Gốm Mường, lạ và quen…

Định danh “gốm Mường”

Cuộc trưng bày “Mở xưởng gốm Mường” hồi tháng 8/2024 tại 85 Nhật Chiêu (Tây Hồ, Hà Nội) với hơn 100 tác phẩm gốm Mường đánh dấu thành quả hơn 10 năm tìm tòi và tình yêu với gốm của các nghệ sĩ trong các đợt sáng tác tại Mường Studio.

Hơn 10 năm trước, một workshop quốc tế có tên “Dưới mái nhà sàn” được tổ chức tại bảo tàng Không gian Văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường) ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Trong số hàng chục nghệ sĩ tham gia, có 2 nghệ sĩ làm gốm từ Tây Ban Nha và Mỹ. Để phục vụ cho workshop, một nghệ sĩ đã mang từ Hà Nội lên Hòa Bình một chiếc lò gốm điện nhỏ để nung tác phẩm. Không gian gần gũi với thiên nhiên tại bảo tàng này khiến nhiều nghệ sĩ đặc biệt thích thú. Họa sĩ, nhà điêu khắc gốm Bảo Toàn mới gợi ý với Vũ Đức Hiếu nên tổ chức một trại sáng tác gốm quốc tế. Vậy là, cùng với sự ra đời của Mường Studio, xưởng Gốm Mường ra đời.

Xem thêm: Nỗi đau chẳng của riêng ai

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu tạo tác một tác phẩm gốm Mường

“Muốn làm được gốm thì phải hiểu về nó đã”. Với ý nghĩ ấy, Vũ Đức Hiếu cùng một người bạn là Trịnh Vũ Hiếu đã tìm đến nhiều nghệ sĩ đàn anh học hỏi. Họ từng có những chuyến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu các vùng gốm cổ nổi tiếng khắp cả nước: Bát Tràng, Phù Lãng, Hương Canh, Chu Đậu, Đông Triều, Mường Chanh, Phước Tích, Châu Ổ, Tây Giang; gốm Chăm Bàu Trúc, gốm Biên Hòa Đồng Nai… Để rồi, Vũ Đức Hiếu cùng các cộng sự tại Mường Studio đã tạo nên một chất gốm, một tinh thần gốm rất riêng mà mọi người yêu mến định danh với tên gọi “gốm Mường”.

Gốm Mường có đặc điểm bề mặt thô ráp, chất liệu toát lên vẻ ấm áp. Xương gốm, nhờ sử dụng đất đồi, đất tổ mối, đôi khi kết hợp đất samot và được nung ở nhiệt cao tạo ra bề mặt gốm giàu cảm xúc tự nhiên. Men gốm chủ yếu các gam màu nâu, vàng, chàm, xanh lá, đôi khi được vẽ thêm các họa tiết kỷ hà đặc trưng của mỹ thuật truyền thống người Mường, gần với thẩm mỹ các sắc dân cổ vùng cao Đông Nam Á và Mỹ Latinh.

Theo họa sĩ Hiếu Mường, sở dĩ anh đặt tên xưởng là “Gốm Mường” nó được tạo nên bởi đất và lửa của xứ Mường. Đến hơn 90% nguyên liệu để chế tác gốm và men cùng nhiều loại phụ liệu đều được khai thác tại khu vực bảo tàng Không gian Văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình.

“Từ Mường trong gốm Mường không phải chỉ người Mường mà để chỉ nơi chốn, chỉ một vùng cư trú như một làng, một bản. Gốm Mường dùng để xác định địa danh, cũng như ta nói gốm Phù Lãng hay gốm Hương Canh thôi. Nhiều người vẫn lầm tưởng người Mường với văn hóa cồng chiêng rất nổi tiếng thì hẳn những bộ chiêng đó phải do người Mường làm ra, nhưng không, các bộ chiêng đều do người miền xuôi tạo tác. Cũng như vậy, gốm Mường không phải gốm của người Mường bởi người Mường không có nghề gốm”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu nói.

Vượt qua những “bình lọ thông thường”

Từ chất liệu riêng của gốm Mường, các họa sĩ có thể mặc sức “tung tẩy” sáng tạo. Đến nay, gốm Mường được ra mắt trưng bày, giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật ba lần. Đầu tiên là cuộc triển lãm “Mường Ceramic” tại 83 Xuân Diệu, Hà Nội. Đây là thời kỳ đầu tiên của gốm Mường, tác phẩm là sự kết hợp giữa gốm và những thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ tinh thần cô đọng tối giản, đậm chất triết lý Á Đông.

Xem thêm: Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong xóa bỏ tập tục văn hóa lạc hậu

Các nghệ sĩ sáng tác tại Mường Studio (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).

Năm 2017, workshop “Hội tụ gốm Mường” quy tụ hơn 30 nghệ sỹ, nhà điêu khắc, họa sĩ từ khắp các miền đất nước đến trực tiếp sáng tác, thể hiện với chất liệu gốm.

“Những tác phẩm ra đời trong trại sáng tác mang một tinh thần gốm rất đặc biệt, rất mới nhưng vẫn thật gần gũi và thân thuộc. Gốm Mường được ghi nhận trở thành chất liệu riêng biệt, độc lập tạo nên những tác phẩm điêu khắc với những biểu đạt mà không phải chất liệu nào cũng có được sắc thái ấy”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ.

Đến sự kiện mở xưởng năm 2024 này, trong ba nghệ sĩ thực hành với chất liệu gốm Mường, tác phẩm của họa sĩ Bùi Văn Đạo có chất thô mộc, khỏe khoắn; Vũ Đức Hiếu mộc mạc, tinh tế còn họa sĩ Phan Cẩm Thượng khác biệt với những hình vẽ tỉ mỉ, trau chuốt.

Công chúng tham quan gốm Mường tại 85 Nhật Chiêu (Tây Hồ, Hà Nội).

Theo họa sĩ Trịnh Vũ Hiếu, đất ở khu vực bảo tàng Không gian Văn hóa Mường không phải là đất để làm gốm, tuy nhiên về bản chất, tất cả các loại gốm đều giống nhau về mặt nguyên liệu và hình thức, chỉ có cái khác nhau là tạo hình. Nếu người Mexico thường vẽ lông chim lên gốm, người Trung Quốc thường vẽ tích các truyện cổ thì người Việt hay vẽ hoa sen, vẽ hát quan họ… “Gốm Mường tạo hình bằng cách mang hơi thở của xứ Mường lên tác phẩm. Trong văn hóa truyền thống của mình, người Kinh sáng ra mở cửa thì bước xuống ruộng, người Mường mở cửa thì bước lên núi, đó là sự khác biệt của gốm Mường”, họa sĩ Trịnh Vũ Hiếu nói.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ thêm, gốm Phù Lãng, Chu Đậu hay Phước Tích đều mang đặc trưng riêng của mỗi làng nghề ngoài hình dáng, màu men thì mỗi nơi đều mang tinh thần, nét thẩm mỹ khác nhau. Tác phẩm gốm Mường thường lấy tinh thần cuộc sống của người Mường; của thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, chim muông hay các con vật…

Có thể đó là tác phẩm tạo tác trên bàn xoay hoặc hình thành qua sự gọt sửa trên giá gỗ, gốm Mường mang đến những hình tượng đa nghĩa và sinh động. Mỗi tác phẩm hướng người xem đến một sự liên tưởng riêng, có thể đó là một con voi, một chiếc gùi của đồng bào dân tộc, một thân cây, một chạc gỗ, một đường cong của người thiếu nữ Mường… Bên cạnh đó màu đất sét trắng lẫn màu đất đỏ trong quá trình hỏa biến xen lẫn vào nhau một cách rất tình cờ, ngẫu nhiên mà dường như tác giả không chủ tâm điều chỉnh, chế tác khiến tác phẩm mang đến vẻ đẹp bất ngờ.

Tác phẩm gốm Mường với đa dạng hình dáng, màu men

“Thẩm mỹ riêng của gốm Mường nằm ở phom dáng độc đáo, như chính thế giới đồ vật của người Mường, như một mạch nguồn cảm xúc tự nhiên, vừa có bóng dáng đồ vật, giàu tính biểu hiện phồn thực của cấu trúc sinh học, vừa gợi liên tưởng tới các totem nguyên thủy xa xôi”, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông đánh giá.

Giờ đây, gốm Mường đã vượt qua khuôn mẫu của những bình lọ thông thường để định vị như một dòng gốm nghệ thuật hoặc những tác phẩm điêu khắc trên chất liệu gốm độc bản. Vũ Đức Hiếu cho biết, với nhu cầu hiện nay, các họa sĩ đã làm chủ kỹ thuật để cho ra một tác phẩm tốt, lành lặn. Nhưng cũng giống như câu chuyện người nghệ sĩ Nhật Bản cả đời chỉ chuyên làm một cái chén, để làm chủ trong việc cho ra những tác phẩm như ý thì anh và các đồng nghiệp còn phải tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa. Vẫn là những nguyên liệu đó, phương pháp nung đốt từ nghìn năm… các anh sẽ tiếp nối bằng tinh thần “nâng cấp” dòng gốm từ cổ truyền lên hiện đại.

“Gốm Mường vẫn dựa trên truyền thống, kinh nghiệm ngày xưa nhưng chúng tôi không có ý định lặp lại các cụ, không làm giống y như những gì các cụ đã làm từ hàng trăm năm trước. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng tôi nâng lên thành sản phẩm mới để đưa vào ứng dụng trong đời sống xã hội hiện nay bởi mục đích của gốm đương đại đã thay đổi. Gốm Mường khác biệt, lạ mà quen chính là ở chỗ đó”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ.

Thế Vũ