Khúc xạ đời tu chốn thiền môn

Tác giả: Minh Mẫn

ĐỊNH LUẬT SNELL, ánh sáng xảy ra khi đi qua mặt phân cách giữa 2 môi trường trong suốt có chiết xuất khác nhau, ánh sáng sẽ đổi hướng.

Khúc xạ là dùng chỉ hiện tượng ánh sáng khi đi qua mặt phân cách giữa hai môi trường trong suốt có chiết xuất khác nhau.

Xem thêm: Sơn La: Tịnh xá Ngọc Đức (BR-VT) chia sẻ với học sinh, đồng bào khó khăn sau bão số 3

Đây là hiện tượng đổi hướng đi của bức xạ điện từ, hay các sóng nói chung, khi lan truyền trong môi trường không đồng nhất.

Ảnh: St

Vật lý là thế, Tâm Vật tương đồng. Sơ tâm xuất gia hướng đi lâu dài, do sự thay đổi môi trường, sóng tâm cũng bị tác động lệch hướng nếu không duy trì sự kiên cố “sơ tâm ban đầu”.

Một tu sĩ khi tần sóng tâm thức bị dao động từ môi trường bình thường sang môi trường thuận lợi, danh - lợi - tình được kích hoạt, bản ngã trỗi dậy được gọi là khúc xạ tâm lý, sẽ lệch pha tùy góc độ tương phản.

Một tu sĩ học cao hiểu rộng quên sơ tâm xuất gia, quên mục đích ban đầu cầu đạo giải thoát thì:

“Bác văn ái đạo, đạo tất nan hội
Thủ chí phụng đạo, kỳ đạo thậm đại”

(Học rộng mến đạo, đạo ắt khó gặp
Thủ chí hành đạo thì đạo kia rất lớn).

Đây là trường hợp rất phổ biến hiện nay trên người mang quá nhiều danh vị, quyền chức, học thức khoa bảng…thường phát ngôn thiếu chuẩn xác, đôi khi ngược lại giáo lý, giáo luật.

Ví dụ một danh Tăng bảo: Tâm làm gì có Phật, Phật cao thước chín làm gì ở trong tâm; có vị truyền đạt cho nhóm đệ tử trẻ không cần giữ ngũ giới kể cả sát sinh với mục đích để bảo vệ sư phụ. Cũng có học vị Tiến sĩ đồng thuận với Đại Thiên cho là La Hán vẫn còn xuất tinh?

Tiến sĩ xuất thân từ đại học Delhi University suy diễn La Hầu La xuất phát từ sao La Hầu…ôi tu sĩ trí thức Việt Nam ngày nay phải chăng nặng về khoa học vật lý, khoa học thực dụng, thiếu nội hàm nên bị chệch hướng?

Ánh sáng từ mặt phẳng này chuyển sang mặt phẳng khác thường bị khúc xạ, từ không gian chiếu xuyên qua mặt nước, đường đi sóng quang bị lệch, cũng thế, con người từ nghèo đột xuất trở thành giàu có, hay từ giàu có bị trắng tay, tâm lý thường bị thay đổi, cuộc sống từ đó cũng khó giữ trạng thái ban đầu.

Một tu sĩ vào đạo mang bao ước mơ với tâm trong sáng, quyết chí đi đến giải thoát, ra làm đạo được quần chúng tôn kính, vật chất dồi dào, môi trường thuận lợi, pháp sự đa đoan, tham - sân – si xuất hiện, ai đụng chạm đến mình sẽ khó kiềm chế, dù là Tiến sĩ, danh Tăng cũng ăn miếng trả miếng cho hả dạ không khác người thế tục.

Bát Đại Nhân Giác chép: “…quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tự biện tài…”. Người học rộng tăng trưởng trí tuệ mà không hướng nội chuyên tu trở thành một trong bát nạn.

Người xuất gia phải hội đủ 5 yếu tố căn bản:

1). Phát tâm xuất gia, hoài bội đạo cố. (Là Phát tâm xuất gia vì thiết tha với Đạo Pháp)

2). Hủy kỳ hình hảo, ứng pháp phục cố. (Là Xả bỏ hình tướng tốt đẹp để xứng với Pháp phục, Ryonen người Nhật đã hủy nhan sắc để được tu viện nhận cho xuất gia)

Xem thêm: Các đơn vị, tự viện trao quà, học bổng và tổ chức vui Tết Trung thu cho thiếu nhi, học sinh

Ryonen đã ghi lại những dòng hồi tưởng: “Trong khi hầu hạ hoàng hậu yêu quí, ta đã đốt hương để ướp thơm những áo quần tuyệt đẹp của ta. Bây giờ muốn làm một tên ăn mày không nhà, ta đốt mặt ta để được bước vào Thiền viện.”

3). Cát ái từ thân, vô thích mạc cố. (Là Cắt đứt sợi dây ân ái vì không còn thân sơ)

4). Ủy khí thân mạng, tôn sùng đạo cố. (Là Xả bỏ thân mạng vì tôn sùng Đạo Pháp)

5). Chí cầu Đại thừa, vị độ nhân cố. (Là Chí cầu Đại thừa vì cứu độ chúng sinh)

Tổ Qui Sơn cũng đã từng đề cập trong Cảnh sách văn:

“Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiệp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”.

(Người xuất gia là người cất bước đến cõi siêu việt, thân tâm khác tục, nối thạnh dòng Phật, nhiếp phục ma quân, mong đền bốn ơn, cứu giúp ba cõi).

Tu sĩ nhập thế trang bị kiến thức để phục vụ cho hoằng pháp chứ không phải thể hiện bản ngã kiến thức uyên bác hầu phô trương với đời, chứng tỏ hiển thị bản ngã đi ngược lại tinh thần vô ngã của một hành giả.

Ảnh: St

Các bậc Thượng nhân đại sĩ, chí khí kiên cường luôn bảo toàn năng lượng khi gia nhập cuộc sống thế nhân, năng lượng được bảo toàn thì động lượng cũng cũng khó suy giảm, đó là nguyên chất cho dù giao thoa trên mọi mặt phẳng của cuộc sống, ví như nguồn sáng xuyên thấu không gian không có khí quyển cản lực. Sở dĩ các hành giả vượt mọi cám dỗ, thắng mọi chướng duyên do duy trì được sơ tâm ban đầu không bị chệch hướng.

Để giúp cho người sơ tâm xuất gia, thúc liễm thân tâm, Thiền môn chế tạo 24 oai nghi đi đứng nằm ngồi cho hành giả, Sa di phải nằm lòng Tỳ ni nhật dụng; Tỳ kheo, khi Bồ đề tâm tăng trưởng, hành giả luôn thể hiện ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh. Khuôn phép đó giúp cho tâm không rong ruổi theo ngoại cảnh, thân hành được nghiêm trang đạo phong kiên cố. Có ra hành đạo nhập thế cũng nhờ đó mà không bị phàm trần pha loãn, dẫn đi lệch hướng, thể hiện “đường đường tăng tướng dung mạo khả quan”

Trong Kinh Pháp Cú, kệ thứ 9 đức Phật dạy:

“Ai mặc áo Ca Sa
Tâm chưa rời uế trược
Không tự chế, không thật
Không xứng áo Ca sa”

Đi biển không có la bàn, thuyền trưởng dễ bị lạc hướng; tu sĩ không có giáo luật và không nằm lòng giáo lý sẽ đánh mất sơ tâm xuất gia.

Việc này không chỉ thể hiện những ai học cao hiểu rộng, ngay cả những vị có chức sắc trong hệ thống, nếu không tự cân nhắc mình là người xuất gia, ỷ thị quyền hạn, đánh mất lòng từ bi, dễ làm đau khổ đồng đạo dưới tay mình.

Không thấy lỗi mình, chỉ nhắm vào lỗi người với tâm đố kỵ thù hằn tha hồ sát phạt. Có tu sĩ âm thầm khổ đau do bị áp chế trước đây, tuy nhiên bây giờ không nhiều nhưng vẫn là đau khổ đến độ phải gửi y áo để trở lại cuộc sống thường dân hoặc âm thầm ẩn thân nơi non cao rừng thẳm. Cũng ngược lại có vị vì lòng tham muốn chiếm đoạt tài sản, dùng các thủ thuật hành chính để thỏa mãn chiếm dụng cơ sở do người khác dầy công dựng xây.

Do đâu nhân cách như vậy? Chỉ khác thế tục chiếc áo và cái đầu, hành xử do tham - sân - si sai khiến. Có lúc nào đó ngồi tĩnh tâm nhìn lại việc mình làm khổ người để tự ăn năn hay để thỏa mãn tâm đố kỵ?

Buồn thay, vẫn còn có những vị “thuyền trưởng” bị chệch hướng vì không cần đến la bàn, các thủy thủ cũng quên bẵng mục đích vượt khơi. Sự sống luôn biến dịch như dòng chảy con nước, qua đồi núi, sông rạch, môi trường, địa thế luôn thay đổi, tâm không chuyên nhất sẽ bị đổi thay theo thế cuộc, phải chăng làn sóng tâm thức bị khúc xạ trong từng môi trường huyển mộng!

Tác giả: Minh Mẫn (11/9/2024)

Ghi chú: Bài viết thể hiện cách hành văn, nội dung và các ý diễn giải, lập luận theo góc nhìn riêng của tác giả - một tu sĩ Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi chú: Bài viết thể hiện cách hành văn, nội dung và các ý diễn giải, lập luận theo góc nhìn riêng của tác giả - một tu sĩ Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh.