Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ: Mệnh lệnh từ trái tim

Sự trăn trở, day dứt đã thôi thúc các cựu chiến binh, lực lượng tìm kiếm, quy tập không quản ngại khó khăn, gian khổ tiếp tục băng rừng, lội suối, cố gắng đưa hài cốt các liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang.

Đau đáu hình bóng đồng đội

Vượt chặng đường 120 km trong cơn mưa kéo dài, chúng tôi ghé thăm cựu chiến binh Phan Ngọc Huân (thôn Huy Hoàng, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) như đã hẹn. Bước sang tuổi 76 nhưng ông Huân vẫn giữ được tác phong, sự nhanh nhẹn của người lính.

Xem thêm: Người dân xếp hàng dài viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM

Bên ly trà ấm nóng, ông Huân kể về cuộc đời binh nghiệp với 3 dấu mốc quan trọng. Năm 1966, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 8 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A) tham gia chiến đấu tại chiến trường B2. Năm 1971, ông được điều chuyển về Viện K20-Bệnh viện miền Đông Nam Bộ đóng quân tại xã Ochalong (huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia) và tham gia chiến đấu cho đến khi thống nhất đất nước. Năm 1979, ông tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Cựu chiến binh Phan Ngọc Huân (bìa phải, thôn Huy Hoàng, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) kể lại hành trình đi tìm đồng đội tại Campuchia. Ảnh: P.L

Trải qua bao năm trận mạc cam go, ác liệt, ông Huân trở về cuộc sống đời thường với tình trạng sức khỏe: thương binh 4/4, bệnh binh 61%. Dẫu vậy, ông luôn thấy may mắn vì còn sống sót, còn được sum vầy bên con cháu, trong khi nhiều đồng đội đã ngã xuống, nằm lại giữa lòng đất lạnh.

Ông Huân kể: “Trong 2 năm (1971-1972), tại xã Ochalong, khoảng 130 đồng đội của tôi đã hy sinh và được an táng tại nghĩa trang của bệnh viện. Tôi luôn nhớ lời đồng đội khi xưa rằng đứa nào còn sống sẽ đi tìm đứa đã hy sinh đưa về quê nhà. Vì vậy, tôi đã vẽ sơ đồ vị trí đơn vị đóng quân, nơi chôn cất liệt sĩ gửi các cơ quan chức năng để tìm kiếm, quy tập”.

Tháng 4-2009, ông Huân trở lại xã Ochalong tham gia tìm và chỉ vị trí chôn cất đồng đội để Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cất bốc, quy tập. “Địa hình có nhiều thay đổi song tôi vẫn xác định được nơi đơn vị đóng quân, còn vị trí chôn cất liệt sĩ thì chưa xác định được cụ thể. Dựa vào sơ đồ, Đội K52 đã mở rộng bán kính khoảng 200 m từ vị trí đóng quân để tìm kiếm và tìm được 99 hài cốt liệt sĩ ở khu vực này. Tôi đã bật khóc khi thấy hài cốt đồng đội sau bao năm nằm giữa rừng sâu”-ông Huân xúc động.

Không đủ sức tiếp tục băng rừng, lội suối, ông Huân miệt mài chắp nối sự kiện, vị trí các đơn vị đóng quân cũng như nơi chôn cất liệt sĩ rồi vẽ sơ đồ mộ chí gửi cơ quan chức năng các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai… để tìm kiếm, quy tập. “Từ những sơ đồ mà tôi đã gửi hay trực tiếp dẫn đường đi tìm, lực lượng chức năng đã quy tập được khoảng 200 hài cốt liệt sĩ. Điều tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng là chưa thể xác định danh tính các liệt sĩ”-ông Huân trăn trở.

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội làm thủ tục cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ tới 109 thân nhân gia đình liệt sĩ để làm cơ sở thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sĩ; trả lời 112 trường hợp đơn thư hỏi, tìm mộ liệt sĩ. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 11.159 mộ liệt sĩ, trong đó 5.650 mộ có đầy đủ thông tin, 1.944 mộ chưa đầy đủ thông tin, 3.565 mộ chưa xác định được thông tin.

Cũng nặng lòng với đồng đội đã hy sinh, từ năm 1995 đến nay, ông Vũ Hồng Sáu (SN 1948, ở 74 Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) miệt mài với công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ông gửi toàn bộ danh sách đã dày công ghi chép đến cơ quan chức năng để phục vụ cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Căn cứ vào số hiệu, ký hiệu trong giấy báo tử liệt sĩ, cộng với khả năng quan sát, ghi nhớ của một người lính đặc công cùng kinh nghiệm đi rừng, ông Sáu đã giải mã các ký hiệu, phân định địa giới, đơn vị. Sau đó, ông xin tọa độ ở Cục Chính sách (Quân đoàn 3), dùng la bàn và dựa vào thông tin của người dân địa phương cung cấp để tìm hài cốt liệt sĩ.

“Năm 1995, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ huyện Ia Grai xác định được vị trí 24 liệt sĩ của Đại đội 10 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 25) hy sinh ở đỉnh núi thuộc làng De Chí, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai.

Sau nhiều nỗ lực, các lực lượng tìm kiếm, quy tập được 23 hài cốt, 1 hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Trong đó, 21 hài cốt đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai; 2 hài cốt được thân nhân chuyển về an táng tại Hà Nội”-ông Sáu chia sẻ.

Xem thêm: Đường tình của mỹ nữ xây nhà 10 tỷ báo hiếu bố mẹ

Tấm bản đồ quân sự và chiếc la bàn là vật dụng được ông Vũ Hồng Sáu sử dụng trong hành trình đi tìm đồng đội. Ảnh: Dung Lài

Gần 30 năm qua, ông Sáu đã phối hợp cùng lực lượng quân đội tìm kiếm được 39 hài cốt liệt sĩ. Ông cảm thấy nhẹ lòng hơn khi đồng đội của mình đã trở về với người thân và đón nhận những lời cảm ơn từ chính thân nhân liệt sĩ.

Một trong những lời cảm ơn được viết trực tiếp trên tấm thiệp chúc mừng năm mới của ông Nguyễn Phương Bắc (25 Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội) gửi cho ông năm 1995 có đoạn: “Gia đình chúng tôi vô cùng cảm động và xin chân thành cảm ơn chú Sáu đã tận tình giúp đỡ chúng tôi trong việc tìm được mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn, người thân của gia đình đã yên nghỉ trên 20 năm tại đỉnh núi Chư Ka Ra. Hiện nay, liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn đã về nơi yên nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội”.

Ông Vũ Hồng Sáu lưu giữ nhiều danh sách liệt sĩ hy sinh ở các mặt trận. Ảnh: Dung Lài

Kể đến đây, ông Sáu lại nghẹn giọng khi đưa chúng tôi xem lá thư của một cựu chiến binh ở tỉnh Hà Nam viết năm 2015. Thư gửi gắm hy vọng ông Sáu giúp gia đình tìm liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Nhiều năm trôi qua, ông Sáu cũng đã đến nhiều nghĩa trang, kết nối giúp đỡ nhiều thân nhân tìm kiếm thông tin nhưng vẫn chưa tìm được thông tin người liệt sĩ như gia đình nọ đã cung cấp.

Những bước chân không mỏi

Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; thể hiện sâu sắc đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta. Với mỗi cán bộ, chiến sĩ được giao trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, họ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình và nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chỉ cần có thông tin là họ đều quyết tâm đeo bám, nỗ lực tìm kiếm, đưa hài cốt các liệt sĩ về an táng.

Giữa tháng 5-2024, từ nguồn tin của người dân phường An Bình (thị xã An Khê) cung cấp, Đội Quy tập mộ liệt sĩ của Cục Chính trị Quân đoàn 3 đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trực tiếp chỉ huy lực lượng tìm kiếm, Thượng tá Nguyễn Văn Quyết-Đội trưởng Đội Quy tập mộ liệt sĩ-cho biết: Qua khảo sát thực tế, đơn vị đã khoanh vùng tìm kiếm. Gần 20 ngày sau, đơn vị quy tập được 5 hài cốt liệt sĩ với một số di vật như: tăng, vải dù, dây thông tin, lọ dầu, vỏ đạn AK... Tuy nhiên, cả 5 hài cốt liệt sĩ đều chưa xác định được danh tính. Các hài cốt liệt sĩ đã được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê.

Các cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ảnh: ĐVCC

“Gần nửa thế kỷ trôi qua nên các di vật, di cốt còn lại rất ít. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ trong quá trình tìm kiếm, quy tập phải thật cẩn trọng, tỉ mỉ, không bỏ sót bất kỳ di vật, di cốt nào. Sau khi tìm được thì bảo quản cẩn thận để làm công tác lưu trữ, phục vụ việc giám định ADN, trả lại danh tính cho các liệt sĩ sau này”-Thượng tá Quyết cho hay.

Mùa khô 2023-2024 đã kết thúc và để sẵn sàng cho nhiệm vụ trong mùa khô tiếp theo, một số cán bộ, chiến sĩ Đội K52 tiếp tục ở lại Campuchia để nắm thông tin, khảo sát, xác minh các khu vực có hài cốt liệt sĩ.

Thượng tá Nguyễn Xuân Toản-Đội trưởng Đội K52-cho biết: “Khí hậu ở Campuchia vô cùng khắc nghiệt. Mùa nắng, nhiệt độ có thời điểm đến 44 độ C, trong khi từ điểm đóng quân đến vị trí có nước sinh hoạt cách 4 km. Mùa mưa thì muỗi rừng, sốt rét. Rồi tốc độ đô thị hóa, địa bàn có thông tin về mộ liệt sĩ đã thay đổi, nhiều nơi quy hoạch thành khu dân cư, vườn cây, trang trại, hồ đập nên việc tìm kiếm càng khó khăn. Số người biết thông tin vị trí mai táng liệt sĩ hiện nay không còn nhiều, hầu hết tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm”.

Công tác đưa hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh được Quân đoàn 3 triển khai trong nhiều năm qua. Ảnh: ĐVCC

Khó khăn là vậy, song với tâm niệm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ như tìm chính người thân của gia đình, mùa khô 2023-2024, Đội K52 đã khảo sát, tìm kiếm tại 615 làng thuộc 139 xã, phường của 19 huyện, thành phố ở 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia; tổ chức lực lượng tìm kiếm 20 thông tin có độ tin cậy cao, tiến hành đào bới 19 địa điểm, ước lượng khoảng 12.000 m hào, gần 10.000 m đất đá và đã quy tập được 21 hài cốt liệt sĩ.

Đội trưởng Đội K52 cho biết: “Chúng tôi không bỏ sót bất cứ thông tin nào. Có những vị trí, chúng tôi kiên trì tìm kiếm trong nhiều năm liên tục. Chính vì vậy, mỗi khi tìm được hài cốt liệt sĩ, anh em đều vỡ òa, mọi mệt nhọc, áp lực như tan biến. Từ năm 2001 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đã quy tập, hồi hương 1.489 hài cốt liệt sĩ về an táng nơi đất mẹ thân yêu”.