Vợ mù chữ bán vé số nuôi chồng, bất lực khi con gái xin học hết lớp 9

Căn phòng trọ tuềnh toàng của gia đình chị Sơn Thị Sau (SN 1977, quê Sóc Trăng) nằm sâu trong xóm trọ đông đúc ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Khi chúng tôi đến, anh Thạch Kim Nél (SN 1979, quê Sóc Trăng) đang ngồi trên xe lăn, trên đầu vẫn còn vết sẹo dài. Một bên vai anh trĩu xuống, bất động.

Sau tai nạn năm ngoái, anh Nél bị liệt nửa người bên trái, nửa bên phải cũng chẳng nhanh nhẹn như người khỏe mạnh. Bát mì tôm do ăn quá chậm đã bị nở nát tươm.

Anh Nél bị tai nạn, nằm viện hơn nửa năm. Di chứng tốn thương não khiến anh bị liệt nửa người.

Xem thêm: Lọ Lem dần chuyển đổi gu 'thiếu nữ trưởng thành' đầy quyến rũ

Hôm vừa rồi đi bán vé số, chúng tôi được người ta thương mà cho ít mì tôm, còn trước đó cả nhà phải nhịn bữa sáng. Tháng này, chồng tôi đã ngưng đi tập vật lý trị liệu vì hết tiền”, chị Sau cho biết.

Trước đó, anh Nél chạy xe công nghệ. Giữa tháng 10 năm ngoái, anh bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, gãy nhiều xương vùng mặt. Anh được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhân dân 115, sau đó chuyển sang Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp nằm kéo dài nhiều tháng.

Mười mấy năm ở trọ, anh Nél là trụ cột kinh tế. Chị Sau không có công việc ổn định, thường nhận ít đồ thủ công về làm để phụ tiền sinh hoạt, dành thời gian chăm sóc, đưa đón 2 đứa nhỏ đi học. Khi anh xảy ra chuyện, người thân đều nghèo khó, không giúp được, chị phải bám víu vào những người xa lạ có tấm lòng nhân ái.

Gần 1 năm qua, anh Nél phải điều trị ở nhiều nơi, chi phí lên đến cả trăm triệu đồng.

Nghe vợ khóc nấc vì tủi phận, anh Nél lặng lẽ rơi nước mắt.

Anh Nél nằm viện 6 tháng. Sau khoảng thời gian bỏ mọi việc để ở viện chăm chồng, chị Sau cũng cố gắng đi bán vé số để kiếm tiền cho anh tập vật lý trị liệu. Thế nhưng, thu nhập ít ỏi của chị chẳng đủ để đóng trọ, ăn uống, nào lo nổi tiền cho chồng chữa bệnh.

Chị Sau nghẹn ngào: “Tiền vay mượn của bạn bè đến nay vẫn chưa trả được. Có những ngày tôi để anh ở phòng trọ rồi đi bán vé số, về thấy anh bị té ngã mà xót quá. Hôm vừa rồi để anh ngồi trên xe lăn rồi đẩy đi bán cùng, bên chân trái rớt xuống lúc nào không hay, bị trầy trợt cả mảng. Giờ tôi chỉ ước có tiền để anh tập đi lại vững chãi hơn, tôi mới yên tâm đi làm được”.

Biến cố khiến gia đình họ chật vật chống đỡ suốt 1 năm qua. Sau một mùa hè phụ mẹ đi bán vé số, con gái lớn của hai vợ chồng mới 13 tuổi lúc nào cũng sợ phải nghỉ học. Thỉnh thoảng cô bé lại thủ thỉ với mẹ, xin cho học hết lớp 9, có được tấm bằng cấp 2 con mới dễ xin việc làm.

Chị Sau nghẹn ngào khi kể lại lời khẩn cầu được học hết lớp 9 của con gái lớn.

Cũng bởi trước đó, chị Sau thường kể cho các con nghe về cuộc đời bất hạnh của mình. Thuở nhỏ bị cha bỏ rơi, chị sớm phải lăn lộn mưu sinh để phụ mẹ nuôi em trai bệnh tật, chẳng được học hành nên đến nay vẫn mù chữ. Chị ao ước có một số phận khác, hạnh phúc, đầm ấm như bao người bình thường khác. Cho đến khi gặp anh Nél, chị mới cảm nhận được tình yêu thương, sự che chở. Chị mong các con mình sẽ không phải chịu khổ như bản thân đã trải qua. Đáng tiếc ở hoàn cảnh hiện tại, chị lại bất lực, không biết phải làm sao để có tiền cho chồng chữa bệnh, để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Bà Phạm Thị Hoa, Chi hội trưởng Hội phụ nữ khu phố 9 (khu phố 4 cũ), phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, gia đình chị Sơn Thị Sau trước đây thuê trọ tại khu phố 9, mới chuyển sang khu phố 10. Thời điểm anh Nél bị tai nạn nằm viện, chị Sau phải gửi 2 đứa trẻ cho hàng xóm xung quanh phụ giúp. Khu phố cũng đã nhiều lần hỗ trợ gạo, mắm, muối... Tuy nhiên, do anh Nél cần tiền điều trị lâu dài nên gia đình rơi vào khó khăn.

Đáng thương nhất là 2 đứa trẻ. Các con có nguy cơ thất học, bởi một mình chị Sau không thể cáng đáng cả chồng tàn tật và các con. Rất mong bạn đọc nhân ái chung tay giúp đỡ cho gia đình họ trong lúc cùng đường.

Căn phòng trọ chất đầy đồ đạc, cái thì được cho, cái thì mua rẻ. Gia đình họ đã ở mướn suốt mười mấy năm nay.

Xem thêm: Khúc tình quê

Khánh Hòa