nhiều văn bản khác nên rất khó trong việc xây dựng dự toán.

Sau khi sửa chữa, nâng cấp, nhà văn hóa bon Đắk Láp, xã Đắk Gằn được Phòng VHTT huyện Đắk Mil bàn giao cho bon quản lý, sử dụng

Ông Trần Đình Ninh, Trưởng Phòng VHTT huyện Đắk Mil cho biết: "Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân. Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, địa phương sẽ tiếp tục chủ động trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, sai sót để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ các nội dung của Dự án 6. Qua đó, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng."

Y Krak Knul