Xôi tím Lai Châu - hương vị vùng cao níu giữ bước chân du khách

Tỉnh Lai Châu nằm ở vùng cao biên giới Tây Bắc, nơi đây tập hợp gần 20 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc lại có những nét đặc sắc riêng trong đời sống văn hóa tinh thần. Chính vì vậy mà nền ẩm thực nơi đây rất đa dạng, phong phú với nhiều món ăn nổi tiếng, tiêu biểu như: măng nộm hoa ban, thịt trâu gác bếp hay rượu ngô Sùng Phài, lợn cắp nách… Trong số đó, không thể không kể đến món xôi tím trứ danh. Món xôi mềm dẻo, thơm ngon và có hương vị riêng độc đáo, không bị pha lẫn với các loại xôi khác.

Nếu có dịp ghé thăm các phiên chợ hay các bản làng ở tỉnh Lai Châu, du khách sẽ thấy món đặc sản xôi tím này được bày bán rất phổ biến. Chưa biết xôi có vị thơm ngon ra sao nhưng nó đã thu hút thực khách ngay từ sắc tím đặc trưng. Và dĩ nhiên, nhìn bắt mắt như vậy thì ai chẳng mong muốn được một lần nếm thử món xôi độc đáo này.

Món xôi tím Lai Châu

Xem thêm: Ông Lầu Minh Pó - Người góp phần đẩy lùi hủ tục trong đồng bào Mông ở Thanh Hóa

Món xôi tím Lai Châu được nấu từ loại gạo nếp nương hạt mẩy, đều và to, là loại nếp cái hoa vàng được trồng trên các thửa ruộng bậc thang với công sức chăm bón kỹ lưỡng của đồng bào nơi đây để đảm bảo cho xôi được thơm, dẻo tự nhiên. Trong khi đó, màu tím đặc biệt của xôi được tạo ra từ loại cây khẩu cắm - loại cây rừng đặc trưng chỉ có tại vùng đất Lai Châu. Vì vậy, nếu có dịp đến nơi đây du lịch, du khách hãy thử thưởng thức món xôi này để cảm nhận trọn vẹn nét độc đáo trong nền ẩm thực vùng cao Tây Bắc.

Những người dân địa phương chia sẻ, để làm được món xôi tím Lai Châu ngon đúng chuẩn, ngoài việc chọn gạo chuẩn, người làm xôi cần phải lựa chọn phần lá khẩu cắm không quá non cũng không quá già để giúp màu sắc của xôi được đẹp và bắt mắt hơn. Các nguyên liệu cần thiết còn lại là dừa nạo, muối và đường. Sự kết hợp từ những nguyên liệu đơn giản, dưới bàn tay khéo léo của người nấu xôi đã tạo nên món xôi tím thơm ngon hấp dẫn từ màu sắc đến hương vị.

Các công đoạn nấu xôi tím bao gồm đầu tiên là ngâm gạo nếp trong nước khoảng từ 3 đến 4 tiếng trước khi nấu để xôi chín đều và mềm dẻo hơn. Trong thời gian ngâm gạo sẽ tiến hành sơ chế lá khẩu cắm, bỏ phần cọng, rửa thật sạch rồi cho vào nồi luộc sôi trong 5 phút. Trong khi luộc lá có thể bỏ thêm một thìa muối. Khi tắt bếp, người dân sẽ lọc bỏ phần nước và để nguội lá.

Lá khẩu cắm

Xem thêm: Công bố thêm 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phần gạo đã ngâm xong sẽ tiếp tục được vớt ra và để ráo nước trong vòng 5 phút. Sau đó người dân sẽ tiến hành ngâm gạo với nước lá khoảng từ 1 đến 2 tiếng. Tùy vào sở thích mỗi người, có thể điều chỉnh sắc tím đậm nhạt của xôi. Dừa nạo ra để vào tô và ngâm nước nóng trong khoảng 3 phút, sau đó bỏ vào túi lọc lấy phần nước cốt dừa.

Cuối cùng là công đoạn đồ xôi, người dân địa phương sẽ bỏ phần gạo đã ngâm nước lá vào nồi và nấu lên. Khi nấu cần chú ý điều chỉnh lửa to đều hợp lý để xôi nở và chín đều. Khi xôi đã có độ mềm nhất định thì sẽ cho phần nước cốt dừa vào đảo đều. Đợi 15 phút sau, người dân sẽ bỏ thêm đường tùy vào khẩu vị mỗi người. Chính sự khắt khe và cầu kỳ trong quá trình nấu nướng đã mang lại một đĩa xôi tím có vẻ ngoài ấn tượng và hương vị thơm ngon. Xôi tím chín có sắc tím tự nhiên, những hạt xôi đẹp mắt bóng bẩy và đặc biệt không hề bị dính vào nhau. Xôi tỏa ra hương thơm nức mũi, khiến không một thực khách nào có thể kìm lòng trước món đặc sản thơm ngon này.

Chị Đèo Thị Sinh, một người dân địa phương chia sẻ: “Để nấu được một đĩa xôi tím đúng chuẩn phải trải qua khá nhiều công đoạn. Đặc biệt, để điều chỉnh được màu xôi tím đều không chỉ tùy thuộc vào việc trộn lá cây ít hay nhiều mà còn phụ thuộc vào bí quyết và kinh nghiệm của người nấu. Không chỉ có hương vị thơm ngon và vẻ ngoài hấp dẫn, chất lá cây khẩu cắm dùng để nấu xôi tím còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh đường ruột rất tốt".

Lá khẩu cắm, bỏ phần cọng, rửa thật sạch rồi cho vào nồi luộc sôi trong 5 phút. Trong khi luộc lá có thể bỏ thêm một thìa muối. Khi tắt bếp, người dân sẽ lọc bỏ phần nước và để nguội lá.

Nếu có dịp đến chơi các phiên chợ như Sìn Hồ, San Thàng hay Dào San,... thì hẳn du khách nào cũng sẽ ấn tượng với hình ảnh của những cô gái dân tộc mang theo những gùi xôi xuống chợ bán, điều đặc biệt là xung quanh những cô gái ấy luôn tỏa ra mùi thơm đặc trưng của gạo nếp nương vô cùng hấp dẫn.

Món xôi tím Lai Châu thường được người dân địa phương ăn cùng với cá nướng hoặc thịt, kết hợp với chút rượu cần hay quả khế chua thì càng thêm hoàn hảo. Hương vị béo ngậy, thơm lừng của xôi kết hợp với vị đậm đà của đồ ăn kèm sẽ khiến du khách mê mẩn, không thể cưỡng lại được mà nhanh chóng thưởng thức ngay từ những miếng đầu tiên. Đặc biệt, ăn xôi tím Lai Châu trong tiết trời se lạnh thì lại càng tuyệt vời hơn nữa. Ngoài ra, xôi tím cũng là món ăn tiện lợi, thường được những người dân địa phương mang theo trong những buổi đi làm trên nương rẫy.

Món xôi tím Lai Châu thường được người dân địa phương ăn cùng với cá nướng hoặc thịt, kết hợp với chút rượu cần hay quả khế chua thì càng thêm hoàn hảo.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã được thưởng thức món xôi tím nhiều lần trong những chuyến du lịch lên Lai Châu của mình. Món xôi này có mùi vị rất thơm, ăn bùi và béo khác hẳn với những loại xôi bình thường hay ăn. Ăn bát xôi nóng trong thời tiết se lạnh này thật sự rất tuyệt vời”.

Đối với những du khách đã từng được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và thưởng thức miếng xôi tím dẻo thơm, béo ngậy do chính tay những người dân địa phương làm thì chắc hẳn sẽ không thể quên được hương vị đặc biệt ấy. Nếu có dịp đến Lai Châu du lịch, du khách nên thưởng thức một lần món xôi tím trứ danh này.

T.H