Vọng vang 'Tiếng sấm đầu mùa'

Đó là Khu di tích chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quảng Cung. Cách đây 65 năm (26-9-1959 / 26-9-2024), Tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong (nay là Tiểu đoàn 502, Trung đoàn 320, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đồng Tháp) đã lập nên chiến công hiển hách tại vùng đất này, làm nức lòng nhân dân cả nước.

Trung tá Lê Hoàng Ái Việt, 87 tuổi, phường 6, TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), thương binh hạng 3/4, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 502, một trong những nhân chứng trong trận đánh lịch sử, nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi là chiến sĩ. Chỉ sau 3 ngày đổi phiên hiệu Tiểu đoàn đã đánh thắng trận phục kích vận động trên đồng nước tại Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung”. Cũng theo ông Lê Hoàng Ái Việt, sáng 26-9-1959, có tin báo địch tập trung lực lượng hành quân bằng xuồng tiến vào Giồng Thị Đam theo đường cộ (đường trâu kéo lúa) hòng tìm và tiêu diệt lực lượng của ta. Lúc bấy giờ, Tiểu đoàn 502 có 42 cán bộ, chiến sĩ trang bị thô sơ chủ yếu là súng carbine, trường Mas, Thompson… khẩn trương hội ý, triển khai lực lượng phục kích quyết tâm tiêu diệt địch.

Trung tá Lê Hoàng Ái Việt (bên phải) kể lại trận đánh Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung.

Xem thêm: Đất nước sở hữu ngọn lửa vĩnh cửu cháy 4.000 năm chưa bao giờ tắt, bất chấp mưa gió và tuyết rơi

Do không quen chiến đấu trên đồng nước nên địch chống xuồng khá chậm; chờ chúng lọt vào trận địa, ta đồng loạt nổ súng, tốp đi đầu không kịp trở tay, chết và bị thương vô số từ loạt đạn đầu tiên. Bị đánh bất ngờ địch hoảng loạn, xuồng lật chìm, kêu la thất thanh. Chớp thời cơ, tiểu đoàn tiêu diệt những tên ngoan cố chống cự. “Tôi ở phía trước mũi xuồng, cùng một đồng chí ngồi giữa phụ trách chiến đấu, người còn lại chống sào. Các xuồng chiến đấu của ta lướt nhanh trên mặt nước hướng về mục tiêu, đạn nổ vang rền khiến địch vô cùng khiếp sợ, chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng chỉ sau 15 phút chiến đấu”, ông Ái Việt cho biết. Qua khai thác tù binh, ta biết có một tiểu đoàn địch hành quân tiến đánh Gò Quản Cung. Tiểu đoàn 502 nhanh chóng thu dọn chiến trường, bổ sung vũ khí, đạn dược về Gò Quản Cung cách đó khoảng 3km phục kích đón địch.

Đến 14 giờ, từng tốp xuồng chở quân địch chậm rãi tiến về Gò Quản Cung. Tiểu đoàn kiên nhẫn chờ địch đến thật gần rồi đồng loạt nổ súng tiến công. Trong thế chủ động, thành thạo chiến đấu trên đồng nước, chỉ sau 10 phút chiến đấu ta tiêu diệt tốp đi đầu và giữa; tốp ở sau hối hả quay xuồng bỏ chạy. Trong một ngày, hai trận thắng liên tiếp, Tiểu đoàn 502 diệt 1 tiểu đoàn địch, gồm 1 Đại đội (Tiểu đoàn 2), 1 Đại đội (Tiểu đoàn 3) và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 43, Sư đoàn 23 chủ lực ngụy Sài Gòn, đánh bại cuộc hành quân cấp trung đoàn do Phân khu Bắc tổ chức. “Ta tiêu diệt và bắt sống gần 200 tên, thu hơn 100 súng các loại, 12 máy thông tin và nhiều quân trang, quân dụng. Riêng tù binh được ta chăm sóc, băng bó vết thương; tuyên truyền giáo dục, cảm hóa; trao trả tư trang, cấp lương thực và xuồng, phóng thích tại chỗ”, ông Việt nói.

Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung đi vào huyền thoại lịch sử cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, được ví như “Tiếng sấm đầu mùa” khởi đầu cho phong trào đồng khởi của quân - dân miền Nam vào năm 1960. Để ghi dấu sự kiện lịch sử hào hùng; đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tháng 8-1998, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Đồng Tháp khởi công xây dựng tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung. Tượng cao 25m bằng bê tông cốt thép; bệ tượng ốp đá hoa cương, bên trong trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý về chiến công xưa. Công trình khánh thành ngày 22-12-2000, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 19-1-2004.

Tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung tại xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).

Theo anh Lê Phi Long, cán bộ quản lý khu di tích, mỗi năm có hơn 2.000 lượt khách đến nghiên cứu, tham quan, học tập, nhất là cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và học sinh; đây còn là địa chỉ đỏ để các tổ chức Đảng chọn là nơi sinh hoạt Đảng, giáo dục truyền thống. Anh Long cho biết: “Hiện khu di tích đang nâng cấp chỉnh lý trưng bày, xây cổng rào, hồ Sen và nhà mát… để phục vụ khách tham quan ngày càng tốt hơn. Trước đó, chúng tôi phối hợp với đoàn viên thanh niên xã ra mắt đội hình tuyên truyền viên trẻ và hành trình về địa chỉ đỏ giúp các em học sinh hiểu biết thêm về lịch sử, truyền thống cha ông nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc”.

Gần nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, An Phước - một vùng quê nghèo khó thường xuyên bị bom cày đạn xới vươn mình phát triển mạnh mẽ; nhất là hệ thống điện, đường, trường trạm được đầu tư, nâng cấp; 98,31% hộ dân sử dụng nước sạch; những cây cầu kiên cố thay thế cầu tạm, đường nông thôn liên ấp được bê tông hóa kết nối với tỉnh lộ giúp giao thương hàng hóa thuận lợi… Là xã thuần nông, An Phước có diện tích trồng lúa 5.625 ha (trong đó diện tích lúa chất lượng cao 2.781/ha, năng suất trung bình 7,9 tấn/ha); bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển, đời sống nhân dân từng bước nâng cao.

Xem thêm: Ly hôn vì nghèo, 3 năm sau cô gái hối hận đến bật khóc khi đi ngang qua nhà chồng cũ vì thấy điều này

Bà Trương Thị Diễm Trinh, Chủ tịch UBND xã An Phước, cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,91%; năm 2023 được cấp trên công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”. Đây là niềm vui, là động lực lớn để cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã An Phước tiếp tục phấn đấu lập thành tích mới xứng đáng với thành quả các thế hệ cha anh để lại, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm tươi mới.

Bài và ảnh: XUÂN CHIẾN