Người thương binh hơn 30 năm 'dâng mật ngọt cho đời'

Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển ong miền núi Thanh Xuân hiện có hơn 500 đàn ong, thu hơn 15 tấn mật và sữa ong chúa chất lượng cao. Ảnh: Thanh Xuân

Năm 1970, anh thanh niên Phạm Thanh Xuân lên đường nhập ngũ. Nhỏ người, nhanh nhẹn và rất khéo léo, sau 3 tháng huấn luyện, anh được nhận vào đơn vị lính thông tin, hành quân vào Nam chiến đấu.

Ðã nhiều lần Phạm Thanh Xuân đội pháo để nối thông mạch máu thông tin, phục vụ chỉ huy chiến đấu, nhưng trong trận đánh ác liệt tại thị xã Kon Tum, Phạm Thanh Xuân bị sức ép và mảnh pháo giặc cướp đi thị lực của đôi mắt, cánh tay trái cụt đến khuỷu và nhiều mảnh đạn nhỏ găm khắp cơ thể.

Xem thêm: Truyện ngắn: Một ngôi sao băng

Sau thời gian điều dưỡng, người thương binh hạng 2/4 trở về làng, gia cảnh lúc ấy chỉ có căn nhà tranh cũ nát, vợ yếu, con nhỏ.

Thương binh Phạm Thanh Xuân nghĩ: "Ðã từng đối mặt với bao gian khổ ác liệt, bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh để đất nước thanh bình, chẳng lẽ lại khoanh tay cam chịu nghèo đói?". Bao nhiêu câu hỏi bật lên trong đầu người thương binh, cần có lời giải.

"Nhưng cuối cùng, cái chất lính không ngại khó ngại khổ, không bó tay trước hoàn cảnh, đã giúp mình vượt qua tất cả" - ông Phạm Thanh Xuân kể lại về thời điểm cam go, thử thách ý chí, bản lĩnh người lính trên trận tuyến mới.

Người thương binh "bén duyên" với mật ngọt ong rừng

Ðang ở thị tứ Xuân Quang (Bảo Thắng, Lào Cai), ông Phạm Thanh Xuân quyết định chuyển gia đình về vùng núi thôn Nậm Lúc I, xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai).

Ai cũng bảo ông Xuân là người gàn, tính quẩn. Ngay cả vợ con lúc đó cũng chưa thông, "người ta từ rừng ra phố không được, mình thì làm ngược lại".

Nhưng Phạm Thanh Xuân đã tính rất kỹ, sẽ thoát nghèo, đói và làm giàu bằng chính những gì mình đang có, đó là đất đai và sự tính toán, sáng tạo của người lính từng vào nơi tên rơi đạn lạc, không sợ khó khăn, thử thách.

Vùng đất nơi quê mới, tuy xa trung tâm phố huyện, nhưng núi đồi bát ngát, thỏa sức trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng.

"Lấy ngắn nuôi dài" - thương binh Phạm Thanh Xuân quy hoạch làm trang trại, chỗ đất thấp, có nước thì trồng lúa, ngô, đào ao thả cá để bảo đảm nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho gia đình; nơi đất cao thì kiên trì trồng dần cây ăn quả vải, nhãn, xa hơn thì khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên và trồng keo lai, bạch đàn cao sản.

Tận dụng những bãi cỏ dưới tán cây rừng, ông Xuân nuôi trâu, bò, dê để tăng thu nhập, tích lũy vốn để mở rộng sản xuất.

Ðất không phụ công người cày xới chăm bẵm, đem lại nguồn thu cho gia đình ông dần thoát nghèo, tạo được vốn.

Thương binh Phạm Thanh Xuân không xây nhà, mua tiện nghi đắt tiền ngay, mà tính toán đầu tư sao cho hiệu quả, bền vững để làm giàu hơn.

Lần ấy, về nhà người bạn chiến đấu cũ ở Thái Bình, ông được nếm thử món bánh mì chấm mật ong miền biển. "Sao mà ngon ngọt, lại thơm đặc biệt thế nhỉ?" - nghĩ xong bật ngay thành câu hỏi người bạn, được bạn cho biết là do ong hút mật hoa sú vẹt vùng bãi bồi ven biển. Ý tưởng lóe lên trong đầu người thương binh Phạm Thanh Xuân, ông nhờ bạn dẫn đi tham quan một số mô hình nuôi ong, rồi tìm đến Công ty ong Trung ương xin tài liệu, học kỹ thuật nuôi ong, nhân đàn, quay mật, phòng chống bệnh..., quyết chí làm giàu bằng nuôi ong ngay trên mảnh đất quê hương Bảo Hà bạt ngàn hoa trái của mình.

Ong giống khi ấy rất hiếm, cơm nắm trong túi, bi-đông nước đeo bên mình, thân hình thương tật, nhưng ông Xuân lặn lội khắp các thôn, bản vùng rừng núi Bảo Yên, Văn Bàn săn lùng mua gom những đàn ong lẻ của người dân bắt được. Dần dà, nhân giống lên được hơn trăm đàn ong bản địa, ông cùng vợ con chăm sóc ong cẩn thận.

Mỗi sớm thức dậy, nhìn đàn ong bay rợp một góc đồi hút mật hoa nhãn, vải, lòng người thương binh rộn niềm vui.

Nuôi ong không tốn thức ăn, ít công chăm sóc, đầu tư ban đầu thấp, nên đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Thương binh Phạm Thanh Xuân kiểm tra đàn ong giống ngoại nhập. Ảnh: Quốc Hồng

Từ nuôi ong mở hướng làm giàu bền vững

Bắt đầu từ năm 1993, đàn ong nhà ông Xuân cho thu mỗi năm hơn một tấn mật, trị giá hàng trăm triệu đồng. Con ong bản địa dễ nuôi, nhưng tính hoang dã cao, hay bỏ đàn, thân hình nhỏ nên khả năng hút mật và mang phấn hoa kém nên năng suất mật hạn chế.

Nắm rõ điều đó sau quá trình theo dõi sát sao, ông Xuân quyết thay đổi giống ong, một mình vào miền nam mua 80 đàn ong ngoại mang về vùng núi Bảo Hà.

Rồi, ông Xuân lại tự mình xuống Hà Nội tìm đến Công ty ong Trung ương tập huấn kỹ thuật, xin tài liệu, cộng với kiến thức đọc từ sách báo. Kết quả, ông Xuân đã nhân giống ong ngoại thành công lên hơn 500 đàn.

Xem thêm: Giữ tiền hay đưa cho con cái, câu trả lời của ông lão 75 tuổi gây xúc động

Con ong ngoại thân hình to khỏe hơn nên bay xa, có khả năng hút sâu vào trong nhụy hoa, mang được nhiều phấn hoa, vì thế cho năng suất mật cao gấp bốn đến năm lần ong bản địa, chất lượng mật tốt hơn.

"Chẳng có chiến thắng nào dễ dàng cả, chiến đấu với đói nghèo cũng cần dũng cảm, kiên trì vượt khó, đầu óc tính toán làm ăn hiệu quả nhất" - người thương binh bộc bạch.

Để xây dựng thương hiệu, ông Xuân thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển ong miền núi Thanh Xuân đặt trụ sở ở xã Bảo Hà (Lào Cai), mở rộng qui mô, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đa dạng hóa sản phẩm mật ong, mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh.

Hàng chục năm nay, mỗi năm ông Xuân thu hoạch từ 10-15 tấn mật, năm 2023 thu 15 tấn mật và hơn 100 kg sữa ong chúa, đem về hàng tỷ đồng. Mật ong của Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển ong miền núi Thanh Xuân hoàn toàn là từ hoa tự nhiên.

Mùa ít hoa, ông Xuân thuê người mang ong đến tận những cánh rừng xa tỉnh Đắc Lắc, Bình Phước, rồi Thái Bình, Bắc Giang, Lai Châu, Yên Bái để ong hút mật hoa rừng, không bao giờ cho ong ăn đường, nên sản phẩm mật ong của ông Xuân được người tiêu dùng tín nhiệm.

Ngoài thực hiện quy trình chăm sóc ong ngặt nghèo, ông Xuân đầu tư máy quay ly tâm nâng cao chất lượng mật ong bảo đảm 100% không pha trộn. Ông đăng ký thương hiệu bản quyền với hình thức độc đáo như in ảnh chính mình lên logo sản phẩm nhằm khẳng định chất lượng, uy tín.

Qua kiểm định, những sản phẩm chủ lực của Công ty như mật ong nguyên chất; mật ong phấn hoa sữa ong chúa; phấn hoa và sữa ong chúa… liên tiếp được Bộ Nông nghiệp công nhận sản phẩm nông nghiệp chất lượng vàng Việt Nam.

Tại Hội chợ Vietnam Bestfood tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2007, mật ong Thanh Xuân - Bảo Hà đã giành được Huy chương vàng cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Cơ sở nuôi ong của thương binh Phạm Thanh Xuân đã vinh dự được nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, hai lần đến thăm. Cá nhân ông Xuân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Bên cạnh đó, ông Xuân còn thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Phong nuôi hàng trăm con bò và nuôi hươu lấy nhung, tăng thêm nguồn thu cho gia đình và xã viên tham gia Hợp tác xã.

Ông Phạm Thanh Xuân dán ảnh của mình, kèm địa chỉ lên từng chai mật ong để cam kết chất lượng sản phẩm. Ảnh: Thanh Xuân

Đa dạng hóa sản phẩm mật ong ở Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển ong miền núi Thanh Xuân. Ảnh: Quốc Hồng

Mật ong Thanh Xuân - Bảo Hà đã giành được Huy chương Vàng tại Hội chợ Vietnam Bestfood tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2007. Ảnh: Thanh Xuân

Ngoài nuôi ong, thương binh Phạm Thanh Xuân còn mở trang trại nuôi hươu lấy nhung và nuôi hàng trăm con bò theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Quóc Hồng

Người thương binh nặng nghĩa tình đồng đội, quê hương

Khi chúng tôi đến thăm Công ty, ông Xuân đang tất bật chuẩn bị cho cuộc gặp mặt, kỷ niệm 20 năm "Câu lạc bộ thương, bệnh binh xã Bảo Hà", do ông khởi xướng và là đầu tàu cho các hoạt động.

Ông lập câu lạc bộ này là để những đồng chí, đồng đội của mình giúp nhau sản xuất, xóa nghèo, có điều kiện thăm hỏi, động viên nhau mỗi dịp 27/7 kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ.

"Chiến tranh thật khắc nghiệt, mình còn sống trở về, có cuộc sống như ngày hôm nay là biết ơn và còn nợ những đồng đội đã hy sinh cho Ngày chiến thắng 30/4 nhiều lắm…" - người thương binh nặng nghĩa nặng tình bộc bạch.

Không chỉ làm giàu cho mình, ông Xuân cùng vợ con và Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển ong miền núi Thanh Xuân tạo việc làm cho con em đồng đội cựu chiến binh ở địa phương, chia sẻ và hỗ trợ giống vốn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong, trồng rừng để tạo nguồn thu, nâng cao cuộc sống của bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, dù mất một cánh tay nhưng thương binh Phạm Thanh Xuân vẫn tích cực tham gia công việc ở địa phương. Ông tham gia công tác Hội cựu chiến binh xã, Hội doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Lào Cai với cương vị Phó Chủ tịch Hội.

"Còn sức khỏe, mình tham gia gánh vác công việc chung cũng là đáp lại sự tin cậy của lãnh đạo và quí mến của bà con để cùng chung sức đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, mọi người có cuộc sống no đủ, hạnh phúc" - ông Xuân chia sẻ.

Ông bảo, đó là cách mình tri ân những đồng đội từ quê hương ra đi đã nằm lại chiến trường để giành độc lập, thống nhất đất nước, cho mình và mọi người có cuộc sống hòa bình hôm nay.

Hơn 30 năm lao động, chắt dâng mật ngọt cho đời, ông Phạm Thanh Xuân xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn mà không phế", là tấm gương sáng về người lính Cụ Hồ trên trận tuyến xóa nghèo, vươn lên làm giàu cho bản thân và quê hương Bảo Hà.

Thương binh Phạm Thanh Xuân tặng quà cho các đồng đội nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Ảnh: TL

Tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Ảnh: TL

Quốc Hồng