Bảo tồn, phát huy giá trị diễn xướng dân gian của đồng bào miền núi Thanh Hóa

Diễn xướng cầu mùa của đồng bào Thái, bản Sáng, xã Quang Chiểu (Mường Lát).

Diễn xướng dân gian hình thành từ những hoạt động ca, múa sơ khai gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động, tín ngưỡng... của Nhân dân, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ; xây dựng niềm cộng cảm, cố kết cộng đồng; nhu cầu tín ngưỡng tâm linh... Diễn xướng dân gian là sinh hoạt văn nghệ của người dân sáng tạo ra trong quá trình lao động, tiếp xúc với thiên nhiên. Bằng lối: nói, kể, ví, vè, hát, hò, trò, múa, ca, vũ, lễ, nhạc, họa... họ thể hiện tất cả những tâm trạng trong lúc vui, lúc buồn của cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Diễn xướng dân gian thể hiện phong phú và đa dạng cuộc sống của người dân, được lưu giữ, trình diễn và truyền dạy trong cộng đồng. Diễn xướng dân gian mang tính nguyên hợp trong môi trường phù hợp, mang đậm tính cộng sinh, cộng cảm, liên kết hình thành nên cộng đồng bền vững; thể hiện độc đáo sắc thái văn hóa của mỗi tộc người, mang dấu ấn vùng miền hài hòa trong tổng thể văn hóa Việt Nam.

Dân ca của đồng bào miền núi xứ Thanh phong phú và đặc sắc, phản ánh mọi cung bậc tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh gắn bó với cánh rừng, ruộng rẫy và sâu nặng nghĩa đất, tình đời. Đồng bào các dân tộc thiểu số bao đời nay cư trú trên đôi bờ sông soi hình bóng núi, có vốn tri thức văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc và phong phú như: khặp (Thái), xường, rang, bọ mẹng (Mường), pả dung (Dao), hát Tơm (Khơ Mú), gầu Tào, gầu Plềnh (Mông), chạm đò ho, hát giã cốm (Thổ)... do các thế hệ đi trước sáng tạo, trao truyền thành những áng dân ca trữ tình đặc sắc, thể hiện trong hát giao duyên, dân ca nghi lễ, hát đối đáp, hát ru, hát đồng dao, các bài văn vần dạy đạo làm người, khuyên bảo cô dâu, chú rể trong ngày cưới, quan hệ và ứng xử trong cuộc sống... phản ánh điệu hồn của đồng bào miền núi với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, thiết tha.

Xem thêm: Cây cảnh thần tiên, thu hút may mắn tài lộc cho gia chủ

Cùng với dân ca, những chủ nhân miền non cao cũng sáng tạo nên những vũ điệu dân gian không kém phần phong phú và đặc sắc. Đồng bào Thái có múa quạt, múa nón, nhảy sạp, múa kiếm, trò diễn Kin Chiêng Boọc Mạy, múa Cá Sa...; đồng bào Mường có múa pồn pôông, trò diễn Mụ Trầy...; người Dao có múa săn ba ba, múa chuông, múa bát, lễ cấp sắc, tết nhảy...; người Mông có múa ô, múa khèn...; đồng bào Thổ có múa đuốc, bắt nhái, hát múa đánh trống tăng, giã cốm... Những loại hình hát múa dân gian của đồng bào các dân tộc chính là cơ sở để hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu của dân tộc.

Về âm nhạc, đồng bào Mường có cồng chiêng, đàn đỉnh; tộc người Thái có khua luống, trống chiêng. Khua luống với 12 điệu luống như: loong ton khộch (luống đón khách) vui tươi, rạo rực; điệu loong pạt, loong xoỏng, loong xảm, loong pạc xạc: mừng được mùa, đập lúa đêm trăng. Cùng với luống khua rộn rã, tiếng gõ boong bu, tiếng cồng chiêng diễn tả đi săn, hái lượm, bắt cá, bẫy chim, thú... Đồng bào Thổ có đánh trống tăng, thổi sáo, gõ ống...; người Mông có kèn lá, kèn môi, khèn. Người Mông cũng lưu truyền cách biểu diễn kèn lá trong những lúc lên nương, đi chợ, thăm nhau... Bất cứ ở đâu hay lúc nào, chàng trai, cô gái Mông đều có lá cây để trình tấu kèn lá. Họ bày cho nhau cách thổi, cách chọn lá, cách vuốt lá cho mềm. Ông bà truyền cho con cháu, con cháu truyền cho bầu bạn, đồng bào còn sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dây, gõ, hơi... với muôn sắc màu, âm thanh và cung bậc tình cảm phong phú.

Xem thêm: Skoda Kodiaq 2024 nhận cọc tại Việt Nam, chốt lịch ra mắt

Về tín ngưỡng, lễ hội, với quan niệm vạn vật hữu linh, đồng bào có các nghi lễ thờ đá, thờ cây, thờ nguồn nước, thần núi, thờ mẫu, tri ân và tôn thờ những người có công với dân với nước như: Nàng Han, Khằm Ban, Tư Mã Hai Đào, Lê Lai, Lê Phúc Thành, Hà Công Thái...

Mỗi làng bản ở miền núi tỉnh Thanh đều gắn với một địa danh lịch sử. Với hàng trăm di tích và danh lam thắng cảnh, ở đó không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể quý giá và đặc sắc, mà chính ở các di tích này còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, thông qua các loại hình diễn xướng dân gian, tôn thờ các vị thần tự nhiên trong lễ tục, lễ hội: cầu mưa (bản Hiềng, xã Kỳ Tân, Bá Thước), cầu mùa (bản Sáng, xã Quang Chiểu, Mường Lát), thiêng hóa suối cá thần (làng Ngọc, xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy), thờ đá, thờ núi: thờ Hòn đá vía (Mường Xia, xã Sơn Thủy, Quan Sơn), thờ Sớ Pa - thờ Trời (bản Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, Thường Xuân)...; lễ hội thờ những người anh hùng có công với dân, với nước, có công dựng bản, lập mường như; lễ hội Căm Mương thuộc Mường Ký (Bá Thước), lễ hội Khằm Ban (Quan Hóa), lễ hội Tư Mã Hai Đào (Mường Lát), Nàng Han, Cầm Bá Thước (Thường Xuân), lễ hội Đình Thi (Như Xuân), lễ hội Mường Đòn (Thạch Thành)... hàm chứa các giá trị của loại hình diễn xướng dân gian về thần tích, chuyện kể, lễ tục, rước, hát múa, trò chơi, trò diễn, sắc phục, văn hóa ẩm thực... gắn với địa bàn, môi trường sống và nhân vật thờ phụng,... Những trầm tích lịch sử, văn hóa ấy góp phần tô đẹp truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Trong bối cảnh đất nước, quê hương đẩy mạnh CNH, HĐH, giao lưu, hội nhập quốc tế cùng với sự phát triển của nền nghệ thuật biểu diễn đương đại, diễn xướng dân gian đã và đang đứng trước nhiều thách thức. Bởi vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và vai trò, trách nhiệm của ngành chủ quản, các sở, ngành có liên quan tới diễn xướng dân gian của đồng bào các dân tộc; thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và chấn hưng văn hóa dân tộc: “... Cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh, chỉ đạo, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với đội ngũ những người làm công tác văn hóa, nhất là cán bộ văn hóa cơ sở, các nghệ nhân dân gian và đồng bào các dân tộc thiểu số, họ là chủ nhân sáng tạo, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa, trong đó có diễn xướng dân gian”.

Đẩy mạnh giáo dục về truyền thống văn hóa, lịch sử cho đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hóa, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trân trọng các giá trị văn hóa dân tộc. Đưa diễn xướng dân gian đến với công chúng trẻ tuổi trong trường học, giúp cho thế hệ trẻ nhận thức và yêu thích các giá trị văn hóa dân tộc và nghệ thuật diễn xướng dân gian. Kết hợp giáo dục nghệ thuật truyền thống với giáo dục lịch sử, phong tục, tập quán, lễ tục, lễ hội; làm sáng rõ nội dung, ý nghĩa trong dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn... nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, sắc thái văn hóa của từng dân tộc phục vụ cho sự phát triển của đất nước và quê hương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ số... đưa hình ảnh, miền đất nước con người Thanh Hóa nói chung, đồng bào các dân tộc miền núi nói riêng với các giá trị văn hóa, diễn xướng dân gian đặc sắc tới đông đảo Nhân dân và du khách trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh công tác điều tra, sưu tầm, khảo sát về không gian, môi trường diễn xướng, các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ tục, lễ hội. Tôn vinh, khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ nhân dân gian, người cao tuổi truyền nghề cho cộng đồng và lớp trẻ, bảo tồn, phát huy nghệ thuật diễn xướng trong xu thế đô thị hóa, đổi mới và hội nhập.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực biểu diễn. Đầu tư các nguồn lực trong đào tạo và phát triển tài năng nghệ thuật diễn xướng dân gian cho các cơ sở đào tạo, tạo điều kiện cho người học nâng cao kiến thức, tư duy sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường (CTV)