Hy vọng có thêm nhiều tác phẩm hay về thành phố ngàn hoa

Đề xuất tăng thời gian tổ chức và hoạt động giao lưu, thực tế

Trại sáng tác là hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Đây cũng là hoạt động nhằm thu hút, phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, có quy mô, tầm vóc và tư tưởng lớn.

Trại sáng tác bế mạc sau 1 tuần tổ chức (từ ngày 12 - 19/9).

Xem thêm: Khách hàng cùng SASCO chung tay Ươm mầm nhỏ, vươn khát vọng Xanh

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn học, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó trưởng Ban Tổ chức Trại sáng tác cho biết, Trại sáng tác năm 2024 do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức tại Đà Lạt. Tham gia Trại có 26 nhà biên kịch, đạo diễn sân khấu, điện ảnh, truyền hình; nhà văn; nhà lý luận, phê bình đến từ 17 đơn vị trong cả nước.

Đây là đợt sinh hoạt chuyên môn nghề nghiệp, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng trong lĩnh vực sáng tác kịch bản văn học. Thông qua hoạt động trao đổi chuyên môn, các trại viên càng nhận rõ tầm quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm để tạo ra những vở diễn hay, có sức lôi cuốn, hấp dẫn khán giả. Trong thời gian tham gia trại sáng tác, các tác giả đã sáng tác, hoàn thiện 24 kịch bản sân khấu, tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật.

Trao đổi tại lễ bế mạc Trại sáng tác, PGS, Đại tá, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng, Trại sáng tác đã mang đến cơ hội cho các tác giả hội ngộ trong 7 ngày, tích lũy nhiều giá trị đáng quý. Tuy nhiên, PGS Nguyễn Thanh Tú đề nghị nên tăng thời gian tổ chức trại lên 10 ngày, để các trại viên có thêm thời gian đọc tác phẩm của nhau, giao lưu trao đổi và nắm bắt được nhiều hơn.

Nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương cũng đề xuất, trong thời gian diễn ra trại sáng tác nên có thêm những chuyến đi thâm nhập thực tế, tìm hiểu về văn hóa, đời sống của người dân địa phương để các tác giả có thêm chất liệu sáng tạo tác phẩm.

Một số tác phẩm "thu hoạch" sau Trại sáng tác.

Chờ đợi thêm nhiều tác phẩm hay về Đà Lạt

Lần đầu tiên tham gia Trại sáng tác, nhà văn, nhà báo Lại Văn Long (TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ, Trại sáng tác là nơi các trại viên hoàn thiện tác phẩm, tìm kiếm ý tưởng, lên đề cương cho tác phẩm mới và giao lưu, trao đổi về chuyên môn. Ông Lại Văn Long còn cho rằng, Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung như một phim trường khổng lồ. Tỉnh Lâm Đồng nên có những chính sách thu hút văn nghệ sĩ đến đây sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp của mảnh đất, con người Lâm Đồng.

Nhiều tác giả, trong đó có nhà văn, nhà báo Lại Văn Long, tác giả Nguyễn Thuận (Đà Nẵng), tác giả Trúc Phùng (Gia Lai)… đều cho biết, tham gia Trại sáng tác, các trại viên có dịp lắng nghe, học hỏi từ các bậc đàn anh, đàn chị. Từ thực tiễn công việc của mình và qua những buổi trao đổi chuyên môn tại trại sáng tác này, các tác giả có nhiều chất liệu để sáng tác kịch bản văn học, thông qua đó đấu tranh với cái ác, cái xấu.

Các trại viên thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong lễ bế mạc Trại.

Phát biểu tại lễ tổng kết trại sáng tác, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Tiến Hải cho biết, ông đã cảm nhận không khí vui tươi háo hức khi các trại viên hội ngộ tại trại sáng tác ở Đà Lạt, hoàn thiện tác phẩm và cùng nhau trao đổi chuyên môn. Tham gia trại có những người làm nghề lâu năm và cũng có những gương mặt mới, gương mặt trẻ đang dấn bước vào con đường chuyên nghiệp. Ông hy vọng rằng sau đợt sáng tác này, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tổ chức thêm nhiều trại sáng tác để văn nghệ sĩ giao lưu học hỏi, đặc biệt là có thêm nguồn cảm xúc sáng tạo tác phẩm.

“Đà Lạt có 47 dân tộc anh em sinh sống. Sắc màu văn hóa của TP Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung rất phong phú, đặc sắc. Đã có nhiều văn nghệ sĩ sáng tác về Đà Lạt, về Lâm Đồng; nhiều tác phẩm rất nổi tiếng. Hy vọng rằng văn nghệ sĩ dự trại sáng tác sẽ có thêm những tác phẩm hay về vùng đất, con người nơi đây”, ông Nguyễn Tiến Hải nói.

Xem thêm: 'Đi giữa trời rực rỡ' tập 37: Chải thẫn thờ khi Pu và Thái mập mờ với nhau

Về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trại sáng tác cũng cho hay, các tác phẩm thu về từ Trại sáng tác đã thể hiện niềm đam mê sáng tạo và không ngừng tìm tòi cái mới của các tác giả để có những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở đời sống. Ông Trần Văn Tuấn hy vọng qua trại sáng tác lần này, các tác giả sẽ có nhiều dấu ấn tốt đẹp về mảnh đất, con người Đà Lạt và đây sẽ là chất liệu để các tác giả tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có chất lượng trong thời gian tới.

Hoa -Dương