57 tác phẩm, công trình đạt giải Văn học Nghệ thuật Cố đô Huế lần thứ 7

Lãnh đạo tỉnh trao giải A cho 7 tác giả/nhóm tác giả đoạt giải.

Ngày 18/9, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra Lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII (2018-2023).

Tham dự, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ bảy.

Xem thêm: 5 sân golf đủ mức giá cho cuộc vui từ Bắc vào Nam

Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ bảy tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế với nhiều tác phẩm có chọn lọc cao; có chất lượng nội dung, giá trị nghệ thuật cũng như tính nhân văn sâu sắc, phản ánh chất lượng những đóng góp về sự phát triển của văn học nghệ thuật mà đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu của tỉnh Thừa Thiên Huế đã bồi đắp những năm qua.

Năm nay, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được 244 tác phẩm, công trình của 113 tác giả thuộc 8 chuyên ngành văn học nghệ thuật đăng ký tham dự xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ VII (2018-2023). Qua công tác rà soát, đã có 19 tác phẩm, công trình không bảo đảm các tiêu chí quy định về thời gian công bố, về hồ sơ tác phẩm..., cơ quan Thường trực Giải thưởng đã báo cáo Ban tổ chức Giải thưởng và không đưa vào xét vòng sơ khảo, đồng thời thông báo đến các tổ chức và cá nhân có liên quan được biết.

Trao giải B cho các tác giả/nhóm tác giả đoạt giải.

Xem thêm: Nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân

Kết quả, có 225 tác phẩm, công trình/111 tác giả, nhóm tác giả thuộc 8 chuyên ngành văn học nghệ thuật đủ điều kiện được dự xét tặng giải thưởng vòng sơ khảo. Ban tổ chức giải đã xét tặng 57 đạt giải, bao gồm 7 giải hạng A, 18 giải hạng B, 32 giải hạng C.

Trong đó: Kiến trúc: 4 công trình/1 tập thể, 5 tác giả; Múa: 6 tác phẩm/1 tập thể, 5 tác giả; Mỹ thuật: 10 tác phẩm/10 tác giả; Nhiếp ảnh: 9 tác phẩm/9 tác giả; Sân khấu: 6 tác phẩm/5 đơn vị thực hiện, 1 cá nhân; Âm nhạc: 9 tác phẩm/9 tác giả; Văn nghệ dân gian: 2 tác phẩm/1 nhóm tác giả, 1 cá nhân; Văn học: 11 tác phẩm/11 tác giả.

Theo đánh giá của Ban tổ chức giải, các tác phẩm, công trình sáng tạo, nghiên cứu tham gia giải lần này có những nét nổi trội, mang tính sáng tạo độc đáo; chất lượng của một số chuyên ngành đã nâng lên rõ rệt, như: Kiến trúc, văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu... Đặc biệt, 7 giải hạng A xứng đáng là những tác phẩm tiêu biểu của các chuyên ngành. Các tác phẩm đã tập trung vào mảng đề tài quê hương và con người Việt Nam, con người Thừa Thiên Huế.

“Các tác phẩm được giải thưởng lần này là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó, là quá trình chiếm lĩnh và nghiền ngẫm hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng một cách sâu sắc để thể hiện thành đặc trưng nghệ thuật ngôn từ, hình tượng và tư tưởng theo từng loại hình riêng. Các tác phẩm đều kết tinh được chiều sâu và chiều rộng của hiện thực, tầm cao của tư tưởng triết mỹ…”, Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nhấn mạnh.

Trao giải C cho các tác giả/nhóm tác giả đoạt giải.

Theo ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ 7 có nhiều tác phẩm có chất lượng nội dung giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh đúng thực chất chất lượng của nền Văn học nghệ thuật mà đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu của tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây đắp những năm qua...

Nhiều tác phẩm đạt giải thưởng có nội dung tư tưởng ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước. Đề tài văn hóa, con người xứ Huế, gìn giữ và phát huy giá trị di sản là một trong những nội dung được nhiều tác giả quan tâm sáng tác. Các tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật cho thấy ở Thừa Thiên Huế đang dần hình thành những hướng nghiên cứu mũi nhọn, đặc thù, quy tụ các tác giả ở nhiều thế hệ khác nhau.

Điều đáng mừng là lực lượng sáng tác trẻ tiếp tục khẳng định mình với những gương mặt triển vọng cho nền Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế. Những nhân tố trẻ này đang độ chín, sẽ là mùa quả ngọt của tương lai.

CÔNG HẬU - LÊ CƯỜNG