Người trẻ làm thiện nguyện

Gieo ước mơ, gặt diệu kỳ

Trong cuộc sống xã hội với nhiều mảng màu trầm buồn, những người trẻ làm việc thiện đã và đang tô thêm những sắc màu tươi sáng. Các hoạt động trở thành trào lưu, thậm chí định hình “cách sống” của nhiều bạn trẻ. Song song với việc không ngừng phát triển bản thân, các bạn trẻ còn học cách “cho đi” thông qua những hoạt động thiện nguyện lành mạnh, ý nghĩa.

Thành viên dự án thiện nguyện Shooting Star trao quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn xã Quý Quân (Yên Sơn).

Xem thêm: Tập đoàn TH hỗ trợ kịp thời, thiết thực tới đồng bào vùng lũ

Chương trình Trung thu yêu thương của Báo Tuyên Quang năm nay tiếp tục nhận được sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ, mạnh thường quân trong đó có nhiều mạnh thường quân rất trẻ. Đặc biệt hơn, sự tham gia của các bạn trẻ Gen Z chủ nhiệm dự án Shooting Star với khẩu hiệu “Gieo ước mơ, gặt diệu kỳ” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho ban tổ chức chương trình cũng như địa phương nơi các bạn đi qua.

Dự án Shooting Star với 5 thành viên đều là các em học sinh lớp 10, lớp 11 tại 2 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu hướng đến các em nhỏ vùng sâu, vùng xa tại Tuyên Quang, các thành viên đã cùng lập nhóm, lên kế hoạch cho nhiều hoạt động như tổ chức các buổi giao lưu ngoại khóa, bồi dưỡng kiến thức tiếng Anh, âm nhạc; kêu gọi gây quỹ, trực tiếp trao quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn; lên kế hoạch giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt bằng những hoạt động thiết thực.

Tống Ngọc Minh Nhi, cô bé có dáng người nhỏ nhắn hiện đang học lớp 11 Anh, trường THPT Chuyên là người sáng lập dự án. Em bảo rằng, khi đến những vùng đất lạ, đường đi lại khó khăn, thân thể mệt nhoài, nhìn thấy những khuôn mặt sáng, hồn nhiên, vô tư của các em thiếu nhi mọi nhọc nhằn nhanh chóng qua đi. Đặc biệt khi nghe những câu chuyện, những hoàn cảnh, thân phận đáng thương chúng em thấy những món quà được trao đi thật sự ý nghĩa.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phương Hưng (Hà Nội) phối hợp với các nhà thiện nguyện tại Úc và Ninh Bình trao hỗ trợ cho gia đình bà Trần Thị Ân, thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn).

Xem thêm: Sức mạnh nỏ thần

Cả gia đình tham gia chống lũ, hỗ trợ người dân vùng lụt là câu chuyện lan tỏa trong những tháng ngày mưa lũ vừa qua. Đỗ Trần Diễm Mai, du học sinh Đại học BGE, Hungary trở về gia đình tại Tuyên Quang đúng những tháng ngày mưa lũ. Sau khi chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, đồ dùng, thuốc men cho mọi thành viên trong gia đình sẵn sàng "vượt lũ", em cùng với các anh chị em trong gia đình đã tích cực tham gia vận động kêu gọi ủng hộ bà con vùng ngập tại địa phương, tham gia hướng dẫn, hỗ trợ tích cực cho các đội cứu trợ đưa hàng đến đúng địa chỉ, đúng người cần. 1 tiếng trước khi ra sân bay lên đường đi du học, mồ hôi vẫn chảy trên gò má cô gái tất bật bê từng thùng hàng cứu trợ. Với em, thiện nguyện là nơi thấy "ấm áp tình người, chan chứa sự san sẻ và ngập tràn tình yêu thương".

Thiện nguyện từ trái tim

Trong suy nghĩ của nhiều người trước đây, các nhà hảo tâm, những mạnh thường quân thường là người đã đứng tuổi, có kinh tế ổn định nhưng giờ đây không còn ranh giới, tuổi tác giữa những người làm thiện nguyện. Sự xông xáo, nhiệt tình tham gia công tác thiện nguyện của những người trẻ mang lại làn gió mới với những cách làm mới đầy nhiệt huyết, độc đáo nhưng vô cùng hiệu quả.

Tuyên Quang vừa trải qua những ngày khó khăn sau trận lũ lịch sử, thiệt hại do lũ gây ra không thể đong đếm. Thế nhưng, khi cơn bão lũ đi qua cùng những hoang tàn để lại, Tuyên Quang cũng lại là nơi đón nhận ấm áp tình người. Những đoàn xe thiện nguyện từ khắp mọi miền đất nước không quản ngại đường xá đến từng hộ gia đình để chia sẻ với bà con vùng khó. Đó là các bạn trẻ từ miền Nam xa xôi, từ TP. Hồ Chí Minh, thậm chí là các bạn đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài đã đi một hành trình rất dài khi thì trên xe, lúc thì đi bộ, đi thuyền để mang từng món quà từ tiền mặt, gạo đến chăn ấm đến những hộ bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ. Đó là những hành động thiện nguyện thực sự xuất phát từ trái tim.

Trận lũ lịch sử cũng khiến nhiều xe máy bị ngập nước khiến phương tiện hỏng hóc, Hội Kỹ thuật xe máy các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Hà Nội với trên 30 thành viên đã đến Tuyên Quang cứu trợ, sửa chữa miễn phí xe máy bị ngập nước. Tất bật công việc, mồ hôi túa ra từ những người thợ sửa chữa lành nghề, xung quanh là những ánh mắt hy vọng và đầy biết ơn của người dân vùng lũ đi qua. Đó thật sự là thành quả ngọt ngào của những người gieo nhân lành làm thiện nguyện.

Nhiều bạn trẻ tham gia sửa chữa xe máy miễn phí cho người dân vùng ngập lụt trên địa bàn
thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn.

Anh Nguyễn Ngọc Khánh, phụ trách đội Kỹ thuật xe tỉnh Hòa Bình cho biết: “Tôi thấy việc thiện nguyện không nhất thiết phải là ủng hộ về tiền bạc mà đôi khi nó là những công việc trực tiếp, sát sườn, thiết thực giúp đỡ bà con vùng khó. Dựa vào năng lực của bản thân để làm thiện nguyện chắc chắn cũng là việc ý nghĩa hơn cả. Chúng tôi không giàu có về tiền bạc nhưng giàu sức khỏe, tay nghề”. Khi đọc được những dòng kêu gọi như “khó khăn lớn nhất của chúng tôi là phương tiện của bà con hư hỏng nhiều mà lực lượng sửa chữa mỏng, vẫn còn hàng trăm chiếc xe hỏng chìm trong vùng ngập sâu...” khi ấy chúng tôi nghĩ rằng có thể làm điều gì đó để giúp đỡ, và một nhóm trên 30 thành viên tình nguyện đã ra đời.

Mỗi người có một cách làm thiện nguyện khác nhau thế nhưng xuất phát từ tấm lòng, làm việc thiện bằng cả trái tim là điều các bạn trẻ hướng đến. Em Nguyễn Thu Thảo, xã Trung Môn (Yên Sơn) hiện là sinh viên năm cuối trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã cùng với các bạn trong lớp thực hiện các bức tranh chân dung bằng đinh chỉ để bán gây quỹ. Với số tiền trên 3 triệu đồng, em cùng các bạn đã thống nhất ủng hộ cho bà con vùng lũ ở Tuyên Quang. Em bảo rằng, làm thiện nguyện bằng cả trái tim không chỉ mang lại niềm vui, tiếp thêm động lực cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là cách tạo ra những “hoocmon hạnh phúc” giúp người trẻ chúng em cảm thấy dễ chịu, tích cực, vui vẻ hơn. Đó là ý nghĩa thực sự của sự cho đi”.

Ai đó đã nói rằng, mỗi một chuyến đi lại là một hành trình để các bạn trẻ làm dày thêm vốn sống, học được thêm nhiều kiến thức ngoài sách vở. Thật sự, hành trình thiện nguyện của những người trẻ không chỉ giúp các bạn có thêm trải nghiệm mới mà còn để các bạn thấy những khó khăn, vất vả, những hoàn cảnh cùng cực xung quanh. Từ đó tăng khả năng thấu cảm, phấn đấu sống, học tập, rèn luyện tốt hơn và có cái nhìn khách quan, bao dung hơn với cuộc đời.

Thùy Lê