'Thao thức Trường Sa'

Nhà báo Tiểu Tân tặng Báo Sài Gòn Giải Phóng cho cán bộ, chiến sĩ ở đảo Núi Le B

Biển, đảo luôn trong tim

Trọn vẹn 1 tuần tôi được đồng hành với họa sĩ, nhà báo trẻ Tiểu Tân với vai trò là một thành viên trong tổ tuyên truyền, báo chí. Điều mà tôi cảm nhận được từ cô gái nhỏ nhắn này là sự nhiệt tình, trách nhiệm và sẵn sàng dấn thân trong bất cứ điều kiện tác nghiệp nào. Ở trên tàu hay xuống đảo, chị đều tận dụng tối đa thời gian để thu thập tư liệu, hình ảnh.

Xem thêm: Hòa Tân sẵn sàng cho Tết Quân - Dân gắn với lễ Sêne Đôlta

Chính nhà báo Tiểu Tân cũng không ngờ chuyến hải trình 7 ngày đi thăm CBCS và nhân dân tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 cùng Đoàn công tác TP.HCM lại mang đến "quả ngọt" và sức lan tỏa ngoài mong đợi. Chị khẳng định, mỗi điểm đảo, từng vùng biển đã qua khiến chị thêm yêu Tổ quốc, hiểu và cảm hơn sự hy sinh, gian khổ và bao hiểm nguy mà người lính Hải quân nơi đảo xa phải đương đầu để giữ gìn, bảo vệ, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Mọi thứ đến thật tự nhiên, khi đứng giữa biển trời thiêng liêng ấy, tình yêu Tổ quốc như dòng máu chảy dạt dào trong tim chị.

Nhà báo Tiểu Tân chia sẻ: “Là biển trời, là đất đai, là màu xanh của cây bàng vuông, hàng phong ba chắn bão, là lá cờ đỏ sao vàng tung bay tự hào nơi cột mốc khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc giữa trùng khơi. Và hơn hết, được trực tiếp chứng kiến những vất vả của người dân cùng CBCS nơi đây giúp tôi càng hiểu, càng yêu hơn Trường Sa, yêu hơn Tổ quốc mình”.

Thượng úy Phan Văn Trung - Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin, cho biết: “Tôi thực sự ấn tượng với nhà báo Tiểu Tân vì sự chăm chỉ tác nghiệp. Vừa lên tới đảo, chị đã nhanh chóng mở túi quà, trao tận tay các CBCS tờ báo Sài Gòn Giải Phóng. Rồi tay máy, tay bút vừa chụp hình, vừa tranh thủ tốc ký mỗi khi gặp các nhân vật cần phỏng vấn. Những tờ báo mà chị tặng cho CBCS mang đậm nghĩa tình đất liền tới đảo xa”.

Trở về đất liền nhưng mọi cảm xúc và hình ảnh cùng câu chuyện của chuyến hải trình trong chị vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Nhà báo Tiểu Tân quyết định vẽ lại mọi thứ bằng ngôn ngữ hội họa. Bộ tranh mang tên Thao thức Trường Sa ra đời từ đây. Mỗi bức tranh được chị vẽ bằng tất cả lòng thương yêu cùng những khắc khoải khôn nguôi về Trường Sa, Nhà giàn DK1.

Kỷ niệm đẹp về Trường Sa

Nhà báo Tiểu Tân tác nghiệp tại Nhà giàn DK1/17

Mỗi tác phẩm là một câu chuyện gắn với nhiều kỷ niệm khi lần đầu nhà báo Tiểu Tân đến với Trường Sa. Phần lớn các tranh do chị vẽ đều thể hiện phong cảnh biển cả bao la, bát ngát. Qua các tác phẩm, chị mong muốn mỗi chúng ta luôn tự hào về vẻ đẹp của biển, đảo Tổ quốc, hiểu hơn về những hiểm nguy, vất vả cùng lòng yêu nước, yêu quê hương của quân, dân nơi đầu sóng, ngọn gió.

Ngắm nhìn tranh của nhà báo Tiểu Tân, ai cũng nhận thấy mỗi tác phẩm là một kỷ niệm đẹp về Trường Sa. Tác phẩm Chiều buông trên đảo Đá Tây B toát lên vẻ đẹp một chiều hoàng hôn ở đảo Đá Tây B; tác phẩm Lặng lẽ chiều Cô Lin lắng đọng người xem về sự im lặng đến xao lòng trước cảnh biển chiều trên những con sóng dữ. Hay khoảnh khắc xúc động khi chị Nguyễn Thị Lành ở quận Tân Bình (TP.HCM) vui mừng gặp con trai là Trung sĩ Huỳnh Thế Sơn đang công tác ở đảo Sinh Tồn được nhà báo Tiểu Tân khắc họa lại bằng một bức tranh lụa mang tên Gặp mẹ bên bờ sóng. Nhà báo Tiểu Tân còn lưu giữ hình ảnh từng trái bàng vuông hoặc cây bàng vuông nhỏ mà CBCS tặng người ở đất liền đến thăm đảo trong tác phẩm màu nước Món quà của biển... Hầu hết các tác phẩm được chị thực hiện bằng chất liệu màu nước vẽ lên lụa hoặc giấy dó.

Tác phẩm Chiều buông trên đảo Đá Tây B

Theo nhà báo Tiểu Tân, ý định vẽ tranh ban đầu chỉ để thỏa nỗi nhớ Trường Sa. Nhưng khi được một thành viên trong đoàn công tác ngỏ ý mua tranh, chị bắt đầu nghĩ đến việc bán và gửi 100% lợi nhuận để gây quỹ.

Chị Tiểu Tân tâm sự: “Tôi chưa phải họa sĩ chuyên nghiệp mà chỉ là người có duyên nợ với hội họa nên tôi chọn những gì đơn sơ, thân thuộc để vẽ về Trường Sa. Quá trình vẽ cũng có nhiều áp lực về thời gian nhưng khi nghĩ đến thành quả thu được sẽ góp một phần kinh phí chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và động viên bộ đội Hải quân, tôi lại cầm cọ lên và vẽ...”./.

Xem thêm: Ninh Thuận công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 bảo vật quốc gia

26 tác phẩm trong bộ tranh Thao thức Trường Sa của nhà báo Tiểu Tân được bán hết sau 2 ngày công bố dự án, với số tiền thu về 260 triệu đồng. 15 tác phẩm trong bộ tranh này sau đó được bán đấu giá với số tiền 1,04 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền thu được, nhà báo Tiểu Tân đã gửi tặng Quỹ “Vì biển, đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” của UBMTTQ Việt Nam TP.HCM và Quỹ “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Hiện nay, Tiểu Tân tiếp tục sáng tác 10 bức tranh mới, dự kiến tiếp tục đấu giá gây quỹ vào cuối tháng 9/2024.

Quang Tiến