Tăng vai trò giám sát của phụ huynh với bữa ăn bán trú

Phụ huynh cùng giám sát bếp ăn bán trú

Tại Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Bích Hằng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với độ tuổi mầm non, chất lượng bữa ăn bán trú rất quan trọng. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ, nhà trường thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn bảo đảm đủ chất, đủ lượng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hàng ngày, khâu tiếp phẩm đều có sự giám sát của Ban giám hiệu, nhân viên y tế, nuôi dưỡng và một số phụ huynh để kiểm tra chất lượng thực phẩm trước khi đem đi sơ chế. Trường cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức liên quan đến an toàn thực phẩm cho đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng; phối hợp với gia đình chăm sóc đảm bảo trẻ phát triển cân đối về thể chất, tinh thần.

Xem thêm: Cách vợ Đoàn Văn Hậu quan tâm chồng

Phụ huynh cùng kiểm tra thực tế nguồn thực phẩm đầu vào mỗi sáng tại Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội).

Thịt lợn nhập vào bếp phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng với sự giám sát của phụ huynh và nhà trường.

Khi nhập thực phẩm đều phải có sổ sách theo dõi ghi đầy đủ thông tin về sản phẩm.

Tương tự, tại Trường Mầm non Linh Đàm, cô Vũ Nguyệt Ánh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bữa ăn của trẻ tại trường luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng. "Nhà trường xây dựng thực đơn 4 tuần không trùng lặp và tính khẩu phần ăn của trẻ trên phần mềm dinh dưỡng đảm bảo định lượng calo và tỷ lệ cân đối giữa các chất protein - lipit - gluxit".

Có con học tại Trường Mầm non Linh Đàm, chị Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ: "Vì lo cho sức khỏe của con, nhiều hôm đưa con đi học sớm, tôi thường tranh thủ vào khu vực bếp ăn bán trú của nhà trường để theo dõi quá trình giao nhận, chế biến, chia khay ăn cho các con. Tôi thấy rất sạch sẽ, gọn gàng, món ăn đúng với thực đơn và đầy đặn. Thức ăn được để trên bàn cao, người phục vụ đeo khẩu trang, găng tay. Tôi yên tâm khi nhìn thấy bữa ăn của con như vậy".

Xem thêm: Không khí đón Lễ Sen Đôn Ta năm 2024 của đồng bào Khmer Nam Bộ

Tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Thu An - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường luôn quán triệt và thực hiện nghiêm hướng dẫn từ Phòng GD&ĐT quận, Sở GD&ĐT thành phố về công tác đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú cho học sinh. "Để làm tốt công tác an toàn bán trú thì ngoài sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng, vai trò phối hợp từ phía phụ huynh cũng vô cùng quan trọng. Ngay từ khâu giao nhận thực phẩm đầu vào, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho trẻ, phụ huynh hoàn toàn có quyền được giám sát trực tiếp để thêm yên tâm về chất lượng bữa ăn của con mình".

Các loại bát, thìa... của trẻ trước khi sử dụng đều được nhân viên nuôi dưỡng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm rửa sạch sẽ và cho vào tủ sấy với nhiệt độ cao để đảm bảo vô trùng.

Việc giám sát bữa ăn bán trú cần sự phối hợp của Ban giám hiệu, đại diện phụ huynh và nhân viên y tế nhà trường

Khẳng định vai trò quan trọng của bữa ăn học đường trong đảm bảo phát triển của trẻ, TS.BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, bữa ăn học đường rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non và tiểu học khi hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện và dễ bị rối loạn tiêu hóa.

An toàn là tiêu chí quan trọng nhất của trường học, vì nó là sinh mạng, là sự sống của học sinh. Bữa ăn ở trường học phải đặt các tiêu chí theo thứ tự: an toàn thực phẩm - dinh dưỡng - ngon miệng. Bởi bữa ăn học đường là bữa ăn tập thể, để bảo vệ học sinh thì vấn đề an toàn thực phẩm phải đặt lên vị trí ưu tiên cao nhất. Tiếp theo là bữa ăn dinh dưỡng phù hợp với trẻ em, vì các em đang ở lứa tuổi phát triển. Và sau cùng là tiêu chí ngon miệng.

Bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú, tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các trường học, rất cần có sự quan tâm, trách nhiệm hơn nữa của ban giám hiệu các trường học, thầy cô giáo, nhân viên, cha mẹ học sinh, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Để bữa ăn bán trú của học sinh được đảm bảo chất và lượng, TS.BS Trương Hồng Sơn cho rằng, công tác giám sát bữa ăn bán trú luôn cần sự phối hợp của Ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh và nhân viên y tế nhà trường.

Đối với cha mẹ học sinh, cần phối hợp chặt chẽ với thầy cô, với bộ phận tiếp phẩm, làm bếp của trường để bảo đảm các em học sinh được ăn, uống an toàn và đủ dưỡng chất. Các trường cần tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn. Nhà trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn.

Phụ huynh có thể không có chuyên môn hay công cụ để kiểm tra, nhưng có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng… Việc kiểm tra dụng cụ trong chế biến thức ăn; bát, đĩa, khay chia suất ăn cho học sinh có bảo đảm vệ sinh hay không cũng rất quan trọng.

Đối với các trường học có tổ chức ăn bán trú phải nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Các trường học chỉ lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm có uy tín, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nhà trường cũng cần thực hiện nghiêm túc hợp đồng, có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm.

Đỗ Vi