Vĩnh biệt nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: 'Pho từ điển sống' trăm năm của đất phương Nam

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là một trong những người dành một đời cho Việt sử địa cùng hàng trăm đầu sách sử liệu, bộ sưu tập bản đồ, sách cổ cùng loạt sách về khảo cổ gây tiếng vang.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (1923-2024). Ảnh: TRẦN NGỌC SINH

Nhà nghiên cứu lỗi lạc đã ra đi vào ngày 20-9 vừa qua khi vẫn còn nhiều dự định dang dở, để lại nhiều tiếc thương cho người ở lại.

Xem thêm: Nha Trang: Giá rau xanh tại các chợ truyền thống tăng nhẹ

Tiếc thương "pho từ điển sống" của phương Nam

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hoa Sen không khỏi xót xa trước sự ra đi của ông.

"Thế hệ vàng hiểu biết một cách sâu sắc tường tận về mảnh đất phương Nam nói chung và Sài Gòn - TP.HCM nói riêng đã dần rơi rụng trong khi lớp kế cận cần có thời gian...

Nếu như trước đây, khía cạnh lịch sử, địa lý và văn hóa chúng ta có nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và Vương Hồng Sển... Về lịch sử chính trị Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đàn.. hiện nay chúng ta còn "tài sản" rất quý là Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư.

Do đó, hay tin bác Đầu mất tôi vừa hụt hẫng vừa thương tiếc. Hụt hẫng vì từ đây chúng ta mất đi một pho từ điển sống của mảnh đất phương Nam, của Sài Gòn - TP.HCM. Tôi cảm thấy đó là một mất mát lớn cho thế hệ sau, bởi ai sẽ là người kể lại những câu chuyện về lịch sử văn hóa, nghệ thuật của vùng đất này” – TS. Quách Thu Nguyệt tâm sự.

Theo TS. Nguyệt, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là người hỗ trợ cho mình khi làm bộ sách về Sài Gòn - TP.HCM 300 năm.

"Bác Đầu giới thiệu cho tôi bộ từ điển Sài Gòn - TP.HCM, sau đó là những tài liệu, cuốn sách của Sài Gòn xưa… giúp cho bộ sách khá đầy đặn, hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục bổ sung tài liệu này" – TS. Nguyệt kể.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng TS Quách Thu Nguyệt và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: LAM ĐIỀN

Gặp nhau lần đầu tiên cách đây 35 năm tại hội thảo của giới sử, địa tại Pháp trong lễ kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp và gắn bó cùng nhau đến hiện tại trong Hội sử học, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định bác Đầu là người đi rất sớm trong việc gắn kết sử và địa

"Đối với giới sử học chúng tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là một con người mẫu mực và gắn bó với lịch sử dân tộc, mảnh đất mình đang sinh sống Sài gòn – TP.HCM

Bác Đầu xuất thân không liên quan gì đến lịch sử cả. Bác học trường Bách nghệ tại Hà Nội. Tuy nhiên, lịch sử của đất nước đã khiến bác gắn bó và yêu quý lịch sử dân tộc hơn" - nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu rất tha thiết với mảnh đất Sài Gòn – TP.HCM bằng trải nghiệm người đã sống, chứng kiến.

"Cùng với tri thức và tình yêu lịch sử, có thể nói bác Đầu là một trong những người đi đầu cùng với người đồng nghiệp là cụ Nguyễn Đình Tư. Hai người góp phần rất nhiều đi vào những vấn đề hết sức đơn giản về quang cảnh, sự biến đổi cũng như con người của TP.HCM” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét.

Xem thêm: Bế mạc Giải Bóng chuyền hơi công chức, viên chức, lao động mở rộng

Đối với những nghiên cứu, tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đặc biệt là về lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận tình yêu tổ quốc hay trách nhiệm với chủ quyền đất nước ai cũng có nhưng lợi thế nhất là bác Đầu kết hợp được lịch sử và địa lý.

"Chủ đề đầu tiên mà bác ra mắt với giới sử học chúng tôi là tìm hiểu lịch sử qua các bản đồ cổ. Bản đồ thì đương nhiên trực quan nhất, trực tiếp nhất đối với vấn đề chủ quyền đặc biệt là đối với chủ quyền biển đảo, một lĩnh vực có thể nói tư liệu không nhiều, rất khó và phải có một nhận thức đầy đủ.

Bên cạnh đó, lợi thế của cụ còn thể hiện trong nhiều tác phẩm, chúng ta không chỉ nói trong nhiều tác phẩm viết thành sách, bài báo mà kể cả di sản cụ sưu tập được… Đó là điều thật sự rất đáng quý" – nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận.

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Biên tập NXB Trẻ, tâm sự: "Mỗi lần được gặp bác, tôi được nghe kể rất nhiều câu chuyện mà tôi nghĩ dù nghe bao nhiêu cũng không đủ. Thực sự rất nể phục trí tuệ, trí nhớ của ông".

Ông Nguyễn Thành Nam cho biết NXB Trẻ cũng đã xuất bản sách “Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam kỳ Lục tỉnh” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu hồi tháng 8 vừa qua.

Còn nhiều dang dở….

Hơn 70 năm lao động miệt mài với sử học và cho đến khi "về với mây trời" nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vẫn còn nhiều dự định, tác phẩm vẫn còn dang dở…

Ông Nguyễn Thành Nam bày tỏ ấn tượng về sức làm việc của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dù đã ở tuổi hơn 100, đồng thời cho biết bác Đầu ra đi khi cuốn sách cuối cùng vẫn chưa kịp ra mắt.

"Trong cuốn sách cuối cùng chúng tôi đang làm với bác mang tên "Con đường gốm sứ và tơ lụa trên Biển Đông", chúng tôi thấy bác vẫn hằng ngày miệt mài cắt dán về hình ảnh gốm sứ để dán vào bản thảo.

Đến năm ngoái, chúng tôi tưởng chừng đã hoàn thành nhưng đến cuối cùng bác nói vẫn chưa ưng ý với bản thảo của mình. Do đó, cho đến đầu năm nay bác vẫn tiếp tục sửa bản thảo này. Chỉ tiếc là bản thảo chưa được hoàn chỉnh trước khi bác qua đời" – ông Nam cho hay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nam cũng nhấn mạnh NXB Trẻ sẽ cố gắng xem lại bản thảo cuối cùng của bác Đầu để hoàn chỉnh và ra mắt bạn đọc. Còn các tác phẩm đã được bác Đầu trao quyền thì NXB Trẻ sẽ lên kế hoạch để xuất bản.

"Bác Đầu ra đi để lại nhiều công trình nghiên cứu và cũng có nhiều điều còn nuối tiếc bác còn muốn làm nữa. Vẫn còn nhiều điều bác trăn trở và trao đổi với anh em đồng nghiệp chúng tôi.

Thậm chí, có những điều bác còn đang làm dở dang. Sự ra đi là quy luật của tạo hóa và chuyện còn lại trách nhiệm chúng ta phải khai thác di sản đó như thế nào, bảo tồn và phát huy nó ra sao…"

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nhớ lại lần cuối cùng bà gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là khi bác nhắn mình đến nhà sau buổi ra mắt bộ sách của TS - Luật sư Phan Đăng Thanh và Luật sư Trương Thị Hòa.

"Khi tôi đến và trò chuyện với bác mới thấy bác trăn trở rất nhiều, đặc biệt là bác muốn làm cuộc trưng bày toàn bộ các bản đồ cổ mà bác còn giữ.

Tôi được biết thư viện Tổng hợp TP.HCM có scan một số bảm đồ cổ rồi, nhưng mong muốn của ông vẫn là một cuộc triển lãm toàn bộ bản đồ cổ của miền Nam và Sài Gòn-TP.HCM.

Bác tâm sự với tôi rằng số tiền được NXB Trẻ khi khi ký hợp đồng tác quyền trọn đời tthi2 bác dành để mua giá tranh nhằm chuẩn bị cho triển lãm. Lúc bấy giờ dự trù của tôi đã chuẩn bị giá tranh tại Nhà văn hóa Thanh niên để tổ chức triển lãm, nhưng cuối cùng vẫn chưa thể thực hiện được. Chúng tôi nghĩ mình còn nợ bác Đầu điều đó" – TS Quách Thu Nguyệt xúc động.

VĂN HÀ