TP.HCM ra mắt Biểu tượng hữu nghị hợp tác quốc tế với 58 địa phương

Biểu tượng hữu nghị hợp tác quốc tế giữa TP.HCM với 58 địa phượng trên thế giới - Ảnh Đình Dư.

Chiều 24/9, trong khuôn khổ Đối thoại Hữu nghị lần thứ 2 năm 2024, tại công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1, TP.HCM), Ủy ban nhân dân TP.HCM tổ chức lễ công bố Biểu tượng Hữu nghị quốc tế, đánh dấu mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa TP.HCM và 58 địa phương, đối tác quốc tế.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định Biểu tượng sẽ là minh chứng sống động cho tầm nhìn của TP.HCM trong việc nâng tầm công tác đối ngoại, đồng thời gửi đến bạn bè quốc tế thông điệp về sự chào đón, sự cởi mở và khát vọng vươn mình ra thế giới, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng.

Xem thêm: Ninh Bình: Phát triển đô thị di sản không quên bảo tồn nhà ở truyền thống trong vùng lõi danh thắng Tràng An

"Sự hiện diện của các vị đại biểu quốc tế tại sự kiện hôm nay minh chứng rõ ràng cho tình hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau, là nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp tục cùng nhau xây dựng những thành công trong tương lai. Khi chiêm ngưỡng Biểu tượng Hữu nghị quốc tế này, hãy cùng nhau khắc sâu những giá trị kết nối mà chúng ta đã và đang vun đắp, hướng đến một tương lai tươi sáng, nơi mà hòa bình, thịnh vượng và sự hợp tác sẽ mãi trường tồn", ông Võ Văn Hoan bày tỏ.

Phần chân đế của Biểu tượng có in tên của 58 địa phương cùng cờ các nước mà TP.HCM có quan hệ hợp tác - Ảnh: VGP/Vũ Phong.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố, Biểu tượng Hữu nghị quốc tế TP.HCM không chỉ là công trình nghệ thuật, mà còn là biểu tượng sống động cho tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác lâu dài giữa thành phố và 58 địa phương trên thế giới. Ý tưởng của biểu tượng này xuất phát từ mong muốn bạn bè quốc tế cảm nhận được sự gần gũi, trân trọng và tự hào khi đặt chân đến TP.HCM.

Xem thêm: Xóa bỏ hủ tục, xây đời sống mới ở Hà Giang: Kỳ 2: ' 3 dám, 4 cùng' xóa hủ tục

Về thiết kế, phần nổi bật trên cùng của Biểu tượng Hữu nghị quốc tế là vòng tròn Mobius - biểu tượng của sự vô hạn, tượng trưng cho sự phát triển liên tục, bền vững và không có điểm dừng. Đây là cánh cửa kết nối giữa TPHCM với thế giới và giữa thế giới với thành phố. Với công nghệ 3D Mapping tiên tiến và màng nước, vòng tròn Mobius không chỉ là biểu tượng của sự kết nối mà còn là phương tiện để trình diễn những hình ảnh văn hóa, nghệ thuật, nhằm giới thiệu vẻ đẹp và sự hiếu khách của TP.HCM đến bạn bè quốc tế.

Phần chân đế của Biểu tượng có in tên của 58 địa phương cùng cờ các nước mà TPHCM có quan hệ hợp tác.

Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế được đặt tại Công viên Bến Bạch Đằng, Quận 1 - một không gian yên bình giữa lòng thành phố. Ủy ban nhân dân TP.HCM nhận định Biểu tượng sẽ là minh chứng sống động cho tầm nhìn của TP.HCM trong việc nâng tầm công tác đối ngoại. Đồng thời gửi đến bạn bè quốc tế thông điệp về sự chào đón, sự cởi mở và khát vọng vươn mình ra thế giới, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng.

Sau lễ công bố biểu tượng hữu nghị quốc tế, các đại biểu quốc tế đã cùng lãnh đạo TP.HCM đi bộ ngắm cảnh thành phố từ công viên Bến Bạch Đằng; tự tay trải nghiệm pha chế và thưởng thức ly cà phê trứng tại Cà phê trứng 3T (số 1A Tôn Đức Thắng, quận 1).

Các đại biểu quốc tế cùng lãnh đạo TP.HCM cùng thưởng thức cà phê trứng nổi tiếng của Việt Nam - Ảnh: VGP/Vũ Phong.

Cũng trong chiều cùng ngày, chương trình biểu diễn dù lượn và khinh khí cầu bên bờ sông Sài Gòn là chương trình đặc sắc, ấn tượng mà TP.HCM dành tặng cho các đại biểu tham dự Đối thoại hữu nghị 2024.

Sau phần trình diễn dù lượn, 18 khinh khí cầu bay trên bầu trời từ 17h45 đến 20h00 ngày 24/9. Trên các khinh khí cầu thể hiện cờ Việt Nam và cờ của các nước có địa phương quốc tế kết nghĩa với TP.HCM.

Thanh Thủy