5 ngôi chùa nổi tiếng ở Nha Trang

Thành phố Nha Trang không chỉ có những bãi biển hay núi đồi xanh tươi, mà còn có các ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng. Những ngôi chùa ở thành phố này thu hút bởi vẻ đẹp của các công trình kiến trúc tôn giáo hòa quyện với vẻ đẹp thiên nhiên, là nơi để tịnh tâm, cầu an cho bản thân và gia đình.

1. Chùa Hội Phước

Chùa Hội Phước tọa lạc tại địa chỉ 126 Hoàng Văn Thụ, Phương Sài, Nha Trang, Khánh Hòa. Ngôi chùa này còn được biết đến với tên gọi “Chùa Cát” do vị trí ban đầu của chùa nằm trên một bãi cát mênh mông.

Xem thêm: 47 năm gia nhập LHQ: Việt Nam không ngừng khẳng định uy tín trên trường quốc tế

Chùa Hội Phước được khai sơn bởi ngài Phật Ấn – Quảng Hiển vào thế kỷ 18. Ban đầu, chùa được xây dựng bằng tranh tại hòn Hoa Sơn (hòn Một) ở Nha Trang. Sau khi ngài Phật Ấn viên tịch, chùa được dời xuống đất bằng và trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng. Đến năm 1994, chùa được đại trùng tu với quy mô lớn và trở thành ngôi chùa uy nghiêm như ngày nay. Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống của Phật giáo Việt Nam, với các hạng mục công trình chính gồm:

Cổng tam quan: Cổng tam quan của chùa được xây dựng theo kiểu cổ kính, với ba lối đi tượng trưng cho ba cửa giải thoát của Phật giáo: Không môn, Vô tướng môn và Vô tác môn.

Sân chùa: Sân chùa rộng rãi, thoáng mát với những cây tùng, cây phượng cổ thụ tạo bóng mát.

Chính điện: Chính điện là nơi thờ tự chính của chùa, gồm ba tầng. Tầng một thờ chư Tổ, tầng hai thờ Phật Thích Ca và tầng ba thờ Phật A Di Đà.

Bảo tháp Liên Hoa: Bảo tháp bảy tầng nằm ở góc phải của chùa, tượng trưng cho sự giác ngộ và giải thoát của Phật giáo.

Bên trong chùa có nhiều tượng Phật quý và di vật lịch sử. Nổi bật nhất là tượng đức Phật Di Lặc bằng đồng nặng 2 tấn, cao 2,5 mét, được đặt ở tầng trên cùng của chùa. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều tượng Phật cổ từ thời Hậu Lê và Minh Mạng, cùng một số chuông cổ có giá trị.

Cổng chùa Hội Phước - Nha Trang. Ảnh: st

2. Chùa Long Sơn (chùa Phật Trắng)

Chùa Long Sơn là ngôi chùa có diện tích lớn nhất (3000m2) trong các chùa tại Nha Trang và cũng là trụ sở của Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Chùa được xây dựng vào năm 1886 và đặt tên là Đăng Long Tự bởi Hòa thượng Thích Ngộ Chí. Tuy nhiên, năm 1990, chùa đã bị một cơn bão làm hư hỏng nặng nên đã di dời đến vị trí hiện nay và đổi tên thành chùa Long Sơn.

Kiến trúc của chùa Long Sơn hết sức độc đáo, sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ được những đặc điểm của kiến trúc những năm cuối thế kỉ 19, với mái ngói lớn, chạm trổ tinh xảo. Ở vị trí chánh điện trung tâm còn lưu giữ 2 cây nến khổng lồ được điêu khắc rồng, hoa sen tinh xảo nặng tới 900kg, cao tới 3,4m - đây là cặp nến đã đạt được kỷ lục Việt Nam tới thời điểm hiện tại.

Quang cảnh chùa Long Sơn. Ảnh: st

Phía dưới đài sen tạc chân dung hòa thượng Thích Quảng Đức và 6 vị hòa thượng đã tự thiêu mình để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo Việt Nam vào năm 1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm. Các pho tượng ở đây đều được làm bằng đồng với trọng lượng hơn 700kg và cao tới gần 2m.

Xem thêm: Báo Người Lao Động trao giải cuộc thi 'Lắng nghe người dân hiến kế' lần 5

Chùa có tượng Kim Thân Phật Tổ đã được công nhận là “tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam”. Từ những ngày đầu mới được xây dựng, bức tượng Phật này được đánh giá là lớn nhất miền Trung. Từ phía xa xa, bức tượng hiên ngang với đất trời, đầy ấn tượng và trang nghiêm.

Tượng Phật được làm bằng chất liệu bê tông, vô cùng lớn, chiều cao là 24m, còn chiều rộng lên đến 10m. Tượng được chính thức khởi công xây dựng vào năm 1964 và hoàn thành năm 1965, do vị Thượng tọa Thích Đức Minh - là Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa vào thời gian đó, kết hợp cùng điêu khắc gia Kim Điền thực hiện. Bức tượng sau gần 1 năm hoàn thành, đã tái hiện hết sức hoàn hảo vẻ đẹp từ bi hỷ xả của Đức Phật Thích Ca, đồng thời mang đến cho ngôi chùa một công trình kiến trúc tâm linh vô cùng xuất sắc.

Tượng Phật tại chùa Long Sơn. Ảnh: st

3. Chùa Linh Phong Nha Trang (Chùa Bửu Phong)

Chùa Linh Phong Nha Trang tọa lạc tại số 20 đường 23/10, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hay còn có tên khác là chùa Bửu Phong, do Thượng tọa Trừng Giác khai sơn vào năm 1974 với khuôn viên rộng nằm bên bờ suối Tiên Du.

Toàn bộ kiến trúc chùa được chia làm 5 cảnh theo “Ngũ cảnh thiền môn”, bao gồm: Cổng Ta Quan, Vườn Lộc Uyển, Chính điện, Quan Âm Các, Điện Quan Thánh. Đặc biệt là, tất cả trụ cột bên trong chùa đều nối với nhau bằng con mộng, không sử dụng một cây đinh nào. Nội thất của chùa làm từ vật liệu gỗ, chạm đục rất tỉ mỉ, trau chuốt công phu với những họa tiết hoa văn, linh vật rất độc đáo.

4. Trúc Lâm Tịnh viện

Trúc Lâm Tịnh Viện tọa lạc trên đảoHòn Tre, thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chùa xây dựng theo kiến trúc chùa chiền miền Bắc vô cùng độc đáo và được khánh thành vào ngày 25/9/2008.

Chùa Trúc Lâm Tịnh Viện được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ “Quốc” đặc thù của chùa chiền miền Bắc với toàn bộ hoa văn tứ linh được làm bằng gỗ lim, bậc tam cấp lát đá Ninh Bình, tượng thờ, hoành phi cùng câu đối bằng gỗ sơn son thiếp vàng.

Chùa thuộc phái Trúc Lâm nên kiến trúc chú trọng sự hài hòa với thiên nhiên, cảnh sắc xung quanh. Điều đó thể hiện ở việc chùa tọa lạc trên núi cao, mặt trước hướng Đông Bắc, nhìn ra biển, mặt sau hướng Tây Nam, dựa vào vách núi. Trúc Lâm sơn trang rộng lớn được chia thành nhiều khu vực khác nhau như: Đại hùng bảo điện, Tây Lang, Hậu Tổ, Đông lan, miếu Địa Tạng, nhà Tăng,…

Nổi bật là tôn tượng lộ thiên Đức Quan Âm Nam Hải với tay trái nâng tịnh bình, tay phải cầm cành dương thanh thoát, hiền từ. Nằm bên phải chùa là Tượng Quan Âm được làm bằng đá bạch thạch Nghệ An cao đến 8m. Bên dưới là chân đài đế tượng có hình ngọn sóng độc đáo cao 4,3m. Tượng Phật cao lớn với mặt hướng ra biển, tỏa ánh nhìn hiền từ xuống nhân gian.

Chính điện của chùa có nhiều bức tượng được chạm khắc tinh tế, đường nét tinh xảo. Khu nội điện thờ những vị thần hộ pháp cho các vị Phật và Bồ Tát như Bát Bộ Kim Cương, Hộ Pháp Khuyến Thiện, tượng Thánh Tăng A Nan, Hộ Pháp Trừng Ác, tượng Đức Ông Cấp Cô Độc. Vào sâu bên trong là khu vực án thờ: Di Lặc, Di Đà Tam Tôn, Tam Thế Phật Thích Ca Tam Tôn, Thích Ca Đản sinh. Tất cả tạo nên sự trang nghiêm, đồ sộ cho ngôi chùa lớn nhất trên đảo Hòn Tre này.

5. Chùa Hải Đức

Chùa Hải Đức - Nha Trang. Ảnh: st

Theo một số lời kể lại, vào năm 1883, chùa Hải Đức chỉ là một thảo am nho nhỏ gọi là Duyên Sanh Tự (hay là chùa Hội) do Ngài Viên Giác Thiền Sư dựng nên. Đến năm 1891, sau khi trải qua một cuộc đại trùng tu, ngôi chùa ở Nha Trang này trở thành một tu viện nghiêm trang và được đổi tên thành Hải Đức Tự.

Khi Bích Không Đại Sư trở thành trụ trì của chùa Hải Đức vào năm 1938 đã nhận thấy rằng chùa đã cũ và xung quanh lại đông đúc nên quyết định di dời. Chùa Hải Đức được di dời đến hòn Trại Thủy và được khởi công xây dựng vào năm 1943. Đến năm 1945, chùa Hải Đức được hoàn thành xây dựng. Hiện nay, chùa Hải Đức chính là Phật Học Viện lớn nhất tại miền Trung.

Minh Khang (sưu tầm/tổng hợp)