Yêu thương còn mãi

BPO - Đến hôm nay, nhiều nơi trong vùng lũ lụt ở phía Bắc, nước đã rút dần. Và khi nước rút đi càng phơi bày ra trước mắt con người những khó khăn chất chồng không biết bắt đầu giải quyết từ đâu. Ven các triền sông, suối hay nơi từng hiện diện những ngôi nhà, lực lượng cứu hộ cùng người dân vẫn cẩn trọng đào, bới tìm kiếm những người mất tích. Nhiều trường học vẫn chưa thể dạy trở lại bởi chưa kịp dựng trường, đóng bàn ghế hay mua sắm, trang bị lại sách vở cho học sinh. Đau thương, mất mát do bão lũ gây ra đối với người dân các tỉnh phía Bắc thật khó nguôi tan. Nhưng dẫu có khó khăn đến mức nào, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn.

Khi phải đối mặt với thực tại, sự bình tĩnh đã dần trở lại thì sự ứng xử với thảm họa do bão lũ gây ra đã được tính toán căn cơ hơn. Những chuyến hàng cứu trợ của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài vẫn hối hả chuyển về vùng lũ để đáp ứng tức thời những nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân. Và kinh nghiệm của người đi trước được truyền lại cho người đi sau, để những món quà, vật phẩm đến được với người dân thực sự hữu dụng. Những người tham gia đoàn cứu trợ không còn cuống cuồng thu gom mì gói, nấu bánh chưng mang về vùng lũ mà đã tính toán vào mỗi thời điểm bà con cần gì. Bây giờ không còn là thức ăn nhanh như lúc nước ngập trắng xóa khiến nhiều vùng bị cô lập. Nhu cầu hiện nay là dựng nhà, vệ sinh môi trường, nước sạch, y tế… để bà con không phải sống cảnh màn trời chiếu đất và có thể bị bệnh tật trong hoàn cảnh ô nhiễm môi trường. Bà con cũng cần từ đôi dép, con dao, cái cuốc đến xoong nồi, giường chiếu, mùng mền… bởi tất cả vật dụng sinh hoạt đã trôi theo dòng lũ.

Xem thêm: Mưa lũ khiến nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, ngập lụt

Phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân do bão lũ trước khi phiên họp Chính phủ, Quốc hội hay các sự kiện chính trị khác bắt đầu, hẳn sẽ ghim vào trái tim, khối óc mỗi thành viên Chính phủ hay đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của bản thân trước nỗi đau của đồng bào. Cùng với cập nhật tình hình khắc phục bão lũ, Đài Truyền hình Việt Nam cùng hệ thống báo chí, truyền thông cả nước đã phát đi các chương trình tọa đàm, đối thoại về tái thiết sau bão lũ, về sản xuất bền vững, sản xuất xanh… để bảo vệ trái đất. Các chương trình nghệ thuật gây quỹ khắp 3 miền đã được tổ chức với cam kết dành toàn bộ kinh phí hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ. Thật xúc động khi nhiều sản phẩm âm nhạc mang tính thời sự có tác dụng xoa dịu tinh thần đã ra đời ngay trong những ngày bão lũ. Đó là MV “Nghẹn ngào tin bão quê nhà” của ca sĩ Nguyễn Phi Hùng với những hình ảnh làng mạc bị tàn phá do cơn bão số 3, là đời sống khốn khó của người dân vùng lũ, là hình ảnh các chiến sĩ, tình nguyện viên và người dân khắp mọi miền Tổ quốc chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn. Tương tự, ca khúc “Sát cánh bên nhau” của ca sĩ Duy Mạnh như một lời kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc trong thời khắc khó khăn. Rồi đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cho ra mắt sản phẩm âm nhạc bằng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên “Mắt bão” hướng tới đồng bào vùng lũ. Tại Bình Phước, nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ đã sáng tác các tác phẩm âm nhạc và nghệ thuật để chia sẻ với người dân đang gánh chịu nhiều đau thương do bão lũ… Tất cả việc làm, trạng thái tinh thần nêu trên đều chứa đựng tình cảm trân quý, sự thương yêu, sẻ chia với cung bậc cao nhất để mong đồng bào mình vượt qua những ngày khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Xem thêm: Khởi động chương trình Giáo dục di sản

Bão tan rồi, nhưng yêu thương còn mãi!

Thảo Linh