Số hóa 3 làng cổ ở Bắc Bộ để phát triển du lịch

Theo đó, lễ bàn giao mô hình số và ký kết hợp tác giữa Trường đại học Xây dựng Hà Nội và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển Portcoast, vừa diễn ra mới đây.

Đường vào làng Nôm (Hưng Yên). Ảnh: VOV.

Ba ngôi làng cổ được xây dựng mô hình số và vũ trụ ảo (metaverse) gồm có: làng Cựu (Phú Xuyên, Hà Nội) với kiến trúc pha trộn kiến trúc Châu Âu và bản địa, có nghề may complet nổi tiếng; làng Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên) được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia; làng Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) là làng gốm cổ có lịch sử 700 năm.

Xem thêm: Sứ mệnh chấn hưng văn hóa dân tộc

Các ngôi làng này đều đang đối mặt với các vấn đề như sự xuống cấp và hoang hóa của quỹ di sản, các hoạt động du lịch đã hình thành nhưng chưa thu hút du khách. Do đó, các tài nguyên du lịch chưa được khai thác xứng với tiềm năng, đóng góp thỏa đáng vào phát triển kinh tế địa phương.

Portcoast đã xây dựng mô hình số và công nghệ metaverse với mong muốn bảo tồn và phát huy tiềm năng của các ngôi làng đặc biệt này.

Trên nền tảng Cloud-Based 3D/360, các dữ liệu ghi nhận chi tiết về hiện trạng công trình, tạo không gian ảo chân thực mô phỏng các khu vực.

Qua ứng dụng metaverse, du khách có thể dễ dàng thực hiện các chuyến tham quan ảo. Các hướng dẫn viên ảo sẽ cung cấp thông tin chi tiết về lịch sử, văn hóa điểm đến, tạo hành trình du lịch cá nhân hóa dựa trên sở thích và yêu cầu cụ thể với kịch bản trải nghiệm phong phú.

Việc áp dụng thí điểm số hóa 3 làng cổ còn được kỳ vọng sẽ trở thành các mô hình mẫu, có giá trị triển khai nhân rộng khắp vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần bảo tồn quỹ di sản văn hóa, và thực hiện thành công Chương trình 922 phát triển du lịch nông thôn cũng như Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Xem thêm: Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam sẽ thay đổi tình hình địa chính trị thế giới

Vùng đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 7.500 làng truyền thống với khoảng 1.500 làng nghề, 11 nhóm nghề, trong đó 810 làng nghề được công nhận. Các làng truyền thống chứa đựng di sản văn hóa phong phú, đa phần là di sản của dân gian. Các di sản dân gian này cũng được nhận diện là tài nguyên để phát triển du lịch nông thôn, giúp phát triển kinh tế địa phương, thu hẹp khoảng cách đô thị và nông thôn, giảm tải áp lực lên các khu vực đô thị.

Thủy Tiên