Những chiếc bánh mì của tuổi thơ

Bánh mì là món ăn bình dân, quen thuộc với nhiều người. Ảnh: V.M.

Thi thoảng tôi trở về thăm xóm cũ, có dịp nhìn lại con đường nhỏ, con đường với những gánh, những xe bán thức ăn sáng cho thằng học trò tiểu học 50 năm về trước. Trong những gánh hàng rong này, tôi nhớ nhất gánh bánh mì của bà Tư Móm. Tôi lớn lên và già đi cùng với ổ bánh mì xóm nghèo Chợ Lớn.

Bà Tư Móm bán bánh mì gánh, ngồi bên bà bán bánh hẹ. Bà Tư Móm đã móm, lại còn ăn trầu nên cái miệng đỏ lạch, trông rất sợ nhưng không vì thế mà làm nản lòng ăn bánh mì của tôi. Với năm cắc tôi ăn khúc bánh mì bì, một đồng ăn bánh mì cá mòi, hai đồng thì ăn bánh mì xíu mại (cái này thì rất họa hoằn).

Xem thêm: Lê Như Hổ đi sứ Trung Quốc, ăn hết mâm cỗ cao 18 tầng

Mỗi khi thấy bà lấy khúc bánh mì trên cái vỉ than nhỏ để giữ bánh mì luôn nóng, cặp mắt tôi hau háu nhìn vào cái bàn tay gầy đét, lòi những gân xanh, cắt ổ bánh mì ra làm hai, rồi xẻ dọc nhét vào chính giữa ổ bánh mì những thứ “làm mồi” cần thiết.

Phải công nhận rằng bánh mì bán trên đường phố khá mất vệ sinh. Những ổ bánh mì được chuyển từ những bàn tay trần của công nhân làm bánh mì, từ lò điện, lò than hay lò thùng phuy vào những chiếc cần xé. Và rồi những chiếc cần xé này được chuyển đi bằng xe đạp hay xe gắn máy đến những xe đẩy hay gánh bánh mì lề đường.

Những người bán hàng bình dân như bà Tư Món đã đếm, thối tiền và làm một số việc khác khi cầm ổ bánh mì, còn ổ bánh mì đã vướng ít nhiều bụi đường được bán cho người mua. Bây giờ có bao nylon thì còn đỡ, chứ những nơi bán dùng báo giấy, giấy tập, những trang sách gói bánh mì cho khách còn dơ đến mức nào nữa.

Tôi nhớ mình đã đọc được những truyện cười, bài thơ, câu chuyện hay từ những mẩu giấy gói bánh mì, vừa “thổi kèn acmonica” vừa đọc chữ chẳng phải tiện cả đôi đường hay sao? Có khi trên tờ giấy gói bánh mì tôi đọc được bài thơ hay về tình mẫu tử, quê hương, cũng có khi gặp phải những bài viết về bệnh tiêu chảy và cách phòng ngừa là đừng ăn thức ăn mất vệ sinh.

Xem thêm: Bến Tre đầu tư 12 tỷ đồng để nâng cấp Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định

Nhưng sao mà lạ. Hồi nhỏ tôi không cảm nhận được sự mất vệ sinh đó, vì bản thân mình cũng chẳng vệ sinh gì, miễn là có khúc bánh mì xíu mại ngon tống vào mồm là được rồi. Tôi nói mà không nghi ngờ gì rằng những cư dân lao động, những thằng nhỏ thò lò mũi dãi trong những con hẻm nghèo Chợ Lớn không biết đến phở là gì, nhưng bánh mì là món không thể thiếu trong mỗi buổi sáng, xế trưa hay tối.

Đơn giản vì bánh mì là món rất rẻ tiền mà lại dễ ăn. Có tiền ta ăn bánh mì kẹp chả lụa, thịt ba rọi bó xắt mỏng, xíu mại, cá. Khi nghèo chỉ cần bánh mì bì nước mắm chua ngọt…

Nhưng khi ăn bánh mì dạng này không thể không có “phụ tùng” là dưa leo, hành, ngò (rau mùi) và nhất là đồ chua làm từ cà rốt và củ cải trắng. Thiếu mất đồ chua là mất một phần cái ngon lành, làm đậm đà hương vị của ổ bánh mì.

Thậm chí có khi tôi còn mua bánh mì không kẹp với đồ chua chan nước tương, dù không phải thiếu tiền để ăn ổ bánh mì hoành tráng. Lee’Sanwich ở Los Angeles (Mỹ), tiệm bánh mì người Hoa ở quận 13, đối diện siêu thị Tang Frere (Paris), những tiệm bánh mì ở khu footcray (Sydney)… đều không thể thiếu đồ chua trong bánh mì.

Ngoài ra bánh mì còn có thể dùng để… nhúng vào nước lèo hủ tíu, nước phở, nước bánh canh… hoặc chấm với cà phê sữa, cà phê đen, mà ngon lành hơn cả là chấm với sữa đặc có đường. Còn khi đời héo thì chai nước tương cũng dễ đẩy bánh mì vào miệng.

Bánh mì có thể kẹp với chuối già. Cùng đời lắm thì ăn bánh mì không mới ra lò cũng ngon. Về xóm cũ, gánh bánh mì bà Tư Móm không còn, nhưng xe bánh mì của chị Hai Sún coi như là bánh mì “gia truyền” . Vẫn theo thói quen thời còn nhỏ, tôi đến xe bánh mì chị Hai Sún mua một ổ bánh mì không, xin miếng đồ chua và xịt vài giọt nước tương cho nó mềm mại ổ bánh mì. (Phải công nhận chị Hai theo thời đại đeo bao tay nylon cầm ổ bánh mì, vệ sinh hơn bà Tư Món nhiều).

Chỉ năm nghìn một người ăn có thể no. Đôi khi tôi lại lò bánh mì ở đường Trần Quang Khải mua một ổ bánh mì mới ra lò, còn nóng hôi hổi, thơm lừng mùi bột cũng chỉ 5.000 đồng. Đứng ăn ngay tại chỗ còn có thể thưởng thức cách người thợ lấy bánh mì ra từ lò. Ăn không, bánh mì vẫn không mất vị ngon của nó.

Bánh mì được lòng người dân ở chỗ đó. Già trẻ, đứng ăn, ngồi ăn, vừa đi vừa ăn cũng được. Chẳng ai chấp nhất ăn bánh mì có đúng kiểu Tây trong nhà hàng hay không? (Mà tôi có cảm giác là bánh mì cầm nguyên cả ổ mà ăn thì ngon hơn bánh mì xắt ra từng lát?).

Vốn dĩ nó đã như thế vì nó là Bánh mì Sài Gòn!

Lê Văn Nghĩa/ NXB Trẻ