Tấm lòng của những người có công với cách mạng trong thời bình

Cựu chiến binh 2 lần hiến đất

Nhiều năm nay, người dân bon Bu Nung, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức có một nơi để sinh hoạt, hội họp chung, đó là Nhà văn hóa bon Bu Nung. Điều đặc biệt, nhà văn hóa này được xây dựng trên phần đất mà gia đình cựu chiến binh (CCB) Điểu Sranh (SN 1958) hiến tặng cho địa phương trong năm 2005 và 2024.

Cựu chiến binh Điểu Sranh (đầu tiên bên trái) được người dân bầu làm người có uy tín bon Bu Nung

Xem thêm: Trở về với 'đất mẹ'

20 năm trước, vị trí của Nhà văn hóa bon Bu Nung là vườn cà phê đang kinh doanh của gia đình ông Điểu Sranh. Nhiều lần chứng kiến cảnh bà con trong bon hội họp đều phải mượn địa điểm để sinh hoạt, ông Điểu Sranh có nguyện vọng hiến đất để làm nơi sinh hoạt chung cho cộng đồng.

Năm 2005, biết được chủ trương Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa, ông Điểu Sranh đề đạt nguyện vọng và sau đó tự nguyện hiến tặng 500m² đất để làm nơi xây dựng công trình. Cũng nhờ đó, cuối năm 2005, bon Bu Nung trở thành 1 trong những bon đầu tiên của huyện biên giới Tuy Đức có nhà văn hóa.

Năm 2005, ông Điểu Sranh (đứng giữa) đã hiến 500m2 đất của gia đình để làm Nhà văn hóa bon Bu Nung

Chia sẻ về việc làm này, CCB Điểu Sranh cho biết: “Trước đây mỗi lần hội họp bà con thường ngồi ngoài trời hoặc mượn tạm nhà một hộ dân. Bon làng muốn tổ chức lễ hội không có địa điểm tổ chức nên tôi rất buồn. Sau khi bàn với gia đình, tôi đã hiến một phần đất của gia đình để làm nơi sinh hoạt chung cho bà con”.

Đầu năm 2024, xã Quảng Trực có chủ trương mở rộng khuôn viên Nhà văn hóa bon Bu Nung. Khi mở rộng không gian, công trình sẽ được Nhà nước quan tâm, đầu tư để triển khai thêm một số hạng mục phụ trợ. Nhận thấy đây là chủ trương hợp lý, mang lại lợi ích cho người dân, ông Điểu Sranh tiếp tục hiến gần 800m2 đất của gia đình.

Luôn coi trọng lợi ích của cộng đồng dân cư, bà con trong bon Bu Nung đã bầu CCB Điểu Sranh là người có uy tín. 15 năm gắn bó với vai trò này, ông được người dân tin tưởng, quý trọng và là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Điểu Sranh nhớ lại: “Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi Nhà nước có chủ trương trồng cà phê tại xã Quảng Trực, tôi là một trong số những người đầu tiên trồng. Sau hơn 30 năm, đến nay, cả nhà tôi khoảng 16ha đất trồng cà phê và một số cây hoa màu, riêng vợ chồng tôi đang sản xuất trên diện tích 2,5ha”.

Năm 2024, ông Điểu Sranh tiếp tục hiến thêm gần 800m2 để mở rộng khuôn viên Nhà văn hóa bon Bu Nung

Xem thêm: VKSND các đơn vị, địa phương tri ân thương binh, liệt sĩ, tặng quà gia đình chính sách

Ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, ông Điểu Sranh từng có nhiều năm tham gia lực lượng dân quân du kích bảo vệ biên giới, chống lại các tổ chức phản động.

Sau khi trở về địa phương, ông Điểu Sranh tiếp tục có những đóng góp để phát triển quê hương, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Tháng 6/2024, gia đình CCB Điểu Sranh vinh dự là 1 trong 4 hộ gia đình được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cựu chiến binh Y Xuyên giữ văn hóa M’nông

Đồng bào M’nông xã Nâm Nung, huyện Krông Nô dành sự kính trọng đặc biệt với cựu chiến binh, Nghệ nhân ưu tú Y Xuyên (SN 1958) ở bon Ja Ráh. Trở về sau những năm tháng đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, già làng Y Xuyên được người dân tín nhiệm, bầu là người có uy tín vì những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc M’nông.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đắk Nông, già làng Y Xuyên cho biết: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông, bố chỉ dạy đánh chiêng và các nhạc cụ khác. Nhờ đôi tai thính, cảm âm tốt, trong một thời gian ngắn, tôi có thể chơi thành thục và hướng dẫn nhiều người khác cùng chơi”.

Cựu chiến binh Y Xuyên (bên phải) nỗ lực truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ

Dù tuổi đã lớn nhưng hiện nay già làng Y Xuyên là nhân tố không thể thiếu trong các buổi biểu diễn chiêng của đội nghệ nhân xã Nâm Nung. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm trở lại đây, ông dành nhiều thời gian để truyền dạy cách đánh chiêng cho thế hệ trong xã, huyện. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của ông mà đến nay đội chiêng xã Nâm Nung đã thành thạo nhiều bài chiêng, có ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Anh Y Tân, thành viên đội chiêng trẻ bon Bu Ja Ráh cho biết: “Già làng Y Xuyên là một trong những người biết nhiều về văn hóa M’nông, nhất là các bài chiêng của bon làng. Thời gian qua, già rất tích cực trong việc hướng dẫn, luyện tập cho nhiều thế hệ. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của già mà đội chiêng trẻ của bon, xã thành thạo nhiều bài chiêng truyền thống để biểu diễn vào dịp lễ hội”.

Già làng Y Xuyên góp công lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa tại xã Nâm Nung

Bên cạnh những nỗ lực truyền dạy đánh chiêng, già làng Y Xuyên còn góp công trong sưu tầm, bảo tồn những hiện vật văn hóa truyền thống của đồng bào M’nông. Bởi từng có thời gian, chiêng, chóe… bị người dân bán đi, lấy tiền trang trải cuộc sống.

Già làng Y Xuyên nói thêm: “Vì cuộc sống khó khăn, một số hộ gia đình bán đi những món đồ mà ông bà để lại. Tôi tiếc lắm nên đi sưu tầm lại. Tôi chỉ hy vọng, việc làm này của mình sẽ giữ gìn được những nét văn truyền thống tốt đẹp, để cho con cháu đời sau có thể hiểu về ông bà, tổ tiên của chúng”.

Đánh giá về những đóng góp của già làng Y Xuyên trong bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, bà H' Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết: “Già làng Y Xuyên là nghệ nhân ưu tú đa tài, có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nghề truyền thống dân tộc M’nông ở địa phương. Nhờ uy tín, tài năng và trách nhiệm, già làng Y Xuyên đã nhiều lần được đại diện cho địa phương tham gia các cuộc thi, hoạt động văn hóa-văn nghệ do tỉnh, khu vực tổ chức và đạt nhiều giải thưởng”.

Đặng Dương - Y Sơn