Ngày hội lớn của các địa phương sắp xếp đơn vị hành chính

Cử tri xã Hồng Lộc (Lộc Hà) theo dõi danh sách cử tri được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn.

Thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 9 địa phương liên quan gồm: thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, Lộc Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Hương Sơn, Hương Khê.

Để việc sắp xếp ĐVHC đảm bảo phù hợp, dân chủ, minh bạch, khách quan, các địa phương tiến hành lấy ý kiến cử tri liên quan. Theo đó, trong 3 ngày (20 - 22/9), 9 địa phương đã tiến hành lấy ý kiến gần 204.000 cử tri về điều chỉnh, mở rộng địa giới ĐVHC thành phố Hà Tĩnh và sắp xếp, thành lập mới các phường thuộc thành phố Hà Tĩnh; sắp xếp ĐVHC đô thị cấp xã thành ĐVHC đô thị cùng cấp hoặc sắp xếp ĐVHC nông thôn với ĐVHC đô thị cấp xã.

Xem thêm: Nhức nhối nạn đổ trộm phế thải trên Đại lộ Thăng Long

Tỷ lệ các cử tri bỏ phiếu tại các địa phương đều đạt từ 99% - 100%.

Từ 6h sáng 21/9, cùng với gần 500 cử tri trên địa bàn thôn, bà Phan Thị Tâm (67 tuổi), thôn 4, xã Bình An (Lộc Hà) phấn khởi đến nhà văn hóa thôn thực hiện quyền cử tri đối với việc lấy ý kiến nhập xã Bình An vào huyện Thạch Hà.

Bày tỏ đồng tình cao với chủ trương lớn, bà Tâm cho biết: “Được sự tuyên truyền, giải thích rõ của lãnh đạo xã, thôn, tôi đã hiểu và rất đồng tình với phương án nhập đã được nêu ra. Hy vọng rằng, sau sáp nhập, xã nhà có thêm điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó giúp đời sống Nhân dân nâng lên”.

Ông Phạm Công Bạn - cử tri thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn đồng tình cao với chủ trương sắp xếp ĐVHC.

Cho ý kiến về việc nhập xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) vào thành phố Hà Tĩnh, từ sáng sớm 22/9, cử tri 8/8 thôn của xã đã tập trung đi bỏ phiếu.

Danh sách cử tri được niêm yết rõ ràng, công khai; bàn hướng dẫn, bàn viết phiếu, bàn viết hộ dành cho những trường hợp đặc biệt, thùng bỏ phiếu, bàn ký xác nhận đã hoàn thành bỏ phiếu… tất cả đều được bố trí bài bản, tạo thành một vòng tròn quy trình khép kín khoa học và nghiêm túc.

Ông Phạm Công Bạn (75 tuổi, người dân thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn) phấn khởi: “Sắp xếp ĐVHC là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và hợp với xu thế phát triển. Đưa Đỉnh Bàn về với thành phố Hà Tĩnh, tôi rất đồng tình và cũng kỳ vọng với sự thay đổi vĩ mô này sẽ giúp người dân địa phương được thụ hưởng nhiều chính sách có lợi, nhiều nguồn lực để xây dựng xã nhà”.

Tại thành phố Hà Tĩnh, việc lấy ý kiến người dân được các tổ tiến hành đưa phiếu đến tận hộ gia đình.

Ông Trần Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Ngày 21/9, thực hiện việc lấy ý kiến cử tri sáp nhập phường Thạch Linh về phường Trần Phú, từ 7h30' sáng, 11 tổ dân phố và 2 khu chung cư trên địa bàn phường đồng loạt tiến hành lấy ý kiến cử tri. Ngoài 2 khu chung cư, cử tri bỏ phiếu tại hòm phiếu văn phòng ban quản trị, 11/11 tổ dân phố đồng loạt ra quân đưa phiếu về tận hộ gia đình. Kết quả, có 6.317/6.317 cử tri tham gia bỏ phiếu (đạt tỷ lệ 100%); sau khi tổng hợp, có 6.030 cử tri đồng ý (đạt tỷ lệ 95,46%), số còn lại không đồng ý hoặc không hợp lệ. Qua nắm bắt tình hình, phần lớn các ý kiến của cử tri đồng tình cao chủ trương nhập; số ít ý kiến không đồng tình bày tỏ sự băn khoăn về tên gọi của ĐVHC mới và luyến tiếc lịch sử lâu đời của phường Thạch Linh”.

Cũng theo ông Quang, sau khi có kết quả ý kiến cử tri, vào sáng 22/9, HĐND phường đã họp và thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phường tiếp tục bám nắm cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân và tuyên truyền, vận động, giải thích để các cử tri chưa đồng tình thấu hiểu, đồng thuận chủ trương.

HĐND phường Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh) đã họp và thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC.

Theo đánh giá sơ bộ từ Sở Nội vụ, việc lấy ý kiến cử tri được các địa phương thực hiện dân chủ, đúng quy trình, quy định, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch. Đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ tham gia giám sát quá trình lấy ý kiến; các đoàn công tác của các địa phương phụ trách các địa bàn cùng về theo dõi quá trình lấy phiếu cử tri.

Trước khi tổ chức lấy ý kiến cử tri, các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ chủ trương, quan điểm, ý nghĩa, sự cần thiết và phương án, đề án sắp xếp. Qua lấy ý kiến, tỷ lệ các cử tri bỏ phiếu tại các địa phương đều đạt từ 99% - 100%; trong số đó, tỷ lệ cử tri đồng ý phương án sắp xếp đều đạt trên 93,7%. Tỷ lệ số cử tri tham gia bỏ phiếu và số phiếu đồng ý cao đã thể hiện tinh thần đồng thuận, nhất trí cao với các phương án sắp xếp được nêu ra. Đặc biệt, cử tri kỳ vọng sau khi sắp xếp ĐVHC, mở rộng quy mô dân số, diện tích sẽ mang lại những cơ hội, nguồn lực phát triển mới.

Tuy nhiên, ở một số địa bàn, một bộ phận nhỏ cử tri còn bày tỏ băn khoăn với việc dôi dư cán bộ, trụ sở vật chất sau sắp xếp; chia sẻ tâm tư, nguyện vọng khi chia tay tên gọi cũ và đề xuất tên gọi của ĐVHC mới; chia sẻ một số khó khăn khi thực hiện một số thủ tục hành chính sau sắp xếp…

Lãnh đạo Sở Nội vụ giám sát quá trình lấy ý kiến cử tri tại huyện Lộc Hà.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo chia sẻ: “Việc lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là nội dung quan trọng, một bước cần thiết để hiện thực hóa đề án sắp xếp đã được tỉnh xây dựng, trình Bộ Nội vụ. Quá trình lấy ý kiến cử tri ở các địa phương liên quan đã được triển khai đúng quy trình, quy định, thể hiện sự dân chủ, minh bạch thông tin. Kết quả lấy ý kiến cử tri đều đạt rất cao thể hiện sự đồng thuận lớn từ Nhân dân. Đây chính là nền tảng quan trọng để việc thực hiện các bước tiếp theo theo phương án sắp xếp được thuận lợi hơn.

Sau khi hoàn thành lấy ý kiến cử tri, hiện nay, HĐND một số xã, thị trấn và một số đơn vị cấp huyện đã tổ chức họp, thông qua, ban hành nghị quyết về việc sáp nhập ĐVHC. Việc họp HĐND các địa phương ở cơ sở sẽ được hoàn thành trước 25/9/2024. Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Nội vụ đang tập trung hoàn thiện hồ sơ đề án, tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền và HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết tán thành về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh theo quy định”.

Phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025

Lộc Hà:

Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Hộ Độ vào thành phố Hà Tĩnh; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số còn lại của huyện Lộc Hà gồm: thị trấn Lộc Hà, Thạch Kim, Thạch Châu, Thạch Mỹ, Mai Phụ, Thịnh Lộc, Bình An, Tân Lộc, Hồng Lộc, Phù Lưu, Ích Hậu vào huyện Thạch Hà.

Xem thêm: Tạo hệ sinh thái nội sinh phát triển du lịch MICE tại Việt Nam

Thạch Hà:

Sáp nhập 11 xã thuộc huyện Thạch Hà vào thành phố Hà Tĩnh bao gồm: Thạch Đài, Tân Lâm Hương, Tượng Sơn, Thạch Thắng, Thạch Văn, Thạch Hội, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Khê, Thạch Hải, Đỉnh Bàn.

Cẩm Xuyên:

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã Cẩm Vịnh và Cẩm Bình vào thành phố Hà Tĩnh.

Thành phố Hà Tĩnh:

Thành lập phường Trần Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Thạch Linh và diện tích tự nhiên, dân số các tổ dân phố 1,2,3,4,8,9 của phường Trần Phú.

Thành lập phường Bắc Hà trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Bắc Hà, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Nguyễn Du và toàn bộ tổ dân phố 6 của phường Trần Phú.

Thành lập phường Thạch Hưng trên cơ sở nguyên trạng của xã Thạch Hưng.

Thành lập phường Thạch Trung trên cơ sở nguyên trạng của xã Thạch Trung.

Thành lập phường Thạch Hạ trên cơ sở nguyên trạng của xã Thạch Hạ.

Thành lập phường Đồng Môn trên cơ sở nguyên trạng của xã Đồng Môn.

Hương Sơn:

Thành lập xã Hàm Trường trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Sơn Hàm, Sơn Trường.

Thành lập xã Long Trà trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Sơn Long, Sơn Trà.

Thành lập xã Châu Bình, huyện Hương Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Sơn Châu, Sơn Bình.

Can Lộc:

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Trung Lộc vào thị trấn Đồng Lộc.

Hương Khê:

Nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Phú Phong; một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Hương Xuân, Phú Gia vào thị trấn Hương Khê.

Thị xã Kỳ Anh:

Thành lập phường Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh trên cơ sở nguyên trạng của xã Kỳ Nam.

Thành lập phường Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh trên cơ sở nguyên trạng của xã Kỳ Ninh.

Huyện Kỳ Anh:

Thành lập thị trấn Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh trên cơ sở nguyên trạng của xã Kỳ Đồng.

Thu Hà