Cựu chiến binh bán sách để tri ân các anh hùng liệt sĩ tại mặt trận Vị Xuyên

Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979 - 1989), đặc biệt trong giai đoạn từ 1984 - 1989.

Suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng quân ở địa bàn Vị Xuyên ngày đêm anh dũng, mưu trí, kiên cường chiến đấu, quyết tâm giữ gìn từng mỏm đồi, vách núi, điểm cao, với tinh thần "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử".

Thời gian đã lùi xa, nhưng dấu tích của cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và những hy sinh, mất mát để gìn giữ từng tấc đất, từng mỏm đá của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến ác liệt vẫn còn đó.

Xem thêm: Chủ vườn bưởi Diễn thả chó, lắp hàng rào, camera chống 'bưởi tặc'

Bây giờ, Vị Xuyên không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, tâm linh, mà còn có cả những vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, phong tục, tập quán, văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo và tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em cùng sinh sống.

Tập 1 “Vị Xuyên” và tập 2 “Người chiến sĩ năm xưa” của sách: “Chiến binh thời hậu chiến”là tuyển tập những bài viết về người lính Vị Xuyên và Mặt trận Vị Xuyên sau cuộc chiến (1984-1989).

Tập 3 “XUÂN VỀ TRÊN CHIẾN TRƯỜNG XƯA”, là tập hợp những bức ảnh khắc họa đôi nét về sự chuyển mình của một vùng đất hoang tàn do cuộc chiến khốc liệt trên biên giới Vị Xuyên – Hà Tuyên (1984-1989) để lại. Ngày trở về bà con các dân tộc đã ngày đêm nỗ lực lao động, trồng trọt, chăn nuôi, bám đất, bám bản làng.

Trước những khó khăn, thiếu thốn của bà con, những người lính “vào sinh ra tử” trước đây với khát vọng hòa bình, với tình cảm tốt đẹp, chân thành, tấm lòng nhân ái, đã trở lại chiến trường xưa tiếp sức cho bà con, cổ vũ tinh thần, góp thêm tiền, vật chất, để từng ngày, từng năm cuộc sống bà con dần ổn định. Giờ đây, màu xanh của núi rừng đã thay thế “Lò vôi thế kỷ”.

Nụ cười của những đứa trẻ rộn vang bên mái trường khang trang ở nơi trận địa xưa, bên “Thung lũng gọi hồn”. “Ngã ba cửa tử” đã mọc lên những tòa nhà cùng cửa hàng, cửa hiệu san sát bên con đường trải nhựa. Mùa lúa chín vàng trên ruộng bậc thang, mái nhà sàn rêu phong, trang phục sặc sỡ của người Dao, Tày trong mùa lễ hội, đã và đang chào đón du khách thập phương. Thôn bản, bà con đã trở thành những cột mốc biên cương vững vàng. Một Vị Xuyên ngày thêm tươi đẹp và phát triển.

Cuốn sách ảnh này được những người lính cũ thực hiện với mong muốn ghi nhận tình cảm quân với dân, tình yêu thương đồng đội lúc thường cũng như lúc ra trận, trong đó có một gia đình người lính Vị Xuyên đã đặc biệt quan tâm tới bà con nơi biên cương, chia sẻ với đồng đội sau cuộc chiến. Cuốn sách cũng là món quà nhỏ gửi tới những người yêu mến mảnh đất Vị Xuyên - Hà Giang.

Sách gồm 8 phần:

1- CHIẾN TRƯỜNG VỊ XUYÊN (1984-1989)

2- XUÂN VỀ TRÊN CHIẾN TRƯỜNG XƯA

3- NHỮNG CÔNG TRÌNH TƯỞNG NIỆM

4- NGÔI NHÀ ĐỒNG ĐỘI

5- THĂM MẸ

6- CHIẾN BINH GẶP LẠI

7- SẮC MÀU HÔM NAY

8- CỘT MỐC

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Chương trình sẽ bán 400 cuốn sách ‘Xuân về trên chiến trường xưa - tập 3 Chiến binh thời hậu chiến’.

Cựu chiến binh F356 Nguyễn Đức Lưỡng (người thực hiện) và cựu chiến binh F312 Trần Hữu Quân cùng đồng đội và các nhà hảo tâm (tài trợ in và xuất bản) tổ chức chương trình mua sách ủng hộ hoạt động tri ân anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ điểm cao 468.

Theo đó, chương trình sẽ bán 400 cuốn sách ‘Xuân về trên chiến trường xưa - tập 3 Chiến binh thời hậu chiến’ với giá 350.000 đồng/cuốn.

Toàn bộ số tiền bán sách thu được sẽ sử dụng vào mục đích xây dựng và tôn tạo các công trình tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên như Đền thờ các anh hùng liệt sĩ điểm cao 468, Đài tưởng niệm liệt sĩ Minh Tân, Đài tưởng niệm liệt sĩ tại ngã ba thanh Thủy (Cây Hương cầu Sập).

Xem thêm: Dấu gạch nối giữa hiện tại và quá khứ trong nghề xưa của Hà Nội

Số tiền bán sách thu được sẽ sử dụng vào mục đích xây dựng và tôn tạo các công trình tại mặt trận Vị Xuyên.

Hoa Tiên