Vẫn có nắng trong cơn mưa chiều

Bạn vừa chuyển cho em tấm ảnh đang lội bì bõm trên đường phố lớn, luôn có một câu hài hước như tính bạn thuở nào “Gửi gấp một chiếc thuyền giấy”, kèm theo icon cái miệng cười toe, hở mấy cái răng sún. Em nhìn hình icon, ô, sao nó giống khuôn mặt bạn hồi nhỏ thế này. Trong đám con nít của xóm nhỏ nhà em hồi ấy, bao giờ bạn cũng là người đầu têu những trò chơi và làm cho lũ bạn cười như nắc nẻ. Chúng em lớn lên, mỗi đứa một công việc, xa nhau nhưng những kỷ niệm xưa như cái neo giữ chặt cả đám bạn lại với nhau. Nhiều lúc em hỏi bạn “Nhớ Huế rồi à?” hay là “Có nhớ Huế không?”, bao giờ bạn cũng “ngó lơ” câu trả lời, làm em nhớ từ nhỏ, bạn đã luôn sống như một “trang nam nhi” mạnh mẽ, nhưng em biết chiếc thuyền giấy mà bạn nhắc đó cũng chính là nỗi nhớ Huế, nhớ bạn bè mà bạn luôn bằng cách này hay cách khác nhắc đến mà không gọi tên.

Huế những ngày mưa thời thơ ấu của tụi em có những gì, có nhiều lắm. Ngoài trời mưa dày đặc hay mưa rả rích kiểu chi thì tụi em cũng không quan tâm vì tất cả các trò chơi đều được đưa vào trong nhà, từ xếp thuyền giấy, chơi năm mười, chơi nhảy dây, chơi ô làng cho đến trò chơi làm cô giáo gọi học trò lên đọc bài... Những mùa mưa cứ trôi qua như thế, bình lặng và chẳng có gì to tát nhưng ngờ đâu lại trở thành hành trang quý giá của tình bạn cùng xóm, tình quê hương. Cho nên tin nhắn của bạn làm em bồi hồi quá đỗi “Này, Huế sắp bước vào mùa mưa rồi đó nghe, lo kiểm tra nhà cửa, dặn dò con cái đi học cẩn thận, bạn của mình cũng phải giữ gìn sức khỏe hí!”. Tự nhiên mắt em ươn ướt, người bạn tếu táo năm nào tưởng là hời hợt mà sống rất tình cảm và sâu sắc. Bao nhiêu chuyện xưa bỗng hiện về, mỗi mùa mưa lụt là lại nhắc nhớ ba bạn đi từ đầu xóm đến cuối xóm hỏi thăm nhà ai cần giúp chi không? Khi lụt đến thì ba của bạn cùng các chú đi giúp bà con trong xóm, bọn con nít chúng em cũng được ba mạ để mắt kỹ hơn, không đi lội lụt được nên í ới vói gọi nhau từ nhà này sang nhà khác, xem chừng còn trông lụt cứ kéo dài cho vui. Mùa lụt về, con nít vô lo nên vui nhưng người lớn trong nhà thì lo bao nhiêu thứ...

Xem thêm: Củng cố thế trận lòng dân khu vực biên giới

Bây giờ nhà cao cửa rộng, cổng khóa tường xây, đôi khi em nghĩ muốn gọi cho nhau, bưng cho nhau tô canh chuối, chén ruốc sả như ngày trước... xem ra cũng khó. Tình cũng có mà sao cứ xa cách dần, cứ khó nói, khó tỏ bày. Con người ta bỗng sợ món quà của mình bị đo đếm bằng chất lượng cao sang hay đắt tiền, bị gửi đến nơi không cần thiết nên cứ rút lui dần... Cho nên khi bạn kể “Vừa đi cứu trợ ở Thái Nguyên về đây, gặp được đồng hương Huế, ông ấy năm nay trên 80 tuổi. Ông ấy kể, ông nhận được món quà cứu trợ có thẩu ruốc sả, được ăn lại vị ớt cay trong món ruốc đậm đà mà ông xúc động quá, nhớ Huế da diết, vừa là tình quê hương, vừa là nghĩa đồng bào”. Bạn kể mà em nghe cũng muốn rơm rớm nước mắt. Bạn cũng chuyển cho em bài báo viết về những chuyến xe cứu trợ “0 đồng”, hàng trăm tấn hàng, người góp công, người góp của suốt những ngày qua liên tục chuyển từ miền Nam ra cứu trợ bà con miền Bắc, một trong những chuyến xe đó có bạn cầm lái. Bạn “ngó lơ” không kể về những thiếu ngủ, những mệt mỏi khi “chạy đua” với thời gian để đem hàng đến sớm nhất với bà con nhưng em hiểu bạn muốn chia sẻ tình nghĩa đồng bào gói ghém trong những món quà.

Xem thêm: Tuấn Hưng - Duy Mạnh - Phan Anh trêu đùa nhau trong liveshow

Chiều nay ngồi ngắm mưa bay, em nghe trăm ngàn giọt mưa ngoài kia đang hát khúc ca muôn thuở của đất trời. Em biết, khi mùa mưa về, cuộc mưu sinh với nhiều người sẽ thêm phần vất vả nhưng mưa cũng dạy con người biết thấu hiểu và biết cách yêu thương, như bạn của em đó, như Huệ đó, đang tự mình tỏa những tia nắng ấm bằng những việc làm tích cực, nên em tin luôn có nắng ấm trong những cơn mưa cũng như luôn có người tốt, rất nhiều người tốt trong cuộc đời này.

Xuân An