Gánh hàng rong

Tôi đã xa rồi cái tuổi mơn man nhiều hoài bão, nhưng mỗi năm nhìn lá vàng thay áo, lòng lại thổn thức bao ký ức xa xăm. Bóng dáng ngoại Liên cùng gánh hàng rong bên góc nhỏ nơi cổng trường phải chăng là hình ảnh trở đi trở lại trong trí óc.

Gánh hàng rong xuất hiện tự bao giờ luôn là câu hỏi bỏ ngỏ qua từng thế hệ học trò. Cha nói, từ thuở cha còn ê a tập đọc đã thấy bóng dáng ngoại sớm chiều quày quả gánh bưng. Ngày cha là một cậu bé, ngoại Liên độ chừng tuổi tứ tuần. Cha lớn lên rồi chập chững vào đời, bóng lưng của ngoại cũng theo thời gian mà khom thêm chút nữa. Dù ngôi trường từng ngày đổi thay, gánh hàng rong vẫn miệt mài đứng đó từ thời khắc vang lên của tiếng trống khai trường đến ngày bế giảng năm học. Thấy ngoại lầm lũi một thân, biết bao người tò mò về chồng con của ngoại. Như bao người phụ nữ, ngoại đã hạnh phúc chừng nào giữa ngày vui song hỷ. Nhưng tấm chồng thủ thỉ, gánh gồng cùng ngoại chẳng bao lâu đã vội vàng hóa về cát bụi. Tiếc thương chồng, ngoại dành cả lòng thủy chung, chịu sự cô đơn suốt những năm tháng về sau.

Gánh hàng rong của ngoại chỉ vẻn vẹn đôi thúng nhỏ mắc vào chiếc đòn gánh tròng trành trên vai gầy liêu xiêu. Từ bánh kẹo, bút thước đến những món đồ chơi nho nhỏ, tuy không nhiều nhưng đủ đầy được ngoại sắp xếp ngăn nắp. Học trò đến mua, chỉ cần nói tên món hàng, chưa đầy mười giây đôi tay gầy gò đã tìm ra nhanh chóng.

Xem thêm: Nữ ca sĩ góp 92 tỷ đồng từ thiện, cách làm đặc biệt giúp không vướng ồn ào sao kê

Xem thêm: Quốc tế quan ngại về tình hình Trung Đông

Gánh hàng rong trên vai ngoại đôi khi còn có thêm những thức quà quê của ngày mùa. Khi là rổ trâm bầu căng mịn tự tay ngoại hái, khi là chùm ô mai vàng mọng sau hè, có lúc chỉ một nhành chim chim, dú dẻ thơm thơm. Những thứ ấy ngoại luôn hứa sẽ dành tặng đứa nào mang điểm mười đến khoe. Món quà đặc biệt của ngoại Liên làm lũ học trò đều gắng học thuộc bài, xung phong lên bảng để giờ ra chơi được lâng lâng niềm vui sướng.

Dẫu nắng hay mưa, gánh hàng rong vẫn đều đặn một góc. Thương nhất những lúc trời mưa to, dưới chiếc áo tơi từ miếng bao nilon, dáng ngoại gầy gò co ro vì lạnh, đôi mắt kèm nhèm vô định như mong cầu trời nhanh tạnh. Mưa vẫn cứ nặng hạt, lũ chúng tôi thấp thỏm, buồn rầu vì không thể chạy đến cùng ngoại. Giữa tiếng mưa kèm sấm chớp, tôi nghe con Mây hồn nhiên ao ước có thật nhiều tiền để xây một ngôi nhà nho nhỏ trước cổng trường cho ngoại chui vào chui ra mỗi khi trời mưa xuống.

Vài năm sau đó, nhiều hàng quà vặt khang trang mọc lên trước cổng trường. Những món bánh kẹo là lạ, hấp dẫn đôi mắt trẻ thơ hơn. Gánh hàng rong của ngoại Liên vẫn bình dị ngồi đó, nhưng bao khách hàng nhỏ chẳng còn tấp nập. Bóng lưng khòm sát đất, ngoại đi lại khó khăn, hàng hóa chỉ có thể mua đi bán lại nên khó bề hút mắt. Dường như đôi quang gánh cũng già đi theo năm tháng cùng ngoại, tần suất vơi dần rồi từ từ mất biệt.

Chiều nay, ngồi dưới quán cà phê bên đường lặng yên nghe phố thị hát bản tình ca mùa thu, chợt có tiếng rao xa xa của người gánh hàng, lòng bồi hồi về năm tháng xa xưa. Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tự dưng tôi muốn hỏi khắp thế gian “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” để tìm lại những hình ảnh giản đơn mà chắt chiu bao hoài niệm.

LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM