Vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Những tấm lòng vàng trong nguy nan

Nóng ruột bởi những mất mát mà đồng bào các tỉnh phía Bắc phải hứng chịu sau cơn bão số 3 và những trận lũ quét, chỉ sau bão một đêm, sáng ra giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Thạch, giảng viên của Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh đã quyết tất toán sớm cuốn sổ tiết kiệm của mình để gửi 1 tỷ đồng cho một quỹ vận động. Người thầy 76 tuổi này cứ mãi trăn trở bởi với ông ngay lúc này dù có gửi 1 tỷ vẫn là con số quá ít ỏi, không thấm vào đâu với những mất mát của đồng bào.

Hiện chỉ sống một mình, cuốn sổ tiết kiệm là sự dành dụm từ số tiền lương hưu, tiền thỉnh giảng, tiền viết sách và các khoản phụ cấp khi ông tham gia các dự án. Nhưng, với giáo sư Lê Ngọc Thạch, từ miền Nam nhìn cảnh khó khăn và nguy nan mà nhân dân các vùng núi phía Bắc phải hứng chịu khiến ông thao thức cả đêm. Những ngày vừa qua ông luôn cập nhật tin tức và bàng hoàng trước quá nhiều hình ảnh, hoàn cảnh sau khi cơn bão đi qua. Với ông, hơn lúc nào hết, mỗi một người Việt dù bất cứ nơi đâu đều góp một tay thì đất nước mới sớm đi qua giông bão.

Xem thêm: Dấu ấn quân-dân ở Văn Lem

Đưa hàng lên xe tải trong đêm để chuyển đi cứu trợ đồng bào phía Bắc.

Cũng với con số 1 tỷ, ca sĩ Hà Anh Tuấn đã thông qua TƯ Đoàn đã chuyển tâm lòng mình đến đồng bào phía Bắc. Tiếp nối, giới văn nghệ sĩ còn có những tên tuổi đóng góp rất nhiều như Tiktoker Phạm Thoại cũng 1 tỷ đồng, và 200 triệu tiền thực phẩm; hoa hậu Phương Lê 750 triệu, Ca sĩ Tùng Dương và bạn bè là 500 triệu; ca sĩ Hòa Minzy 500 triệu, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng 250 triệu tiền mặt và 250 triệu tiền cá hộp ăn liền…Hội nhà văn Việt Nam cũng đã vận động hội viên và nhiều mạnh thường quân với 3 lần công bố tổng cộng gần 750 triệu đồng.

Chung một tấm lòng hướng về miền Bắc, em Mai Đức Gia Bảo, lớp 5C, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, TP Hồ Chí Minh đập heo đất san sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ. Đây là số tiền từ khoản lì xì Tết, tiền được bố mẹ cho, em bỏ heo đất để dành 2 năm nay. Số tiền 9.416.000đ được Mai Đức Gia Bảo cùng mẹ chuyển thành công tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tương tự như vậy anh chàng tài xế xe ba gác tìm đến một quỹ ủng hộ đồng bào miền Bắc khi trời đã tối muộn. Anh Nguyễn Tiến Hồng đã dành dụm số tiền công chạy xe của mình trọn 1 tuần lễ là 1,4 triệu đồng để chia sẻ tấm lòng mình cho miền Bắc thân yêu. Người con xứ Nghệ vẫn bồi hồi nhiều cảm xúc khi chứng kiến bão lũ đã hoành hành cuộc sống của người dân. Với anh không cơn bão nào thắng nổi tình người Việt Nam.

Không những người Việt ta, ngay cả người nước ngoài đang sinh sống và học tập tại miền Nam cũng có những hành động cao đẹp hướng về đồng bào miền Bắc. Chàng trai Daniel Thang Hauksson, học sinh lớp 12, Trường International School Ho Chi Minh City, đã quyên góp từ gia đình, bạn bè được 100 triệu đồng chỉ trong vòng 1 ngày. Số tiền này anh chàng đã cẩn thận đem trao đến quỹ “Hướng về miền Bắc yêu thương”. Cơn bão qua đi nhưng tình người luôn ở lại trên dải đất hình chữ S này.

Chuyến xe nối liền yêu thương

Cơn mưa chiều sầm sập kéo đến nhưng vẫn không ngăn được dòng người chở các nhu yếu phẩm đến nơi quyên góp cho đồng bào phía Bắc. Rất nhiều điểm tập kết mở ra để đón nhận muôn triệu tấm lòng đến với đồng bào. Sớm nhất có thể kể đến nhóm “Sài Gòn bao dung” với điểm tập kết luôn đầy hàng và cho đến nay đã 8 xe tải nối đuôi nhau hướng về miền Bắc với khẩu hiệu “Miền Bắc cố lên”.

Xem thêm: Tam Đảo 'cháy' phòng vì đêm diễn của Tuấn Hưng và Duy Mạnh

Công đoạn tiếp nhận hàng hóa và phân loại, xếp xe diễn ra với sự hỗ trợ của cả trăm người làm việc 24/24. Cứ vậy từ hôm 8/9 cho đến nay đã là 5 ngày mà nguồn hàng và xe vẫn liên tục hướng về nơi đồng bào đang cần thiết với hàng trăm tấn hàng hóa nhu yếu phẩm, hàng tỷ đồng tiền mặt không thể nào đo đếm được. Tôi có mặt tại điểm tập kết hàng hóa trên một quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, đã 1 giờ sáng nhưng không khí đông đúc và hối hả hơn bao giờ hết.

Chia sẻ cùng tôi, chàng trai tên Vĩnh bảo những ngày miền Nam bị phong tỏa vì dịch bệnh COVID-19 thì miền Bắc đã không ngần ngại chi viện lập tức. Đó là ơn nghĩa mà chúng ta phải nhớ đến. Vậy nên, Vĩnh và gia đình quyết mở điểm tập kết và tận dụng xe tải đường dài để chuyển hàng. Cứ vậy mà nhiều tài xế và chủ xe khác cùng tham gia. Nhà Vĩnh đã sáng đèn 4 ngày liên tục. Chia ca ra làm việc để đóng hàng, xếp xe liên tục, đầy xe là xuất bến. Đồng bào không còn thời gian để chờ.

“Chúng ta là người trong một nước, lúc hoạn nạn là cần phải nắm tay nhau vượt qua”. Đó là lời tâm sự của một anh tài xế thuộc nhà xe Phương Nam, trong một đêm chờ lệnh xuất phát. 30 chuyến xe của nhà xe này mang theo rất nhiều thực phẩm khô, áo phao, thuốc men, chăn, quần áo, nước suối, bánh kẹo đến với đồng bào. Mỗi chuyến xe có hai tài xế sẽ thay phiên nhau lái để đảm bảo thời gian nhanh nhất đến với đồng bào miền Bắc. Nhiều lắm những chuyến xe xuất phát từ hướng Nam để đến với miền Bắc mang trong lòng sự sôi sục và hừng hực nhất để tiếp cận sớm những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Họ đi bằng con tim đỏ dòng máu Việt và hào khí của một dân tộc luôn đoàn kết nắm tay nhau, chân tiếp bước vượt qua ngàn chông gai.

Đất nước của những người tử tế

Trong những ngày mà muôn triệu con tim đang hướng về một nỗi đau chung của dân tộc, chúng ta không thể cho phép bất cứ một hành vi nào đó “không đẹp”, “không tử tế” được quyền tồn tại. Đó là lời khẳng định của rất nhiều người sau sự việc có nhiều thành phần mượn danh làm từ thiện để “vơ vét” tấm lòng của người Việt mình. Một nam TikTok Việt Anh Pí Po với 1,3 triệu lượt theo dõi đã bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt khi chỉ chuyển khoản ủng hộ 1 triệu đồng nhưng lại cố tình tung tin mình chuyển khoản 20 triệu đồng.

Sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tung ra 12 ngàn trang sao kê thì lập tức anh chàng liền lên tiếng xin lỗi vì sự “phông bạt” của mình, và chuyển khoản ngay 20 triệu như lời đã “nổ”. Hay như chuyện anh chàng Dương Anh, sau khi cộng đồng mạng kiểm tra từ sao kê của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam thì phát hiện anh chàng chỉ chuyển 10 ngàn đồng nhưng hô hào và photoshop biên nhận online của hệ thống ngân hàng là 100 triệu. Dưới sự công kích của cộng đồng mạng, anh chàng này đã khóa trang cá nhân và cả số điện thoại.

Cậu học sinh lớp 5 đập ống heo góp quỹ ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng sau cơn bão.

Chỉ trong ngày 12/9, cộng đồng người tiêu dùng đã phản ứng với một thương hiệu cà phê tên K, bởi lối đóng góp kỳ quặc mang tên “1.000 đồng”. Dễ thấy việc họ quảng cáo sẽ trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước bán ra để ủng hộ đồng bào miền Bắc là một phương thức truyền thông đánh vào lòng người lúc này và nhằm mục đích kích cầu doanh thu cho chính họ. Như một cách họ đem tiền người tiêu dùng đi tặng đồng bào nhưng làm sang cho chính họ. Chiến dịch khuyến mãi đó đã nhận về hơn 100 ngàn icon phẫn nộ và lời kêu gọi tẩy chay của mọi người.

Cũng là câu chuyện mượn việc bán hàng để góp quỹ ủng hộ, một người phụ nữ đã livestream kêu gọi khách hàng của mình. Sau khi đạt doanh số mong muốn thì cô ta chỉ chuyển cho quỹ ủng hộ 10 ngàn đồng, không đúng như lời cam kết là 10 triệu. Sự việc nhanh chóng bị phát hiện và cô chủ shop giày ấy đã thừa nhận, lên bài xin lỗi khách hàng, cũng như chuyển khoản lại vào quỹ con số đúng như cam kết.

Trước những khó khăn do thiên tai gây ra, đất nước ta luôn có những kế hoạch ứng phó lẫn sự chuẩn bị khắc phục, tuy vậy tinh thần Việt luôn ngời sáng để chia sẻ với nhau trong thời khắc này. Đó vốn dĩ đã là truyền thống lâu đời và tốt đẹp của dân tộc. Vì thế, đóng góp bao nhiêu cũng là từ tâm mình mà chia sẻ cùng đồng bào, đâu nhất thiết làm màu, chiêu trò để rồi bị phản tác dụng và khiến mình trở nên không đẹp trong ánh nhìn của xã hội.

Rất may, đó chỉ là thiểu số, bởi ngay lúc này, vẫn còn muôn triệu con người đẹp, muôn triệu tấm lòng vàng đang hướng về miền Bắc. Trong đoạn clip của một bạn tài xế thuộc nhóm “Sài Gòn bao dung” gửi về cho tôi ngay khi tôi đang ngồi gõ những dòng này là hình ảnh các bạn đang hát vang giữa điểm tập kết ở Lào Cai. “Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà”. Câu hát khiến con chữ trong bài viết của tôi cũng rưng rức theo.

Tống Phước Bảo