Duyên gốm

Bonsai bén duyên với gốm

Đam mê cây cảnh, bonsai, bắt đầu từ việc tìm kiếm vài chiếc chậu cổ để trồng bonsai, anh Nguyễn Đình Luân đã bén duyên với việc sưu tầm các sản phẩm gốm xưa. Hiện anh sở hữu gần 400 sản phẩm gốm với nhiều kiểu dáng, kích thước. Trong đó, gần một nửa đang được anh trồng cây cảnh. Mỗi chậu gốm góp phần tôn thêm giá trị cây cảnh.

Anh Nguyễn Đình Luân đang xử lý một số cây bonsai vào chậu gốm cổ

Xem thêm: Báo Giác Ngộ số 1271: Dấu xưa Thập Tháp Di Đà

Anh Luân chia sẻ: “Trồng bonsai trong chậu gốm phải chú ý dáng, thế của cây cũng như kỹ thuật. Vì bonsai thường thích hợp với những chậu có miệng rộng và cạn đáy, trong khi chậu gốm xưa thường có lòng khá sâu nên phải chọn những cây có tuổi đời lâu năm mới phù hợp, giá thể đảm bảo thoát nước tốt, không để bị úng rễ”.

Từ khi bonsai bén duyên với chậu gốm, nhiều sản phẩm bonsai của anh được người yêu cây cảnh nghệ thuật tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Lê Trung, Chủ nhiệm Hội quán Cây cảnh thiên nhiên phường Phú Thịnh, cho biết, những cây bonsai đã được tạo dáng cổ thụ, khi đưa lên chậu cổ thì khá phù hợp, giúp tăng thêm giá trị. Hội quán cũng khuyến khích hội viên tìm hướng đi mới để phát triển nghề, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Mỗi sản phẩm một câu chuyện

Càng chơi gốm anh Luân càng đam mê. Anh đặc biệt yêu thích các dòng gốm Nam Bộ xưa. Theo anh, mỗi sản phẩm gốm đều mang một câu chuyện thông qua những bức tranh nổi tiếng, điển tích xưa được người thợ làm gốm thời ấy khéo léo khắc họa trên từng sản phẩm.

Trên mỗi sản phẩm gốm đều mang theo những câu chuyện của thời gian gắn liền với nét văn hóa Nam Bộ xưa

Để có được những món đồ ưng ý, anh phải tìm kiếm từ rất nhiều nguồn khác nhau. Gốm Nam Bộ xưa được lưu giữ ở khắp các tỉnh, thành cả nước. Những người trong hội sưu tầm đồ gốm thường trao đổi thông tin với nhau qua mạng xã hội. Nhiều lần anh lặn lội về các tỉnh miền Tây hay ra tận Thái Bình, Hải Dương để tìm hiểu, xem xét và tự tay mang sản phẩm về. “Theo mình, sưu tầm gốm cổ phải có duyên. Có thể ban đầu người sở hữu không có ý định bán, nhưng khi mình đến tận nơi, anh em gặp nhau tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, mến nhau rồi mới chia sẻ đồ qua lại. Có những món không phải có tiền là mua được” - anh Luân chia sẻ.

Khi chúng tôi đến tham quan bộ sưu tập gốm xưa của anh Luân cũng có vài người đam mê gốm từ tỉnh Đồng Tháp lên chơi. Họ ngắm nghía kỹ và trao đổi với nhau rất lâu về những sản phẩm gốm mà anh đang sở hữu. Một người đàn ông hơn 70 tuổi đam mê sưu tầm gốm nhiều năm chia sẻ: “Chơi gốm là một nghệ thuật và phải có duyên. Tôi mê đồ gốm từ những chi tiết đắp nổi cho đến màu sắc trên thân gốm. Những món còn nguyên vẹn rất có giá trị, quan sát kỹ mình có thể mường tượng ra bàn tay tạo tác từng chi tiết của những người thợ gốm xưa. Thực sự giá trị lắm!”.

Gia tài gốm xưa anh Nguyễn Đình Luân

Gốm là sản phẩm khá bền với thời gian, tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người sưu tầm cất công tìm kiếm những món đồ còn nguyên vẹn cũng là điều không dễ dàng. Sản phẩm gốm lâu năm nhất anh Luân đang sở hữu là 1 chậu trồng hoa khoảng 120 năm tuổi. Hiện chậu gốm này cùng nhiều sản phẩm khác vẫn giữ được màu sắc, hình dáng nguyên vẹn. Để làm được điều này, bản thân người sưu tầm phải học hỏi kinh nghiệm bảo quản hiện vật.

Chiếc chậu gốm 120 năm tuổi được anh Nguyễn Đình Luân nâng niu, gìn giữ - Ảnh: TỪ HUY

Anh Luân cho hay: “Có một số món đồ khi mình đưa về còn nguyên dấu vết thời gian như bụi bẩn, phèn, mốc... Để bảo quản sản phẩm mình phải vệ sinh sạch, chỉ dùng nước và vật dụng cọ rửa nhẹ nhàng, không dùng hóa chất thì mới giữ được men gốm lâu bền”.

Xem thêm: Có một cơ chế nhỏ trong máy điều hòa, bạn có thể biết ngay là nó có thiếu gas hay không, chẳng còn phải lo lắng về việc bị lừa

Đam mê gốm xưa, ngoài sở hữu nhiều sản phẩm có giá trị còn giúp người sưu tầm hiểu thêm về lịch sử của từng hoa văn, hình tượng trên sản phẩm; so sánh được những thay đổi và phát triển của nghề gốm trong nước giai đoạn đầu thế kỷ XX... Có thể xem đây là những hiện vật giúp thế hệ hôm nay phần nào thấy được quá khứ của vùng miền qua sản phẩm gốm vang bóng một thời.

Nam Giao