50 nghệ sĩ tham gia vở kịch thực cảnh tái hiện những giai thoại của Đà Lạt

Vở diễn hoạt cảnh Madame Show - Chuyện kể thứ nhất: Những đường chim bay vừa diễn ra tại Đà Lạt. Vũ Trần làm tổng đạo diễn, Trác Thúy Miêu giám sát nghệ thuật và biên kịch. Số đầu tiên của Madame Show có hơn 50 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, mất gần 3 tháng cho việc dàn dựng, tập luyện.

Theo Trác Thúy Miêu, đây là loại hình nghệ thuật thể nghiệm bao gồm kịch nói, kể chuyện, âm nhạc, múa đương đại kết hợp yếu tố hoạt cảnh và hoạt động tương tác trực tiếp với khán giả.

Vở diễn hoạt cảnh Madame Show - Chuyện kể thứ nhất: Những đường chim bay vừa diễn ra tại Đà Lạt.

Xem thêm: Hơn 12 ngàn khách hàng tham gia cuộc thi 'Tiết kiệm điện thành thói quen'

Số đầu tiên Madame Show - Chuyện kể thứ nhất: Những đường chim bay gồm 5 câu chuyện nhỏ. Đó là mối tình định mệnh của vị bác sĩ tài hoa Alexander Yersin với vùng đất cao nguyên thơ mộng, chuyện tình ma mị, day dứt của Mai Nương - Hoàng Tùng bên hồ Than Thở; chuyện tình của cặp đôi Tâm - Thảo gắn với đồi thông hai mộ hay của tình sử của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, của cặp nghệ sĩ Lê Uyên và Phương.

Đặc biệt, trong vở kịch không thể thiếu mối tình huyền sử truyền đời của xứ Thượng, mối tình Lang - Biang (truyền thuyết núi Langbiang của tộc K’Ho).

Năm câu chuyện được nối nhau bằng phần kể chuyện của Trác Thúy Miêu. Ngoài vai trò dẫn chuyện, cô còn tương tác với nhân vật, khán giả và tạo sự kết nối đôi bên.

Một cảnh trong vở diễn.

Theo MC, "chất kết dính" của 5 chuyện tình là tứ "sự trở về của những linh hồn". Cô và các nghệ sĩ muốn đưa người xem vào thế giới huyền bí mà chân thật của chương trình. Vở diễn cũng tái hiện một cách chân thật nhất những lưu dấu gắn với bất kỳ ai yêu mến Đà Lạt như con dốc bậc thang nổi tiếng gắn với địa danh chợ Âm Phủ, những tiếng rao, những món ăn dân dã, những con người làm nên hồn cốt rất riêng của vùng đất này.

Ê-kíp thực hiện Madame Show như câu trả lời cho câu hỏi: "Bạn yêu Đà Lạt nhưng bạn đã bao giờ hiểu Đà Lạt?". Số đầu tiên xoay quanh từ khóa "tình yêu", qua đó giúp khán giả thêm hiểu và đồng cảm những câu chuyện tình sâu đậm và day dứt tại phố sương.

Trong thời gian 60 phút của show diễn, Trác Thúy Miêu cùng ê-kíp phần nào khắc họa 130 năm Đà Lạt theo một cách gần gũi và thu hút qua những chuyện tình.

Dù điều kiện thời tiết không thuận lợi với mưa rả rích, Trác Thúy Miêu cùng dàn nghệ sĩ vẫn tập trung biểu diễn, níu giữ người xem đến phút cuối cùng.

50 nghệ sĩ tham gia show diễn thực cảnh tại Đà Lạt.

Trác Thúy Miêu chia sẻ ở giai đoạn các nền tảng phát trực tuyến như Netflix hay nền tảng nội dung nhanh như TikTok đang được ưa chuộng, cô muốn cho thấy sân khấu cũng có thể làm nội dung nhanh khi gói gọn vở diễn trong 1 tiếng.

"Nhanh nhưng vẫn tình, nhanh nhưng giá trị thông tin, giá trị giáo dục vẫn phải đạt được. Nội dung nhanh ra đời không phải để giết chết nghệ thuật mà để thách thức chúng tôi học hỏi nhiều hơn nữa", MC nói.

Nữ MC bày tỏ mong muốn được kể những câu chuyện độc đáo của Việt Nam đến người dân và du khách, giúp họ thêm hiểu, yêu và gắn bó với mỗi vùng đất.

Xem thêm: Xem clip bắn chun cổ tay để 'đào tạo', tôi kinh hãi khi nữ nhân viên bị nhục mạ

"Tôi còn nhiều câu chuyện muốn kể. Tôi yêu biết chừng nào những câu chuyện quý báu ở nhiều nơi tại Việt Nam mà tôi từng đến, từ câu chuyện của thị dân đến câu chuyện của lịch sử, câu chuyện của thói quen, câu chuyện của đồ ăn thức uống… Kể câu chuyện là một cách để marketing, tiếp thị tinh thần dân tộc, không có cách nào gần gũi hơn thế", cô bộc bạch.

Ngọc Thanh