Giúp người khiếm thị viết nên cổ tích

Cuộc sống của bà Nguyễn Thị Dưỡng đã được cải thiện nhiều từ ngày trở thành hội viên Hội Người mù huyện Gio Linh - Ảnh: T.L

Những ngày đầu thu, không khí lao động tại xưởng sản xuất của Hội Người mù huyện Gio Linh dường như vui tươi, rộn rã hơn. Từ nhiều miền quê trong huyện, các cán bộ, hội viên, người khiếm thị hội tụ về đây để làm hương, tăm tre, chổi đót, xoa bóp, tẩm quất...

Được hội lo ăn ở, lại có cơ hội giao lưu, làm việc với người đồng cảnh, ai cũng mừng. Niềm vui ấy nhân lên khi họ kiếm được đồng tiền từ chính đôi bàn tay mình. Đối với người khiếm thị, đây có thể ví là giấc mơ có thật.

Xem thêm: Tại sao tổ tiên của loài rắn lại mất đi đôi chân sau 26 lần nỗ lực tiến hóa? Sự thật kỳ lạ được tiết lộ!

Giới thiệu với chúng tôi về cơ sở sản xuất, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Gio Linh Trần Thị Quỳnh Ly nở nụ cười ấm áp. Không nhìn thấy ánh sáng từ lúc chào đời, chị Ly hiểu sâu sắc nỗi đau, sự thiệt thòi của người khiếm thị. Một thời, chị từng nghĩ cuộc đời mình không còn hy vọng nào nữa. Mọi chuyện thay đổi từ khi chị Ly gặp và nhận được sự cổ vũ, động viên của cán bộ Hội Người mù tỉnh, huyện.

Đó cũng chính là động lực để chị chuyên tâm học tập, thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học Huế. Sau khi rời ghế giảng đường, chị Ly trở thành cán bộ Hội Người mù huyện Gio Linh như ước nguyện bấy lâu.

“Tôi từng được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để viết nên câu chuyện cổ tích cho cuộc đời mình. Vì thế, bản thân rất mong có cơ hội “chắp bút” cho câu chuyện của những người đồng cảnh khác”, chị Ly nói.

Theo chị Ly, Hội Người mù huyện Gio Linh hiện có 413 hội viên. Phần lớn họ gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi trong công việc, cuộc sống do không có đôi mắt sáng. Trước đây, số lượng người khiếm thị ở huyện có việc làm rất ít . Không kế sinh nhai, cái đói, cái nghèo đeo bám họ và gia đình dai dẳng như một căn bệnh. Đây chính là điều khiến cán bộ Hội Người mù huyện luôn canh cánh trong lòng.

Không chấp nhận thực tế buồn ấy, thời gian qua, cán bộ Hội Người mù huyện Gio Linh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên. Trước tiên, bằng nhiều cách, các cán bộ hội tập trung giúp người khiếm thị thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti.

Những tấm gương vượt lên số phận thường xuyên được hội chia sẻ để truyền cảm hứng, nhân lên nghị lực sống. Không dừng lại ở đó, các cán bộ còn tích cực giúp những người khiếm thị chưa hòa nhập cộng đồng thay đổi suy nghĩ. Cán bộ Hội Người mù huyện Gio Linh đã gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động. Từ đây, nhiều người khiếm thị đã tìm thấy niềm vui ở hội.

Tín hiệu đáng mừng trên thôi thúc cán bộ, hội viên Hội Người mù huyện Gio Linh nỗ lực nhiều hơn. Hiểu người khiếm thị cần gì nhất, các cán bộ hội tập trung nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Xem thêm: Dự báo thời tiết Hà Tĩnh hôm nay 24/9: Trời nhiều mây, mưa to về sáng và đêm

Với sự nỗ lực của hội, các lớp dạy nghề làm hương, tăm tre, chổi đót, xoa bóp, tẩm quất... được tổ chức đều đặn, có hiệu quả. Qua đào tạo, nhiều hội viên đã được lựa chọn, trở thành nhân tố tích cực tại xưởng sản xuất của huyện hội.

Không dừng lại ở đó, được sự giới thiệu của hội, nhiều người khiếm thị đã có cơ hội làm việc tại nhiều địa chỉ uy tín trong và ngoài tỉnh. Một số hội viên đã mở các cơ sở riêng, tạo việc làm cho nhiều người đồng cảnh.

Biết cái khó của hội viên, Hội Người mù huyện Gio Linh tình nguyện trở thành nhịp cầu dẫn vốn. Ngoài những kênh truyền thống, hội tích cực vận động các tổ chức, dự án. Gần đây, từ sự hỗ trợ của Dự án RENEW, nhiều hội viên đã được hỗ trợ vốn sinh kế để phát triển kinh tế gia đình.

Các hoạt động hỗ trợ người khiếm thị vào dịp lễ, tết, khi gặp khó khăn, hoạn nạn được Hội Người mù huyện Gio Linh đặc biệt quan tâm.

Hằng năm, hội vận động hơn 1.000 suất quà cho hội viên, người khiếm thị. Thông qua sự hỗ trợ của hội, hàng trăm người khiếm thị đã được hưởng quyền lợi chính đáng về bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội...

Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Người mù huyện Gio Linh, chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thị Dưỡng, trú tại xã Phong Bình. Bà Dưỡng sinh ra với đôi mắt sáng nhưng rồi mất dần thị lực. Từ đó, cuộc sống của bà lầm lũi trong bóng tối.

10 năm trước, cơ duyên đã đưa bà Dưỡng đến với hội. Từ đây, cuộc đời người phụ nữ này như sang trang. Bà Dưỡng có cơ hội 2 lần phẫu thuật mắt, giúp cải thiện phần nào thị lực.

Đặc biệt, nhờ hội, bà được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nhờ thế, cuộc sống mẹ con bà Dưỡng vơi bớt vất vả. “Tôi đã tìm được niềm vui sống từ ngày đến với Hội Người mù huyện Gio Linh. Hội là mái nhà thứ hai của tôi”, bà Dưỡng chia sẻ.

Ở Hội Người mù huyện Gio Linh, ông Trương Văn Bình, trú tại xã Gio Mai là một trong những hội viên giỏi rất nhiều nghề. Năm 35 tuổi, một trận ốm đã cướp đi đôi mắt sáng của ông Bình. Từ đây, cuộc đời ông rẽ sang hướng khác. Sau ngày đến với hội, những suy nghĩ tích cực mới thực sự trở lại với ông Bình.

“Hội Người mù huyện Gio Linh đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Giờ đây, tôi đã có một công việc để làm, một gia đình để yêu thương và nhiều niềm tin, hy vọng. Đối với tôi, đây có thể ví là một câu chuyện cổ tích có thật”, ông Bình trải lòng.

Cũng như ông Bình, bà Dưỡng, tại Hội Người mù huyện Gio Linh, có rất nhiều câu chuyện cổ tích khác được viết nên sau những khởi đầu buồn. Từ sự nỗ lực của hội, ngày có càng nhiều hội viên bước ra từ bóng tối của sự mặc cảm, tự ti, nghèo khó. Tỉ lệ hộ nghèo trong cán bộ, hội viên Hội Người mù huyện Gio Linh giảm 3 - 5%/năm.

Kết quả đáng mừng ấy chính là niềm vui, động lực để cán bộ hội cố gắng nhiều hơn trong việc giúp người khiếm thị viết nên những câu chuyện cổ tích.

Tây Long