Hành trình hấp dẫn đi tìm 'Lịch sử cái đẹp'

“Cái đẹp” từ xưa đến nay luôn là đề tài bất tận trong thơ ca, nhạc họa cũng như trong cuộc sống. Mỗi thời đại, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân đều có quan niệm về cái đẹp khác nhau. Nhưng đặc điểm chung là đều khiến người ta cảm thấy rung động, làm thích thú. Vậy quan niệm về cái đẹp đã có những biến chuyển thế nào?

Lịch sử cái đẹp” là công cuộc khám phá cái đẹp của nhà văn, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh Umberto Eco. Trên hành trình đó, Umberto Eco đã dày công khai phá một chủ đề độc đáo, vô cùng hấp dẫn: Cái đẹp dưới góc nhìn của phương Tây.

“Lịch sử cái đẹp” của Umberto Eco đã đưa người đọc vào hành trình khám phá hấp dẫn về cái Đẹp. Ảnh: Nhân dân.

Xem thêm: Hoa hậu H'Hen Niê sang Mỹ, tham gia quảng bá du lịch, điện ảnh Việt

Cuốn sách dày hơn 400 trang, với 200 bức tranh và tiểu họa, 50 tác phẩm điêu khắc cùng rất nhiều hình ảnh tái hiện các công trình kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật thời trang, tác giả Umberto Eco đã đưa người đọc vào hành trình khám phá ngọn nguồn cái đẹp từ thời Hy Lạp cổ đại, thời Trung cổ rồi đến thời hiện đại. Trong đó, có cái đẹp của các vị thần, đến cái đẹp trong triết học, cái đẹp siêu phàm, cái đẹp lãng mạn rồi cái đẹp hiện đại: cái đẹp của máy móc, cái đẹp của phương tiện truyền thông…

Xuyên suốt tác phẩm, Umberto Eco đã cho thấy, cái đẹp chưa bao giờ là tuyệt đối và bất biến, ngược lại, nó mang nhiều diện mạo khác nhau tùy thời kỳ lịch sử và tùy quốc gia.

Chẳng hạn, lý tưởng thẩm mỹ thời Hy Lạp cổ đại, cái đẹp thường gắn với các môn nghệ thuật, chưa có sự thống nhất. Chẳng hạn, trong các bản tụng ca, cái đẹp là sự hài hòa của vũ trụ. Trong thơ ca, cái đẹp thể hiện qua kích thước tương ứng và sự đối xứng giữa các bộ phận. Còn trong thuật hùng biện, cái đẹp được thể hiện qua nhịp độ phù hợp.

Trong khi đó, tiêu chuẩn của người Ai Cập phải liên quan tới toàn bộ kết cấu, tỷ lệ giữa các bộ phận phụ thuộc vào cử động của cơ thể, sự thay đổi của phối cảnh. Những khái niệm về tỷ lệ hoàn hảo ở giai đoạn này vẫn còn tồn tại đến nay trong các lĩnh vực mỹ thuật cũng như thiết kế như tỷ lệ vàng hay sự tương phản giữa các mặt đối lập.

Còn cái đẹp ở giai đoạn Trung cổ thì lại được nhìn nhận dưới góc độ ánh sáng và màu sắc. Cái đẹp thể hiện qua màu sắc sáng rọi của Chúa, màu sắc rực rỡ và xa xỉ của người giàu (kỹ thuật nhuộm màu rực rỡ ở thời đó vô cùng đắt đỏ), màu của thiên nhiên ban tặng người nghèo khó, màu sắc trong thơ ca và thần bí học…

Còn cái đẹp dưới thời kỳ Phục hưng có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống trí thức châu Âu đương thời.

Trong tác phẩm, tác giả đưa người đọc tới vẻ đẹp của một đối tượng nghiên cứu cụ thể của các vệ nữ, các quý nương và anh hùng… Điều đặc biệt, cái xấu cũng có nét đẹp của riêng nó, cũng cần cho cái đẹp”, vì “vũ trụ được tạo như một tổng thể thống nhất và cần phải được nhận thức giá trị một cách trọn vẹn, là nơi mà ngay cả bóng tối cũng góp phần làm cho ánh sáng trở nên rạng rỡ hơn và ngay cả cái có thể bị coi là xấu cũng có thể được coi là đẹp trong khuôn khổ của Trật tự chung”.

Cuốn sách còn cung cấp cho người đọc những góc nhìn khác nhau về cái đẹp từ những bài luận của tác giả, các trích dẫn tác phẩm văn học, nghị luận, triết học, âm nhạc và khoa học về lĩnh vực này.

Tác giả Umberto Eco (1932-2016). Nguồn: nongnghiep.vn.

Tác giả Umberto Eco là nhà văn, nhà lý luận, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh, giáo sư ký hiệu học của Đại học Bologne, giảng viên mỹ học và văn hóa học tại các trường đại học Milano, Firenze. Ông tham gia giảng dạy và thuyết trình tại nhiều trường đại học danh tiếng như Yale, Columbia, Cambridge, Oxford và Harvard, là tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nước ngoài.

Xem thêm: Hà Tĩnh: bèo tây bủa vây sông Hộ Độ

Danh tiếng của Eco gắn liền với cuốn tiểu thuyết “Tên của đóa hồng”. Tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1980 đã trở nên nổi tiếng toàn cầu, được dịch sang 47 ngôn ngữ, bán được hơn năm mươi triệu bản.

Hoàng Mai