Từ mảnh vải vụn ghép nên giấc mơ lớn

Chất keo gắn kết

- Nhiều người biết đến Vụn art, nơi người khuyết tật ngày ngày sáng tạo, tỉ mỉ cắt, dán, ghép lụa vụn tạo nên những sản phẩm độc đáo. Câu chuyện của Vụn art bắt đầu như thế nào, thưa anh?

  • Đó là năm 2017, khi tôi đang cùng 3 người khác duy trì xưởng may thú bông của người điếc. Ngày 6.3 năm ấy, họa sĩ Nguyễn Văn Trường (hiện là Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông, Hà Nội) đến thăm, tặng quà nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Anh Trường vui tay lật qua lật lại những mảnh vải vụn, phút chốc biến chúng thành một bức tranh. Anh nhìn tôi, nói: “Anh có ý này, hay là mình làm một xưởng tranh từ vải lụa, vừa tái chế được nguồn nguyên liệu bỏ đi, giảm gánh nặng cho môi trường, vừa tạo nhiều việc làm hơn cho người khuyết tật. Từ trước đến nay, chưa có ai làm tranh ghép lụa như thế này”.

Anh Lê Việt Cường (áo xanh ở giữa) cùng các thành viên, những người đồng hành với Vụn art. Ảnh: Vụn art

Xem thêm: Nơi lưu giữ bộ sưu tập chuông cổ nhất thế giới

Câu nói như đánh thức giấc mơ mà tôi ấp ủ bao lâu. Tôi cũng là người khiếm khuyết về cơ thể, bị mắc bệnh bại liệt từ nhỏ, nên hiểu được khó khăn của cộng đồng người khuyết tật trong quá trình tìm kiếm việc làm để có thể sống tự lập, tự tin bằng chính khả năng và sức lao động của mình. Bấy giờ, được tiếp năng lượng, tôi bắt đầu con đường xây dựng Vụn art.

- Công việc của Vụn art không đơn thuần tái chế vải vụn mà còn biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật. Hành trình đó chắc hẳn không đơn giản với những người không có chuyên môn về mỹ thuật?

  • Từ ý tưởng đến thực tế quả thực là khoảng cách mênh mông. Không có chuyên môn về mỹ thuật, làm như thế nào, bắt đầu ra sao là một dấu hỏi lớn. Rất may, tôi nhận được hỗ trợ đắc lực từ những người có chuyên môn. Họa sĩ Đặng Thị Khuê cố vấn văn hóa, mỹ thuật; họa sĩ Nguyễn Văn Trường dạy hình họa, bố cục, dựng hình, màu sắc; anh Nguyễn Duy Hoàng đảm nhận đào tạo kỹ thuật; anh Lê Quốc Vinh cố vấn phát triển sản phẩm, dịch vụ và truyền thông…

Cứ thế, mỗi người giúp một tay, tìm tòi, chia từng công đoạn để dạy cho người khuyết tật. Đúng như thông điệp của cái tên Vụn art: “Mỗi người khuyết tật là một mảnh vụn nhỏ, sự hỗ trợ của cộng đồng như chất keo kết dính chúng tôi lại thành bức tranh lớn hơn”.

- Nhìn lại 7 năm qua, khó khăn lớn nhất mà Vụn art phải vượt qua là gì?

Xem thêm: Trêu bà qua camera có âm thanh, nam thanh niên khiến dân tình tranh cãi

  • Quy trình tạo nên một bức tranh ghép lụa gồm hàng chục bước từ thiết kế, chọn vải, là phẳng, dán bìa, ép nhiệt… đòi hỏi óc thẩm mỹ, sự khéo léo, tỉ mỉ. Với người lành lặn đã không dễ, với người khuyết tật, làm các công việc ấy càng thử thách gấp nhiều lần. Người khuyết tật ở Vụn mang những khiếm khuyết khác nhau như khiếm thính, khuyết tật vận động, trí tuệ, nhất là với các bạn khuyết tật thể tự kỷ, việc dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Đấy là chưa kể thời gian đầu mới thành lập Vụn art, để thuyết phục các bạn đến học nghề vô cùng gian nan. Tôi đến tận nhà, vận động gia đình cho con em đi học, ai nấy đều e dè, 10 nhà thì 9 nhà từ chối. Những lần muốn bỏ cuộc, lại nhớ anh Lê Quốc Vinh thỉnh thoảng bảo tôi: “Người tốt không bao giờ chết được đâu Cường”. Vậy là cứ nỗ lực tiến về phía trước.
Tháng 10.2017, lớp học nghề có 10 học viên. 2 năm đầu tiên, Vụn chưa sản xuất mà chỉ tập trung nhiệm vụ đào tạo nghề, theo hướng cầm tay chỉ việc từng li từng tí. Bây giờ, thành viên của Vụn art đã lên gần 40 người.

Hướng đến nghệ thuật bền vững

- Theo anh, điều gì làm nên sự khác biệt trong các sản phẩm của Vụn art?

  • Không chỉ nhằm mục đích tạo ra việc làm phù hợp với sức khỏe của người lao động khuyết tật, Vụn tận dụng vải thừa từ làng lụa Vạn Phúc để làm thành sản phẩm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tránh lãng phí tài nguyên xã hội. Theo tôi, đó là điểm độc đáo của Vụn. Thay vì may, thêu, vẽ, in… chúng tôi chọn phương pháp tái chế. Qua bàn tay của thợ khuyết tật, mảnh vải vụn tưởng bỏ đi, được tái sinh dưới hình hài mới.

Hơn nữa, Vụn chủ yếu dựa vào văn hóa truyền thống như họa tiết tranh dân gian, biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Hồ Gươm, làng cổ Đường Lâm, làng lụa Vạn Phúc... để tạo tác mẫu mã, ngoài ra còn sáng tạo theo yêu cầu riêng của khách hàng. Các họa tiết được đưa lên túi vải, áo phông, áo dài, sổ tay, túi, gối, bàn cờ, đặc biệt là tranh chân dung ghép lụa rất được yêu thích.

- Được biết, bên cạnh sản xuất, Vụn art còn cung cấp hoạt động trải nghiệm ghép tranh, tổ chức workshop cho học sinh, sinh viên, khách du lịch… thực hành nghệ thuật ghép vải…

  • Đó là cách chúng tôi giúp mọi người hiểu hơn về người khuyết tật, hiểu thêm về Vụn, các sản phẩm của Vụn cũng như cách sử dụng các sản phẩm tái chế. Đồng thời, qua đây cũng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và quảng bá hình ảnh Việt Nam.
    Đặc biệt, có một nguyên tắc khi quảng bá sản phẩm của Vụn là không bao giờ nói trước với khách hàng rằng đây là sản phẩm của người khuyết tật. Chúng tôi muốn khách hàng chọn mua sản phẩm vì hàm lượng nghệ thuật, hàm lượng văn hóa trong từng mảnh vải ghép, chứ không phải vì được tạo ra bởi người khuyết tật.

- Nhìn lại hành trình dài gắn bó, đồng hành với Vụn art, anh thấy thành công lớn nhất là gì?

  • Tôi cho rằng thành công của Vụn là tạo nên sự thay đổi. Thứ nhất, thay đổi cách tiếp cận về việc làm cho nhóm người khuyết tật. Thay vì cứ nghĩ rằng cần ủng hộ họ thông qua việc làm từ thiện thì chúng ta hoàn toàn có thể đồng hành, cùng với họ tạo ra giá trị bền vững. Con đường phát triển của Vụn art minh chứng cho điều đó. Mỗi tháng, Vụn tạo ra hàng trăm sản phẩm, mang đến thu nhập ổn định cho các thành viên.
    Thứ hai, các bạn khuyết tật đến đây và có sự thay đổi lớn về cả sức khỏe lẫn tinh thần. Có bạn tự kỷ thể tăng động, không ngồi im quá 5 phút, bỗng một ngày có thể tập trung ngồi tỉ mỉ cắt dán. Có bạn chỉ cặm cụi một góc, không chịu giao tiếp với ai, đến nay đã hòa đồng, chia sẻ với mọi người. Với tôi, đó mới là thành công lớn hơn cả.

- Anh kỳ vọng gì về sự phát triển của Vụn art?

  • Hành trình của Vụn đến nay đã mang lại nhiều giá trị, song cá nhân tôi còn ấp ủ nhiều dự định, nhiều kỳ vọng, rằng Vụn art tiếp tục phát triển, bền vững và ngày càng mở rộng, giúp đỡ được nhiều mảnh đời khuyết tật hơn nữa. Tôi mong rằng thời gian tới, Vụn có một không gian rộng rãi hơn, khang trang hơn để các thành viên thoải mái làm việc và trưng bày sản phẩm. Nhìn rộng ra, tôi rất mong lan tỏa mô hình này, qua đó mang đến nhiều cơ hội cho nhóm người yếu thế. Như mảnh vải vụn góp phần tạo nên nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ, người khuyết tật cũng có thể đóng góp giá trị cho xã hội khi tìm được đúng vị trí của mình.

- Xin cảm ơn anh!

Lê Thư thực hiện