Ninh Bình: Phát triển đô thị di sản không quên bảo tồn nhà ở truyền thống trong vùng lõi danh thắng Tràng An

Nhà ở truyền thống trong vùng lõi Di sản Tràng An được làm từ gỗ, kết hợp với đá nguyên khối có giá trị cao về lịch sử, văn hóa.

Nằm trong địa giới hành chính được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt” - Cố đô Hoa Lư có bề dày lịch sử với nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương. Trải qua hàng ngàn năm với bao biến cố lịch sử, cộng đồng dân cư ở đây luôn gìn giữ, bồi đắp, xây dựng và làm giàu thêm các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương. Trong đó, có việc bảo tồn những nếp nhà truyền thống được làm từ gỗ, kết hợp với đá nguyên khối có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, về kỹ thuật, mỹ thuật và về nghệ thuật điêu khắc.

Lãnh đạo Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhà có kiến trúc truyền thống trong khu vực vùng lõi Di sản đang tồn tại dưới 2 loại hình chủ yếu đó là: Loại hình di tích gồm các công trình tôn giáo, tín ngưỡng và nhà ở truyền thống. Trong loại hình di tích này, có một số công trình kiến trúc thời hậu Lê (đền vua Đinh, đền vua Lê), còn lại chủ yếu mang phong cách kiến trúc thờ nhà Nguyễn.

Xem thêm: Ngôi chùa nổi tiếng ở Cộng hòa Kalmykia, LB Nga

Loại hình nhà ở, đa phần được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, kiểu hình chữ “Nhất” có ba gian hoặc năm gian, có một chái hoặc hai chái, lắp ghép bằng chất kết cấu mộng – chốt và cấu kiện chồng rường, chất liệu được làm từ gỗ và đá nguyên khối, ngói và gạch được làm từ đất nung, dùng hệ thống cửa chân quay then cài, hoa văn được chạm nổi trực tiếp trên gỗ và đá tại các vị trí ở đốc nhà, các vì kèo, hoành, ngưỡng cửa với các đề tài chủ yếu là về thiên nhiên. Đặc biệt, ở mỗi tảng đá cổ bồng thường được khắc hình bông hoa sen, một văn hóa đặc trưng của thời nhà Đinh.

Quản lý, bảo tồn các nếp nhà cổ trong phát triển đô thị di sản vừa đảm bảo hài hòa giữa giá trị văn hóa truyền thống và các yếu tố hiện đại sẽ là một bài toán khó.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong vùng lõi Di sản Quần thể danh thắng Tràng An còn khoảng 100 nếp nhà có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư). Các nếp nhà có kích thước vừa phải, được bảo tồn tương đối tốt dùng để ở và làm nơi thờ ông bà, tổ tiên. Có một số nếp nhà, khi được trao truyền qua vài thế hệ, đã trở thành một không gian chỉ để thờ tự và được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu là Nhà thờ cụ Dương Đức Vĩnh (thôn Tam Kỳ), Nhà thờ Phó Hiến sứ Hàn Giang Hầu (thôn Trường Thịnh), Nhà thờ Tín Vương Mạc Quyết (thôn Trường Sơn)...

Những hệ thống nhà cổ là loại hình di sản dễ bị biến đổi, xuống cấp trước sức ép của thời gian và quá trình đô thị hóa. Do đó, công tác quy hoạch, quản lý hệ thống nhà cổ phải được kết hợp với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội phải lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương. Công tác quy hoạch, quản lý và bảo tồn các nếp nhà cổ trong thời đại phát triển đô thị không phải là vấn đề mới, nhưng việc đảm bảo hài hòa giữa những giá trị văn hóa truyền thống và các yếu tố hiện đại luôn là một bài toán khó.

Liên quan đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và khai thác nhà ở truyền thống trong phát triển đô thị di sản và khai thác du lịch, lãnh đạo Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết thêm: Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An với nội dung hỗ trợ, sửa chữa nhà ở mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống có tuổi đời từ 50 năm trở lên trong vùng lõi di sản. Nội dung này đã được HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2030.

Xem thêm: Xóa bỏ hủ tục, xây đời sống mới ở Hà Giang: Kỳ 2: ' 3 dám, 4 cùng' xóa hủ tục

Thực hiện Nghị quyết trên, Ban đã tham mưu Sở Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, UBND các huyện thành phố, UBND các xã trong khu di sản và các chuyên gia, các nhà khoa học rà soát, xây dựng các tiêu chí để lập danh mục Nhà truyền thống trong vùng lõi Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để trình cấp có thầm quyền phê duyệt làm cơ sở cho việc hỗ trợ các hộ gia đình trong việc bảo quản, tu bổ, sửa chữa, giữ gìn nhà ở có kiến trúc truyền thống trong vùng lõi di sản.

Anh Tú