Có kịch bản hay ắt có vở diễn hay

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: YÊN LAN

Trong khuôn khổ Trại sáng tác kịch bản văn học năm 2024 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL), Sở VHTT&DL Lâm Đồng và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật phối hợp tổ chức tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) - đạo diễn Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương đã chủ trì buổi tọa đàm về đội ngũ các tác giả viết kịch bản văn học, sân khấu, điện ảnh; chất lượng kịch bản hiện nay và một số vấn đề trong việc nâng cao chất lượng kịch bản.

NSND Giang Mạnh Hà cho biết hằng năm, Hội đồng Nghệ thuật thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tiếp cận nhiều kịch bản văn học và vở diễn từ các nơi gửi về dự giải thưởng của hội. Câu hỏi đặt ra là vì sao chưa có những vở diễn thực sự tạo được dấu ấn, để khán giả thích xem và phải xem? Vì sao lâu nay sân khấu không tạo được sự bùng nổ với những vở diễn như thời Lưu Quang Vũ? Có phải chúng ta đang cạn kiệt tài năng, hay gu thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức tác phẩm của khán giả hiện nay đã khác trước? Có phải do kinh phí không cho phép?...

Xem thêm: Ý nghĩa lịch sử của hai chiến thắng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Có kịch bản hay ắt có vở diễn hay!

Theo NSND Giang Mạnh Hà, người viết kịch bản sân khấu phải trả lời các câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Và quan trọng nhất là: Viết như thế nào? “Viết như thế nào” sẽ thể hiện cái tôi, dấu ấn cá nhân của người sáng tạo. “Viết như thế nào” tạo ra sắc màu riêng cho tác phẩm.

Kịch bản sân khấu khác với kịch bản phim truyền hình nhiều tập, bởi chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ phải giải quyết toàn bộ những vấn đề đã đặt ra. Viết như thế nào để khán giả xúc động, chạm đến trái tim họ, đó mới là cái giỏi của tác giả. Kịch bản sân khấu đòi hỏi sự cô đọng, chắt lọc, tinh tế. Cái giỏi của tác giả bắt đầu từ cấu trúc kịch bản.

Là một đạo diễn sân khấu kỳ cựu, đã dựng hơn 200 vở diễn, NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ những kỹ năng sáng tác kịch bản, đồng thời nhấn mạnh: Kịch bản sân khấu phải mang hơi thở cuộc sống, không xa rời những vấn đề của thời đại, không né tránh những vấn đề gai góc.

Tại buổi tọa đàm, nhà báo - nhà văn Lại Văn Long, nhà biên kịch - nhà văn Nguyễn Thu Phương, PGS Nguyễn Xuân Tế (TP Hồ Chí Minh), nhà biên kịch Nguyễn Năng Văn (Quảng Ninh)... đã trao đổi xoay quanh việc sáng tác và nâng cao chất lượng kịch bản.

Xem thêm: Độc lạ chàng trai dùng búa vẽ tranh trên kính

Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương, buổi tọa đàm, trao đổi chuyên môn giúp các nhà biên kịch, đạo diễn sân khấu, điện ảnh, truyền hình và các nhà văn tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng, đồng thời tạo cảm hứng sáng tạo tác phẩm.

YÊN LAN